Đánh thuế lên tài sản?
Thư Kỳ
(TBKTSG) - Một nghịch lý nổi lên trong năm 2020 là trong khi đại đa số người dân gặp khó khăn khi phải đối phó với đại dịch, thất nghiệp, mất thu nhập thì giới siêu giàu lại càng giàu thêm. Tài sản của 500 người giàu nhất thế giới tăng thêm một phần ba, tức thêm 1.800 tỉ đô la lên 7.600 tỉ đô la. Chính nghịch lý này đã khơi dậy ý kiến đánh thuế lên tài sản thay vì áp thuế lũy tiến lên thu nhập và một số nước đã bắt tay thực hiện.
Tháng trước Argentina phê chuẩn một sắc thuế tài sản đánh một lần lên các triệu phú có tài sản từ 200 triệu peso (2,4 triệu đô la) trở lên với mức thuế từ 1-3% còn tài sản để ở nước ngoài sẽ chịu thuế đến 50%. Bolivia cũng thông qua sắc thuế hàng năm đánh lên người có tài sản nhiều và các nước châu Mỹ Latinh khác như Chile hay Peru cũng vận động cho các loại thuế tương tự.
Ý định đánh thuế tài sản đã được nêu lên từ lâu nhưng các thử nghiệm ở Pháp hay Đức đều bị bỏ dở. Năm 1995 có 15 nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có đánh thuế tài sản nhưng đến năm 2019 chỉ còn bốn nước có duy trì sắc thuế này là Thụy Sỹ, Bỉ, Na Uy và Tây Ban Nha.
Chi phí và sự phức tạp của việc định giá tài sản là một trở ngại trong khi nếu rục rịch áp thuế ở một nước, giới nhà giàu sẽ dịch chuyển tài sản đi sang nước khác. Những ý kiến muốn khơi dậy loại thuế tài sản cho rằng có thể khắc phục các điểm yếu này bằng cách chỉ tập trung vào một số rất nhỏ những người cực giàu và áp dụng tính minh bạch tài chính, tiến bộ công nghệ để định giá tài sản. Đánh thuế một lần như Argentina thay vì áp thuế hàng năm cũng làm giới nhà giàu khó dịch chuyển tài sản hơn.
Theo Bloomberg, một ủy ban độc lập của nước Anh đã tính toán và cho rằng có thể thu thuế một lần lên tài sản để thu về 260 tỉ bảng Anh (tương đương 354 tỉ đô la), tức hơn một phần ba tổng thu thuế hàng năm của nước này. Còn thu hàng năm thì phải áp thuế ít nhất là 1% lên người có tài sản cao hơn nửa triệu bảng Anh, tức chừng 8 triệu dân Anh, trong vòng năm năm.
Trước mắt khi thuế tài sản vẫn đang còn trong vòng nghiên cứu, các tiểu bang ở Mỹ phải xem lại chính sách thuế thu nhập của họ. Tiểu bang Washington, chẳng hạn, không thu thuế thu nhập cá nhân, dẫn đến chính sách thuế ở tiểu bang này mang tính lũy thoái cao nhất nước Mỹ.
Các nhân vật giàu nhất nước Mỹ hiện đang sinh sống ở tiểu bang này có Jeff Bezos, ông chủ Amazon; người vợ cũ là MacKenzie Scott, cũng là một tỉ phú sau khi ly hôn; người sáng lập Microsoft là Bill Gates hay cựu CEO của Microsoft là Steve Ballmer.
Theo Viện Thuế và Chính sách kinh tế, một phần năm cư dân nghèo nhất tiểu bang trả các loại thuế tiểu bang và địa phương cộng lại lên đến 18% thu nhập, trong khi 1% những người giàu nhất chỉ trả chừng 3% thu nhập của họ. Hiện các nghị sĩ của tiểu bang này đang chẩn bị một đạo luật đánh thuế lên tài sản với mục đích “đánh thuế những người giàu nhất, hưởng lợi nhiều nhất từ đại dịch để có tiền giải quyết khủng hoảng tài khóa của bang”.
Ở hướng ngược lại, cũng theo Bloomberg, năm 2021 sẽ có ít nhất 11 thành phố ở Mỹ thử nghiệm chính sách phát tiền trực tiếp cho người dân để duy trì một mức thu nhập tối thiểu. Chừng 20 thị trưởng các thành phố khác cũng bày tỏ ý định sẽ khởi xướng các chính sách thí điểm tương tự trong tương lai.
Các chương trình này, với tên gọi UBI (Thu nhập cơ bản phổ quát) đã được thử nghiệm trước khi xảy ra đại dịch nhưng với các gói trợ cấp khẩn cấp khắp nơi, mối quan tâm đến UBI lại được khơi dậy. Thành phố Stockton, California khởi đầu chương trình phát tiền cho một số người dân vào tháng 2-2019, kéo dài hai năm nhưng sau đó tiền đóng góp của các nhà hảo tâm giúp chương trình duy trì thêm sáu tháng. Nay cựu thị trưởng Stockton là Michael Tubbs khởi xướng một liên minh các thị trưởng vì một mức thu nhập bảo đảm bao gồm gần 30 thị trưởng các thành phố khắp nước Mỹ.
Các chương trình này hiện nay chỉ giới hạn vào một số ít gia đình nghèo khó như ở thành phố Compton, chỉ phát được 1.000 đô la mỗi tháng cho khoảng 800 gia đình trong vòng hai năm; hay thành phố Hudson phát được 500 đô la/tháng cho 25 cư dân nghèo trong vòng năm năm.
Đánh thuế người giàu, phát tiền cho dân nghèo - mô hình phát triển kinh tế hiện tại đang dẫn tới những hệ quả chưa lường trước được hết. Có thể sẽ có những quy luật kinh tế mới sẽ nảy sinh, những quy luật khác bị loại bỏ. Có lẽ đã đến lúc phải đặt ưu tiên bảo vệ môi trường sống của con người lên hàng đầu, từ đó mới giải quyết được các vấn đề khác, kể cả bất bình đẳng trong thu nhập.
Xem thêm: lmth.nas-iat-nel-euht-hnad/756213/nv.semitnogiaseht.www