Trong khi Mỹ và châu Âu đang nôn nóng chờ đợi vaccine để có thể khôi phục lại hoàn toàn hoạt động kinh tế, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất được dự báo sẽ tăng trưởng dương trong năm 2020 – điều giúp thu hẹp đáng kể khoảng cách với Mỹ.
Theo Wall Street Journal nhận định, Trung Quốc cũng đã mở rộng vai trò của mình trong mạng lưới thương mại quốc tế, tiếp tục khẳng định vị thế "công xưởng thế giới" bất chấp mấy năm gần đây Mỹ đã rất nỗ lực thuyết phục các công ty hãy chuyển vốn đầu tư sang nơi khác. Thị trường tiêu dùng Trung Quốc – được hỗ trợ bởi đà hồi phục nhanh chóng sau dịch bệnh – ngày càng trở thành nguồn doanh quan trọng của các công ty đa quốc gia.
Và Trung Quốc cũng đã phần nào nâng cao vị thế trên thị trường tài chính quốc tế với số vụ IPO cao kỷ lục trong năm 2020. Dòng vốn đổ vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu cũng lên cao kỷ lục, trong khi các chỉ số chứng khoán của nước này tăng mạnh hơn nhiều so với các chỉ số Mỹ.
Kinh tế thế giới đang dựa vào Trung Quốc để tăng trưởng nhiều hơn bao giờ hết. Năm 2020, kinh tế Trung Quốc được Moody’s dự báo chiếm 16,8% GDP toàn cầu (sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát), so với mức 14,2% trong năm 2016 – trước khi Mỹ và Trung Quốc bước vào chiến tranh thương mại. Tỷ trọng của kinh tế Mỹ được dự báo ở mức 22,2%, gần như không thay đổi so với con số 22,3% của năm 2016.
Dù là nơi đầu tiên phát hiện Covid-19, Trung Quốc đã ngăn chặn dịch bệnh khá thành công và đưa cỗ máy kinh tế sớm hoạt động trở lại. Khác với Mỹ, các chương trình kích thích kinh tế (nhỏ hơn các gói kích thích của Mỹ nếu so sánh với % GDP) chủ yếu tập trung vào khôi phục hoạt động sản xuất và giữ cho các doanh nghiệp nhỏ không phá sản thay vì trực tiếp hỗ trợ người tiêu dùng.
Chiến lược này đã tỏ ra hiệu quả khi mà mặc dù suy thoái nhưng người tiêu dùng Mỹ vẫn chi tiêu mạnh tay. Các nhà máy Trung Quốc sẵn sàng phục vụ họ, và cuối cùng thì người Trung Quốc giữ được việc làm.
Trung Quốc cũng được hưởng lợi lớn khi mà chuyển nhà máy sang nơi khác là rất khó khăn cho dù những gián đoạn vì đại dịch đã khiến rất nhiều giám đốc điều hành muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Một khảo sát do HSBC thực hiện tháng 11 năm ngoái trên hơn 1.100 công ty toàn cầu cho thấy 75% trong số đó vẫn dự định sẽ mở rộng chuỗi cung ứng ở Trung Quốc trong 2 năm tới.
Căng thẳng thương mại
Đối vớic ác nước khác, thành công của Trung Quốc chính là một "con dao hai lưỡi". Nhu cầu của Trung Quốc là "lộc trời cho" đối với các doanh nghiệp bán hàng ở Trung Quốc, bao gồm từ những công ty khai thác nguyên liệu thô đến các nhà sản xuất ô tô và những công ty hàng xa xỉ vốn đang chứng kiến doanh thu sụt giảm ở khắp mọi nơi.
Nhưng sức mạnh của Trung Quốc cũng khiến các doanh nghiệp gặp bất lợi khi mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thể hiện rõ ràng mong muốn nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm phụ thuộc vào các công ty nước ngoài.
Tỷ trọng của các nền kinh tế trong GDP toàn cầu
Ở Australia, gần 42% hàng hóa xuất khẩu là xuất sang thị trường Trung Quốc đại lục trong tháng 10, tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Nhưng đến tháng 11 con số đã giảm xuống còn 27%. Hoạt động xuất khẩu quặng sắt sang Trung Quốc đã tiếp sức cho nền kinh tế Australia (vốn đang chìm trong suy thoái lần đầu tiên trong 29 năm trở lại đây). Tuy nhiên điều đó cũng gây nên nhiều bất ổn, đặc biệt là sau khi Trung Quốc trả đũa việc Australia đòi điều tra nguồn gốc Covid-19 bằng cách cấm nhập khẩu thịt bò và rượu vang từ Australia.
Còn đối với Mỹ, thuế quan mà ông Trump giáng lên Trung Quốc là nhằm mục đích tái cân bằng kinh tế toàn cầu, điều chỉnh lại quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên thay vào đó năm 2020 Trung Quốc được dự báo sẽ ghi nhận thặng dư thương mại lớn nhất trong lịch sử thế giới. Và tính theo % GDP thế giới thì thặng dư thương mại của Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn cả thời kỳ 2007, 2008.
Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế lớn, ví dụ như dân số già hóa và chi phí nhân công tăng cao – điều khiến chi phí sản xuất đắt đỏ hơn. Một loạt vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp nhà nước gần đây cũng khắc sâu nỗi lo ngại về nợ. Và cỗ máy sản xuất của nước này có thể chậm lại trong năm 2021 nếu kinh tế thế giới tiếp tục trì trệ.
Một số chuyên gia kinh tế cũng phê phán mô hình kinh tế quốc doanh hiện nay của Trung Quốc gây khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân – bộ phận có ý nghĩa sống còn với tương lai Trung Quốc.
