Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Mai Anh trúng tuyển đại học với số điểm 26,75 - Ảnh: HÀ THANH
Nhưng sau một năm cô đã tìm được cho mình lối đi riêng mà không phải nhờ đến sự trợ giúp của người khác nữa.
"Mới đầu không có bố mẹ, không có em gái ở bên, mình cảm thấy không an tâm, lo lắng lắm. Nhưng phải vượt qua nỗi sợ của mình thôi" - Nguyễn Mai Anh, 19 tuổi, sinh viên năm 2 Trường ĐH Luật Hà Nội, bộc bạch. Đỗ đại học với số điểm 26,75, mọi người tin rằng kỳ tích đã gọi tên Mai Anh, nhưng cô gái nhỏ quả quyết kỳ tích đó đến từ nỗ lực không biết mệt mỏi của bản thân.
Mình không muốn mọi người nhìn bằng con mắt đồng cảm, mà muốn họ giao tiếp với mình vì bản thân xứng đáng. Mình xác định học luật, góp sức cho tương lai của mình tốt hơn.
NGUYỄN MAI ANH
"Mình có thể làm được"
"Lúc đầu mình không để ý đâu, chỉ thấy chân đi nhón gót, càng nhón gót nhiều càng dễ ngã, bác sĩ kết luận mình mắc căn bệnh bại não thể co cứng. Bù lại, mình học chữ rất nhanh. Bản thân tự nhận thức được giới hạn và mức độ sức khỏe của mình nên không gặp nhiều khó khăn đâu, phải cố gắng khắc phục" - cô sinh viên nói chậm rãi đủ để người đối diện nghe hiểu được.
Từ ngày bé, mẹ đưa Mai Anh đi tập phục hồi chức năng để cải thiện bước đi, năm lớp 2 cô bước lên bàn phẫu thuật khắc phục tật nhón gót. Mỗi ngày cô đều cố gắng chăm chỉ tập luyện, đi lại để "chân đi đẹp hơn" mà không cần sự trợ giúp của người khác nữa.
Khi giao tiếp với người khác, Mai Anh chọn cách nói thật chậm nhưng chất giọng vẫn hút người đối diện. Cô giãi bày với tốc độ nói chậm, cứ khoảng 20 - 30 phút cần dừng nghỉ một chút, nếu phát biểu tại lớp học qua micro thông thường đạt từ 7 - 10 phút.
"Có người bảo mình bị què, thậm chí lên cấp III khi chụp ảnh kỷ yếu, các bạn nhìn vào chân và chỉ trỏ mình bị thế này thế kia. Lúc đó hơi tự ái một chút, nhưng mình học cách bỏ ngoài tai tất cả, tiếp tục với mục tiêu của mình. Khi đạt được thành quả rồi, người ta sẽ nhìn mình bằng con mắt khác" - Mai Anh quả quyết.
Từ những năm học cấp II, cô nuôi ước mơ chinh phục ngành luật. Nhiều người không tin cô gái bại não có thể đỗ vào trường đại học lớn hay có người khuyên cô đừng đi thi nữa... Nhưng suốt 19 năm qua, cô gái nhỏ nhắn không ngừng nỗ lực chứng minh năng lực của bản thân, bởi người khác làm được thì cô cũng làm được, thậm chí còn làm tốt hơn. Năm cấp III, cô quyết tâm thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh Phú Thọ. Năm 18 tuổi, cô chạm tay vào giấc mơ với giấy báo trúng tuyển Trường ĐH Luật Hà Nội.
"Mình hòa đồng hơn, nói chuyện nhiều hơn, phát huy hết khả năng bản thân. Mình không muốn mọi người nhìn bằng con mắt đồng cảm, mà muốn họ giao tiếp với mình vì bản thân xứng đáng. Mình xác định học luật, góp sức cho tương lai của mình tốt hơn" - Mai Anh quả quyết.
Tìm lối đi riêng
Dáng người nhỏ thó, nặng chừng 36kg, cao chưa tới 1,5m, hơn một năm trải nghiệm cuộc sống sinh viên là thử thách không hề dễ dàng với Mai Anh. Xa cha mẹ, xa em gái sinh đôi, cô phải thích nghi với môi trường mới. Ở ký túc xá, cô học cách chủ động tất cả mọi việc từ sinh hoạt, ăn uống đến đi lại.
