Rất nhiều người tiêu dùng có chung thắc mắc này, thậm chí đã có những đồn đoán đây là cách kích trái mít chín nhanh bằng hóa chất, nhưng thực tế không phải vậy.
Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, vùng trồng mít lớn nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long lý giải, việc nông dân, thương lái vạt một mảng trên quả mít (thường là ở gần cuống của trái mít) sau khi hái tại vườn để kiểm tra chất lượng trái mít trước khi bán ra thị trường.
Mít bị vạt đầu, bôi vôi trắng trước khi bán ra thị trường hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khoẻ. (Ảnh minh hoạ) |
Theo ông Men, thông thường mít sau khi đạt trọng lượng để bán ra, bên trong trái sẽ dễ bị bệnh xơ đen, mít không ngọt so với trái bình thường. Nên để kiểm tra, người ta thường vạt (xẻo) một mảng đến xơ mít xem có bị đen không, nếu bị đen sẽ bỏ, không bị đen sẽ tiếp tục bôi vôi lên trên bề mặt để bảo vệ quả mít khỏi bị tấn công bởi tác nhân bên ngoài, vi khuẩn.
“Theo đó, vôi bôi ngoài quả mít không có tác dụng làm mít chín, cũng không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng”, ông Men nhận định.
Được biết, hiện tượng xơ đen ở mít thường rơi vào mùa mưa, canxi trong đất bị hút làm giảm hấp thu của mít, mít vẫn phát triển bình thường về kích thước nhưng bị giảm chất lượng bên trong. Thông thường, người có kinh nghiệm vẫn có thể nhìn được mít có bị hiện tượng xơ đen hay không từ da mít không bóng, trái tối sần, xù xì, bên trong trái mít bình thường có xơ màu vàng, hoặc vàng nhạt hơn thịt mít nhưng xơ mít bệnh lại có màu đen hoặc sậm.
Quốc Thái
Xem thêm: lmth.4965241a-gnourt-iht-ar-nab-ihk-gnart-nos-uad-tav-iahp-tim-oas-iat/nv.moc.enilnounuhp.www