Tuy nhiên, kể từ khi Covid-19 hoành hành khắp thế giới, kinh tế Trung Quốc vẫn tỏ ra kiên cường và càng khiến các nhà lãnh đạo nước này vững tin rằng hệ thống của họ là 1 lựa chọn hoàn hảo để thay thế cho mô hình phát triển của các nước phương Tây, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng.
Mỹ vẫn là nền kinh tế số một thế giới, thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, nơi có chất lượng cuộc sống cao nhất và có 1 đồng nội tệ hùng mạnh nhất. GDP Mỹ hiện cao gấp rưỡi so với Trung Quốc. Tuy nhiên dù được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 3-4% trong năm nay, cho đến tận nửa cuối của năm nay kinh tế Mỹ sẽ không thể trở lại quy mô năm 2019. Trong khi đó Morgan Stanley dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 9% trong năm nay.
"Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường chính của chúng tôi", Chung Yong-soo, giám đốc Orion Corp, công ty đứng sau thương hiệu bánh nổi tiếng Choco Pie, chia sẻ. Từ những năm 1980 Orion đã hợp tác với PepsiCo để cho ra những sản phẩm mới có thể bán được ở thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên thị trường Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn. Năm 2019 Trung Quốc đóng góp 48,2% tổng doanh thu của Orion, so với mức 38,7% ở thời điểm năm 2010.
"Khởi động lại" các nhà máy
Từ nhiều năm nay, đã có nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng chi phí nhân công tăng, nợ nhiều và năng suất tăng chậm là những yếu tố sẽ đe dọa vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc. Chiến tranh thương mại và mức thuế cao sẽ càng làm giảm lợi thế của Trung Quốc.
Tuy nhiên, tỷ trọng của Trung Quốc trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn cầu vẫn tiếp tục tăng lên, từ mức 13,7% ở thời điểm cuối năm 2019 lên 15,4% vào tháng 11 vừa qua.
Trung Quốc làm được điều này là nhờ nhanh chóng chuyển hướng sang xuất khẩu các thiết bị bảo hộ như mặt nạ và máy thở - những mặt hàng có doanh số tăng chóng mặt trong đại dịch.
Khác với các nước phương Tây, Bắc Kinh đã dùng cách cưỡng chế để buộc mọi người dân ở trong nhà. Khoảng 4.600 người Trung Quốc đã thiệt mạng vì Covid-19, trong khi số người dân Mỹ đã qua đời là 380.000.
Chính phủ yêu cầu các ngân hàng quốc doanh giãn nợ cho những doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng, trong khi giảm lãi suất cho các doanh nghiệp nhỏ. Các chủ doanh nghiệp phải đáp ứng được những tiêu chuẩn hết sức khắt khe để đảm bảo vận hành nhà máy an toàn.
Nhiều chính quyền địa phương trong đó có thành phố Phật Sơn đã điều động xe buýt để chở người lao động nhập cư đang mắc kẹt tại làng quê quay trở lại nhà máy ngay sau khi hết dịch. Những công ty lớn hơn, ví dụ như Foxconn, thưởng tới 430 USD cho mỗi lao động quay trở lại làm việc.
Chen Xin, đồng sáng lập và hiện là tổng giám đốc của Foshan Nuobio Electrical Appliance, cho biết ông đã làm việc trực tiếp với 2 đối tác và cả vợ của họ để đảm bảo các đơn hàng máy lọc không khí vẫn được đáp ứng trong thời dịch bệnh. Các cơ quan chức năng ở địa phương sẽ đảm bảo chắc chắn rằng các nhà máy phải đáp ứng đủ điều kiện an toàn phòng dịch trước khi mở cửa trở lại.
Đến giữa tháng 3, gần như toàn bộ 50 nhà cung ứng của Nuobio đã sản xuất trở lại. Tất cả đều nằm ở phạm vi 50km quanh nhà máy. "Đó là lợi thế lớn nhất của Trung Quốc. Không nơi nào có thể cung cấp cho bạn mạng lưới cung ứng chuyên nghiệp và thuận tiện như ở đây", Chen nói.
Với người tiêu dùng phương Tây ở nhà nhiều hơn, đơn hàng từ nước ngoài tăng mạnh, doanh thu của Nuobio đã tăng khoảng 20% trong năm 2020.
Theo số liệu chính thức, đến đầu tháng 4 hơn 97% các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đã mở cửa trở lại.
Mở rộng thị trường tiêu dùng
Đến mùa thu, chi tiêu tiêu dùng ở Trung Quốc đã hồi phục. Chi tiêu cá nhân cho các mặt hàng xa xỉ được dự báo tăng trưởng 7,6% trong năm 2020, bất chấp thị trường toàn cầu suy giảm 20%.
Trong khi lượng vốn FDI đổ vào Mỹ và châu Âu sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020, vốn FDI vào Trung Quốc vẫn ổn định và tăng 6,3% trong 11 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường tài chính của Trung Quốc (bao gồm Hong Kong) chiếm 43% số vụ IPO trên toàn thế giới trong năm ngoái. Tổng cộng tính đến tháng 12 năm ngoái các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ số trái phiếu trị giá 503 tỷ USD trên thị trường Trung Quốc, tăng tới 49% trong 1 năm.
Chỉ số MSCI China Index (gồm cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết tại quê nhà cũng như tại nước ngoài) tăng 27% trong năm ngoái. Cùng kỳ, chỉ số MSCI AC World Index tăng 14% và MSCI U.S tăng 19%.