Trong cuộc gặp với báo chí chiều 21-3 tại Hà Nội, ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), cho biết USABC đang khởi động hoạt động hợp tác thường niên quan trọng nhất với Việt Nam và dẫn đầu phái đoàn doanh nghiệp (DN) Mỹ lớn nhất từ trước tới nay đến Hà Nội, trùng với dịp hai nước kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện.
Quan tâm nhiều lĩnh vực
Các nhà quản lý cấp cao từ 52 công ty Mỹ sẽ có các cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo của nhiều bộ, ngành để thảo luận về các vấn đề liên quan chính sách và các cơ hội bán hàng, cung ứng, đầu tư.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius khẳng định bất chấp những trở ngại và thách thức được dự báo đối với nền kinh tế Việt Nam năm nay, cộng đồng DN Mỹ vẫn tin tưởng mạnh mẽ vào triển vọng tăng trưởng và sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam.
Từ trái qua: Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Điều hành khu vực kiêm Trưởng Đại diện USABC tại Việt Nam; Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper; nguyên Đại sứ Ted Osius, Chủ tịch và Tổng Giám đốc USABC; nguyên Đại sứ Michael Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao và Giám đốc Điều hành khu vực USABC, tại buổi gặp mặt báo chí chiều 21-3 ở Hà Nội. Ảnh: DƯƠNG NGỌC
Các công ty Mỹ đang chứng kiến xu hướng tiếp tục mở rộng trung tâm sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam trong các ngành bán dẫn, hàng tiêu dùng nhanh, đồ chơi, đồ nội thất, lương thực thực phẩm, kinh tế số, kinh tế sáng tạo, dịch vụ tài chính ngân hàng và chăm sóc sức khỏe. Lĩnh vực hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh cũng chứng kiến sự quan tâm trở lại của cả hai phía.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đại diện Công ty AES cho biết năng lượng sẽ tiếp tục chiếm vị trí trọng tâm trong các cuộc thảo luận của công ty với Chính phủ Việt Nam, đồng thời cũng tiếp tục là một lĩnh vực chiến lược trong quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam. Tiến bộ trong các dự án năng lượng quy mô lớn của AES và những công ty thành viên sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam.
Tham gia đoàn, đại diện Tập đoàn Boeing cho hay sẽ tập trung thảo luận (với các DN Việt Nam - PV) cách khử carbon cho ngành hàng không, mang lại hiệu quả hoạt động và con đường hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo với trọng tâm là nhiên liệu hàng không bền vững và công nghệ tiên tiến.
Còn đại diện UPS cho hay công ty đã và đang kết nối các DN tại Việt Nam với khách hàng và các cơ hội trên khắp thế giới. "Chúng tôi tự hào đã góp phần hỗ trợ sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong thời gian qua. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục làm việc với các nhà hoạch định chính sách và đối tác trong toàn ngành logistics để phát huy những thành tựu đã đạt được và tạo ra một môi trường giao thương đem đến sự tăng trưởng bền vững và cùng có lợi cho tất cả mọi người và trong dài hạn" - ông Squall Wang, Giám đốc Điều hành UPS Việt Nam, nhấn mạnh.
Là một trong những DN tham gia đoàn, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 21-3, đại diện Citibank (trụ sở tại Mỹ), cho rằng sự kiện này là dịp để ngân hàng và các phái đoàn khác của Mỹ thảo luận về các cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Các chuyên gia của Citibank cũng nhận định dù lĩnh vực bất động sản và một số lĩnh vực xuất khẩu nhất định của Việt Nam có chững lại từ quý IV/2022 nhưng triển vọng dài hạn của Việt Nam rất tốt và Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút vốn FDI. Citibank sẽ tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy hỗ trợ dòng vốn đầu tư này.
"Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút vốn FDI và Citibank nỗ lực hỗ trợ dòng vốn đầu tư ngày càng tăng vào Việt Nam của các khách hàng là tập đoàn đa quốc gia" - Tổng Giám đốc Citibank Việt Nam Ramanchandran A.S cho biết.
Cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đánh giá việc đoàn DN Mỹ tới Việt Nam lần này mở ra cơ hội lớn về thu hút đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh kinh tế 2 quốc gia phục hồi sau COVID-19. Sau cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), không chỉ DN Mỹ và nhà đầu tư châu Âu cũng bắt đầu quan tâm, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. "Việt Nam đã định hướng chiến lược thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và trong đó thị trường Mỹ phù hợp ở nhiều lĩnh vực như kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, tài chính, xe điện… Các nhà đầu tư Mỹ cũng đang rót vốn vào thị trường tài chính Việt Nam qua các quỹ đầu tư gián tiếp và thị trường chứng khoán vẫn còn rất tiềm năng để thu hút vốn Mỹ trong tầm nhìn trung hạn và lâu dài" - TS Cấn Văn Lực nói.
