Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đối với Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao ngày 20.3, đại biểu QH nêu tình trạng nhiều vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ trong giám định hoặc kết luận giám định còn chung chung, không rõ ràng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.
VÌ ĐÂU MÀ NÉ TRÁNH, ĐÙN ĐẨY, CHẬM TRỄ ?
"Tình trạng này có thật và phổ biến", Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí mở đầu câu trả lời với đại biểu, và cho rằng "có những cái khó", "rất nhạy cảm". Ông lấy ví dụ các vụ án liên quan lĩnh vực y tế thời gian qua, cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu Bộ Y tế giám định, định giá tài sản. Khi Bộ Y tế thành lập hội đồng, một số bộ, ngành được đề nghị cử người tham gia thì không cử hoặc cử rất chậm.
Theo ông Trí, hiện nhiều cán bộ có tâm lý ngại tham gia công tác giám định, nhưng cơ quan yêu cầu giám định, trong đó có viện kiểm sát không làm khác được. Ông lấy ví dụ một số vụ án trọng điểm thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) theo dõi, "coi như là chỉ đạo hằng ngày, hằng tháng, tiến độ như thế nhưng vẫn chậm". Khi làm việc với Bộ Y tế liên quan đến vấn đề giám định, ông Trí nhận thấy việc lập hội đồng để tư vấn kết quả giám định có mặt tốt nhưng cũng có mặt trái; bởi kết quả trả lời về chuyên môn sẽ là căn cứ để xử lý trong các vụ án, điều này làm cho tâm lý của hội đồng "cũng khó khăn".
Vì vậy, nguyên nhân dẫn tới tình trạng né tránh, chậm trễ trong giám định hoặc kết luận giám định còn chung chung, không rõ ràng đến từ nhiều phía; tâm lý có, ngán ngại có, trách nhiệm cũng có. Vấn đề là giải quyết đồng bộ chứ không có giải pháp nào là duy nhất.
Cũng đề cập tới bất cập về giám định, nhất là lĩnh vực đất đai, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, theo quy định, với các vụ án về kinh tế thì phải chứng minh được hậu quả, thiệt hại; mà muốn chứng minh được thì cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định, không cách nào khác. Tuy nhiên, ông Bình nhận định: "Bây giờ có vấn đề về giám định, có cái người ta cũng ngại, không giám định; có cái do trách nhiệm, có cái thì do năng lực yếu". Chánh án TAND tối cao cho rằng cần nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ giám định viên…
KẾT LUẬN GIÁM ĐỊNH LÀ CĂN CỨ BUỘC TỘI, NHƯNG CŨNG CÓ THỂ GỠ TỘI
Để khắc phục bất cập, Viện trưởng Viện KSND tối cao nhìn nhận, trước hết là nâng cao ý thức trách nhiệm, bao gồm cả thủ trưởng cơ quan. "Vừa rồi có một số vụ án ông Phan Đình Trạc với tư cách là Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo ký văn bản gửi cho Ban cán sự Đảng của các bộ, ngành chuyên môn yêu cầu giám định", ông Trí nói.
Cùng với đó, cơ quan trưng cầu giám định có trách nhiệm khi đặt ra yêu cầu phải rõ nội dung và có đủ điều kiện để thực hiện. Ngoài ra, chế độ, chính sách cho giám định viên cũng phải tính đến, bởi "làm những việc căng thẳng về mặt tâm lý, về mặt trách nhiệm như thế này cũng rất khó". Rồi cũng cần động viên cán bộ làm công tác giám định, coi đây là trách nhiệm cao cả, góp phần xác định đúng bản chất để có căn cứ xử lý vụ án. "Có thể từ kết quả giám định đó sẽ là không có tội hoặc có tội, không chối cãi được. Nếu mình nghĩ cứ giám định là có tội thì không phải. Kết quả đó có thể bảo vệ người không có tội, chính vì chỗ này phải giải quyết cả vấn đề tâm lý", ông Trí nhấn mạnh.
Về phía ngành kiểm sát, Viện trưởng Viện KSND tối cao cho hay sẽ phân hóa thành hai loại án. Một loại ngay từ đầu thấy không có yêu cầu giám định là không được, thì phải tính toán để có yêu cầu sớm. Loại còn lại, vụ án nào thấy không cần thiết phải yêu cầu giám định thì nhất thiết không đòi hỏi.
Đáng chú ý, Viện trưởng Viện KSND tối cao đặt ra một vấn đề: Chế tài đối với yêu cầu giám định hiện nay đang bất cập. Theo đó, thời hạn điều tra thì có hạn nhưng yêu cầu giám định thì không có thời hạn và kết quả giám định chung chung, không đáp ứng được yêu cầu cũng không có trách nhiệm gì cả. Do vậy, ông đề nghị phải sửa luật, phải có chế độ, chính sách rõ ràng.
Cũng liên quan công tác giám định, ông Trí cho biết sẽ sớm đưa Phòng Giám định kỹ thuật hình sự của Viện KSND tối cao đi vào hoạt động, nhằm đáp ứng nhu cầu giám định, nhất là giám định về âm thanh, hình ảnh để bổ trợ công tác điều tra. "Thời gian vừa rồi, chúng tôi phải nhờ cơ quan chức năng của Bộ Công an, rồi của Bộ Quốc phòng, bây giờ chúng tôi sẽ đẩy nhanh việc này, đã được QH cho phép. Chúng tôi sẽ ưu tiên đẩy mạnh phòng giám định kỹ thuật hình sự để tự giải quyết cho chủ động hơn", ông Trí chia sẻ.
ĐỀ NGHỊ CÁC BỘ, NGÀNH BAN HÀNH ĐẦY ĐỦ QUY ĐỊNH GIÁM ĐỊNH
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đánh giá các nhóm vấn đề thuộc 2 lĩnh vực kiểm sát và tòa án được lựa chọn chất vấn là đúng và trúng, vừa có tính thời sự, vừa là những vấn đề quan trọng, gắn chặt với yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN VN, được đại biểu QH, nhân dân, cử tri và dư luận xã hội quan tâm.
Căn cứ kết quả phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ QH sẽ ban hành nghị quyết về chất vấn. Thay mặt Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch QH lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sẽ được nêu trong nghị quyết này, yêu cầu Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành hữu quan quan tâm triển khai thực hiện thời gian tới.
Trong đó, tăng cường trách nhiệm của Viện KSND về kiểm sát hoạt động giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng; kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục đối với vi phạm trong trưng cầu giám định, yêu cầu định giá không cụ thể, không rõ ràng, vượt quá thẩm quyền, không đúng đối tượng hoặc cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ, kéo dài việc giám định, định giá. Đồng thời, các cơ quan cần tăng cường phối hợp trong giải quyết các vụ án, trên cơ sở tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, nhất là phối hợp trong công tác giám định, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả giải quyết.
Chủ tịch QH cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành ban hành đầy đủ các quy định giám định quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp; chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, TAND tối cao, Viện KSND tối cao và các bộ, ngành tổng kết, đánh giá các vướng mắc, bất cập về giám định, định giá tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ và đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Đề nghị xây dựng cơ chế khuyến khích giám định tư pháp tư nhân
Mới đây, cử tri TP.Hải Phòng đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp các bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích, phát triển các tổ chức giám định tư pháp do tư nhân đầu tư.
Trả lời vấn đề này, Bộ Tư pháp cho biết, theo quy định tại luật Giám định tư pháp, văn phòng giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập (xã hội hóa) được thành lập ở các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật và bản quyền tác giả...