Chuyện lương, thu nhập và tài sản
Nguyễn Vũ
(TBKTSG) - Năm 2021 người ta sẽ còn nói nhiều về hai khái niệm ngày càng tương phản: thu nhập (income) và tài sản (wealth) khi thu nhập của mọi người ngày càng teo tóp trong khi tài sản, nhất là của người giàu ngày càng phình to ra. Trường hợp của Elon Musk là một minh họa điển hình.
Ngày 7-1-2021, Elon Musk vượt qua Jeff Bezos để trở thành người giàu nhất thế giới. |
Elon Musk là tổng giám đốc điều hành hãng xe chạy pin Tesla nhưng lương nhận từ công ty chỉ là 23.760 đô la cho nguyên năm 2019 - lương năm 2020 có lẽ cũng khoảng chừng đó. Thế nhưng tài sản của Musk tăng hơn bốn lần trong năm 2020, lên mức 160 tỉ đô la vào cuối năm, lúc đó đã trở thành người giàu thứ nhì trên toàn thế giới, chỉ đứng sau Jeff Bezos, ông chủ hãng Amazon. Rồi chỉ hơn mười ngày sau, đến ngày 7-1-2021, Bloomberg cho biết con số này đã tăng lên thành 188,5 tỉ đô la, nhiều hơn tài sản của Bezos 1,5 tỉ đô la, biến Musk thành người giàu nhất thế giới, soán ngôi của Bezos trong một sớm một chiều.
Đó là bởi giá cổ phiếu Tesla tăng vọt đến 689% trong năm 2020, kết thúc năm ở mức 645 tỉ đô la - Elon Musk hiện là cổ đông lớn nhất của Tesla, nắm giữ 18% cổ phần công ty này. Không thể tưởng tượng nổi một cổ phiếu cuối năm 2019 giá chưa đến 100 đô la đến cuối năm 2020 lên trên dưới 700 đô la!
Ngoài số cổ phiếu đã nắm giữ, Musk còn được thưởng một lượng cổ phiếu lớn mỗi khi Tesla đạt một mốc thành tựu nào đó ấn định trước. Tuy nhiên số cổ phiếu Tesla và cổ phiếu SpaceX mà Musk nắm giữ lại được ông ta đem đi thế chấp cho những khoản vay lớn cho nên hai nơi tính toán tài sản các tỉ phú là Forbes và Bloomberg sử dụng một tỷ lệ chiết khấu để ước tính giá trị tài sản thật của Musk.
Bloomberg tính toán xác định tài sản của Elon Musk đạt mức 160 tỉ đô la vào những ngày cuối năm 2020, trong đó chừng 70%, tức khoảng 110 tỉ đô la là cổ phiếu và quyền chọn mua cổ phiếu Tesla; thêm 18,7 tỉ đô la là cổ phần trong hãng thám hiểm không gian SpaceX. Bloomberg cộng dồn các khoản còn lại như tiền mặt, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác chừng 7 tỉ đô la nữa.
Tài sản của Musk sẽ còn tăng nữa trong năm 2021 bởi 2020 là năm thành công đối với Tesla. Mặc dù đại dịch hoành hành, Tesla vẫn đạt mục tiêu sản xuất và bán được nửa triệu chiếc xe cho thị trường toàn cầu, một mức tăng gần 40% so với năm trước đó. Sau những thành công vượt bậc trong năm 2020 như đưa các phi hành gia của NASA lên Trạm Không gian quốc tế, phóng thêm hàng trăm vệ tinh lên quỹ đạo để triển khai dự án Starlink, hãng SpaceX, hiện vẫn chưa niêm yết, dự tính tổ chức một vòng gọi vốn mới, đưa giá trị công ty lên mức 92 tỉ đô la.
Cũng liên quan đến chuyện thu nhập, người ta mới phát hiện bà Janet Yellen, người được tổng thống đắc cử Joe Biden đề cử vào chức vụ Bộ trưởng Tài chính trong nội các của ông được trả đến 7 triệu đô la tiền thù lao nói chuyện, diễn thuyết trong hai năm vừa rồi. Số là bất kỳ ai được đề cử vào các chức vụ cao cấp đều phải công khai thu nhập trong hai năm gần nhất. Mẫu kê khai của bà Yellen, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cho thấy tổng cộng bà thu được 7 triệu đô la để xuất hiện và phát biểu tại các cuộc gặp gỡ do các doanh nghiệp lớn tổ chức.
Ở đây có hai luồng dư luận: một cho đây là chuyện bình thường vì trước đây, trong vai trò chủ tịch Fed, bà Yellen nào đã thân thiện gì với Phố Wall đâu, bà đã công khai mọi thu nhập và nhất là các doanh nhân đều sẵn sàng trả tiền để nghe bà nói chuyện. Luồng dư luận ngược lại nhân đó đặt vấn đề các quan chức sau khi nghỉ việc được phép làm gì trong khu vực tư nhân, nhất là với những người có khả năng quay lại chính trường sau một thời gian. Họ đòi hỏi bà phải công khai nội dung nói chuyện để bảo đảm bà không bày cho giới ngân hàng cách đối phó với hệ thống quản lý nhà nước, chẳng hạn.
Bà Yellen làm Chủ tịch Fed từ năm 2014-2018 và là nữ giới đầu tiên nắm giữ chức vụ này. Sau khi nghỉ làm cho Fed, bà tham gia làm nghiên cứu cho tổ chức Brookings Institute, là thành viên hội đồng quản trị của Trung tâm vì một ngân sách liên bang có trách nhiệm, ra điều trần trước Quốc hội Mỹ, nói chuyện tại các hội nghị và các trường đại học, trả lời phỏng vấn báo chí. Riêng với các doanh nghiệp lớn, mỗi lần đến nói chuyện bà được trả thù lao hậu hĩnh như lần nói chuyện cho Citi, được trả gần 1 triệu đô la. Với các tên tuổi khác như Citadel, Goldman Sachs, Bank of America, Barclays, Credit Suisse, BPN Paribas, Google... thù lao nói chuyện cũng lên đến vài trăm ngàn đô la mỗi buổi.
Một mặt, quan điểm của bà Yellen trên nhiều vấn đề như chính sách tiền tệ, bất bình đẳng trong thu nhập... là công khai, không có gì mới. Mặt khác, giới doanh nhân vẫn muốn được nghe ý kiến của bà nhất là trong giai đoạn kinh tế hỗn loạn. Tên tuổi của bà trong danh sách khách mời cũng là điểm nhấn, thu hút sự chú ý trong nhiều sự kiện nên doanh nghiệp sẵn sàng chi đậm để mời.
Xem thêm: lmth.nas-iat-av-pahn-uht-gnoul-neyuhc/656213/nv.semitnogiaseht.www