Để tận dụng dòng vốn đầu tư từ Mỹ, TS Cấn Văn Lực đề xuất ở cấp độ quốc gia, nhà nước cần tập trung vào yếu tố thể chế, nhất là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh, trong đó phải thực hiện Nghị quyết 01 về cải thiện môi trường kinh doanh và tăng năng lực cạnh tranh. Chú trọng khâu chất lượng của thể chế và thực thi, thực hiện tốt những cam kết với nhà đầu tư nước ngoài khi mời họ vào.
Bên cạnh đó, cần cải thiện về cơ sở hạ tầng nhất là liên quan đến sân bay, cầu cảng, đi lại…. Đầu tư về nguồn nhân lực cả số lượng và chất lượng. Thực hiện thật tốt chiến lược đầu tư nước ngoài đã được thông qua, trong đó hướng tới chất lượng của dòng vốn đầu tư. "Yếu tố chất lượng của dòng vốn đầu tư cũng cần được các địa phương quan tâm, không còn cạnh tranh bằng giá rẻ nữa mà cần tập trung cải thiện môi trường kinh doanh. Nâng cao các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI, chỉ số cạnh tranh về hiệu quả và năng lực hành chính công PAPI; đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế và cả nhà ở cho công nhân" - TS Cấn Văn Lực nói.
Đối với các DN, nhiều chuyên gia cho rằng thời điểm này cơ hội là không thiếu nếu bản thân DN nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư công nghệ, tài chính, quy trình, dịch vụ để có thể tham gia, kết nối vào chuỗi cung ứng của các DN FDI.
Một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, cũng có cùng nhận định rằng các nhà đầu tư Mỹ đang rất quan tâm tới thị trường Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực kinh tế số, tài chính ngân hàng, nhất là lộ trình xây dựng trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam tại TP HCM vừa qua. Mới đây, việc Chính phủ có những bước đi mạnh mẽ để "làm sạch" thị trường tài chính liên quan đến trái phiếu DN, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản… qua đó tạo niềm tin về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đối với các nhà đầu tư, trong đó có Mỹ.
"Hàng tỉ USD vốn đầu tư từ Mỹ có thể chảy vào Việt Nam trong thời gian tới nếu có cơ chế phù hợp, môi trường kinh doanh minh bạch. Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 với một số cơ chế đặc thù cho thành phố đang tạo niềm tin rất lớn để thu hút dòng vốn ngoại, nhất là nhà đầu tư Mỹ sẵn sàng rót vào triển khai trung tâm tài chính quốc tế" - chuyên gia này nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-3
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư NGUYỄN CHÍ DŨNG: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Mỹ
Việt Nam và Mỹ luôn quan tâm, chú trọng đẩy mạnh hợp tác toàn diện, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế - đầu tư - thương mại. Thời gian qua, quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại của hai nước đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận. Về đầu tư, Mỹ là một trong những đối tác đầu tư lớn của Việt Nam, hiện xếp thứ 11/142 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 1.223 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 11,4 tỉ USD. Chiều ngược lại, Mỹ nằm trong tốp 10/80 quốc gia có các dự án đầu tư từ các DN lớn của Việt Nam. Về thương mại, kim ngạch song phương năm 2022 đã đạt mức kỷ lục hơn 123 tỉ USD, tăng 11% so với năm 2021 (111 tỉ USD), đưa Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.
Bước sang năm 2023, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen nhưng với sự tin tưởng và chia sẻ, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và sự bổ trợ lẫn nhau cùng những cơ hội mới mở ra từ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của hai nước, tôi tin tưởng rằng quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước sẽ có nhiều bước tiến, phát triển lên tầm cao mới.
Trên cơ sở những đề xuất, ý kiến đóng góp của các DN Mỹ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, nghiên cứu để tham mưu, kiến nghị với Chính phủ nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách. Đồng thời, cam kết sẽ tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư - kinh doanh minh bạch, thân thiện và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các tập đoàn, nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Mỹ tiếp cận cơ hội, mở rộng đầu tư, hiện thực hóa các ý tưởng, hoạt động kinh doanh thành công, hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.
M.Chiến ghi