"Mình không thể chắc chắn chủ động 100%, nhưng cảm thấy cuộc sống dần ổn hơn. Có thể trong mọi việc mình làm hơi lâu hay nếu không muốn bị trễ hẹn thì mình thường dậy sớm hơn một chút, sửa soạn trước tất cả. Dù không nhanh nhẹn như các bạn nhưng vẫn thấy ổn mà" - Mai Anh tự tin khoe nụ cười rạng rỡ.
Sau một năm học, cô kết thêm nhiều bạn mới, thỉnh thoảng cùng bạn bè đi chơi. Ngày trước nếu nhớ nhà, cha mẹ phải lặn lội từ Phú Thọ xuống Hà Nội đón cô về, nay cô chủ động sử dụng điện thoại thông minh đặt xe trực tuyến để về quê.
Đều đặn mỗi ngày, Mai Anh kiên trì tập luyện các bài tập vật lý trị liệu nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe, theo chỉ định tối đa tập 1 giờ đồng hồ nhưng chừng 30 phút là cô phải nghỉ ngơi. Đôi tay không bị co quắp nhưng lực hơi yếu, cô chọn bài tập nâng tạ, mỗi bên tạ nặng 1kg cải thiện sự linh hoạt của đôi tay.
Cô bộc bạch: "Chưa thể khẳng định sau này sẽ đi lại được hoàn toàn bình thường, bởi mình đang ở tình trạng "biết đi chứ đi chưa đẹp". Ví dụ nếu đang ngồi mình sẽ bám vào vật gì đó để đứng lên, còn nếu thành thạo thì sau này mình có thể tự đứng lên, ngồi xuống, tay cũng sẽ nhanh nhẹn và chân sẽ không đi nhón gót nữa".
Hiện nay, thử thách khó khăn nhất của Mai Anh là di chuyển từ ký túc xá đến các giảng đường của Trường ĐH Luật Hà Nội, một tay bám chặt lan can cầu thang cô bước từng bước một để đến được giảng đường. Cô bộc bạch, khó nhất là đến giảng đường nhà A bởi ở cổng chính không có lan can hỗ trợ người khuyết tật.
"Nhưng nay mình đã tìm được lối đi riêng rồi" - Mai Anh hào hứng khoe. "Lối đi riêng" mà cô nhắc đến là một con dốc dẫn lên sảnh chính nhà A, dù không có lan can để bám nhưng có tường để men theo và độ dốc không quá khó nhằn đối với đôi chân của cô.
"Năm nhất còn có những rụt rè nhất định, không dám tự về nhà, ngay cả việc đặt xe đi đâu đó mình cũng chưa nghĩ đến. Nhưng sang năm thứ hai, mình đã tự lập hơn rất nhiều với sự hỗ trợ của công nghệ" - Mai Anh bày tỏ.
Đến nay, cô tích cực tham gia vào các hội, nhóm của trẻ bại não, tiếp thêm tinh thần cho các bà mẹ đang cùng con chiến đấu với bệnh tật. Điều mà cô gái này mong mỏi là sau này sẽ tham gia vào ban pháp lý của hội gia đình trẻ bại não để bảo vệ quyền lợi cho các thành viên.
Nỗ lực suốt 19 năm qua, mẹ là người luôn theo sát từng bước đi của cô sinh viên Nguyễn Mai Anh. Đạt kết quả như ngày hôm nay là món quà mà cô muốn dành tặng mẹ.
"Cho đến giờ này con đang rất ổn, có những mối quan hệ mới, có sự trưởng thành nhất định. Mẹ hãy cứ yên tâm, con sẽ tiếp tục bước đi trên con đường mà con đã chọn" - Mai Anh hứa với mẹ.
TT - Vừa cất tiếng khóc chào đời thì mẹ mất. Ba năm sau người cha cũng qua đời vì lao động quá sức. Bi kịch tận cùng của cuộc đời đã đổ dồn lên cậu bé bại não Nguyễn Hoàng Gia Bảo.