Những ngày cuối đông, những nương lúa nếp trên biên giới Bình Liêu, Quảng Ninh vào mùa chín rộ. Những trảng vàng ngời ngợi, những nương bắp tím hòa trong sắc xanh của núi rừng phủ kín non cao, thung sâu. Bóng áo hoa đỏ rực, màu áo xanh đằm thắm của đồng bào Dao, Tày, Sán Chỉ thấp thoáng đâu đó trong dáng núi. Tiếng con chim Queng Quy hót vào lòng người làm hương quế, hương hồi cũng cuống quýt, nồng nàn ẩn trong nếp áo đã đón bước chân tôi đến với mỗi nếp sàn ấm áp trên sóng đá quê hương.
1. Giữa núi đồi và những bản làng mờ xa, ngôi đình Lục Nà, nơi thờ Khâm sai Đông đạo tiết chế Hoàng Cần nổi bật với lối kiến trúc nhà sàn của đồng bào Tày kết hợp với mái ngói âm dương, đôi rồng chầu nguyệt, mái đao đình cong vút... Nhân dân trong vùng vẫn luôn nhắc đến sự tích “cây tre mọc ngược” để kể về chiến công của ông cùng trai tráng trong bản ngoài mường bảo vệ miền đất của hoa sở trắng Bình Liêu. Vị tướng người Tày này đã cùng đội quân của mình dùng gậy tre tả xung hữu đột đánh tan quân giặc xâm chiếm biên cương. Giặc kinh hồn tháo chạy, ông trở về quê cũ, cây gậy tre được cắm xuống góc sân. Sau khi mất, tướng quân Hoàng Cần được vua sắc phong Khâm sai Đông đạo tiết chế, còn nhân dân suy tôn ông là thành hoàng của một vùng.
Người thủ từ đang sửa sang, vệ sinh đình để chuẩn bị bà con trong huyện đến dâng hương nhân ngày đầu năm mới. Ông nói với chúng tôi rằng, lễ chính của đình Lục Nà thường vào dịp tháng Giêng nhưng chính quyền và bà con nơi đây vẫn đến chiêm bái vào dịp Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Bởi vào tháng 11-1945, tại ngôi đình này đã diễn ra cuộc mít-tinh lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức để tuyên bố thành lập Chính quyền Cách mạng lâm thời huyện Bình Liêu. Đây cùng là nơi Ủy ban Hành chính huyện Bình Liêu (sau này là UBND huyện Bình Liêu) và Vệ quốc đoàn Bình Liêu (sau là Ban Chỉ huy quân sự huyện Bình Liêu) được thành lập.
Đình Lục Nà, nơi lưu dấu những câu chuyện lịch sử của nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu, Quảng Ninh. |
Một điều thú vị ở vùng biên này là vào ngày tết Độc lập, ngoài việc đến dâng hương tại đình Lục Nà, nhân dân các dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ ở Bình Liêu còn đến chiêm bái một bảo vật khác chính là “Đàn đá thần” được hình thành tự nhiên từ những hòn đá lớn gối liền với nhau trên đỉnh núi Cao Ba Lanh. Trong quy ước của bà con trước đây, khi phát hiện những biểu hiện bất thường, người phụ trách việc canh phòng sẽ gõ vào đàn đá để tạo nên những tiếng kêu ngân nga vang đi trong gió, truyền tin cho dân bản biết để chuẩn bị chống trả kẻ thù.
Vượt “sống lưng khủng long” gần trọn buổi mới đến được đỉnh Cao Ba Lanh để tận mắt ngắm nhìn “di sản” của đồng bào và “checkin cột mốc thiên đường” mang số hiệu 1327. Choáng ngợp chính là từ duy nhất để chỉ cảm giác của tôi khi đứng giữa đỉnh cao này.
Cụ Dường Chống Hén, một già làng được kính ngưỡng nhất bản Phật Chỉ đưa chúng tôi đến “Đàn đá thần”. Cụ cẩn trọng dùng một viên đá nhỏ cỡ nắm tay gõ vào “Đàn đá thần”. Âm thanh từ “Đàn đá thần” trầm đục và không có giai điệu cụ thể vang lên. Nhưng, khoảnh khắc ấy đã cho tôi hiểu vì sao bà con nơi đây cho đó chính là khúc nhạc tuyệt vời nhất. Bởi có bài ca nào, khúc nhạc nào quý giá hơn lòng yêu nước và tinh thần chống giặc ngoại xâm, bảo vệ cõi bờ. Nghe tiếng đàn, gặp những người dân thuần hậu nơi đây, tôi thêm hiểu, đường biên giới trong lòng dân còn vững chắc hơn bất cứ loại vật liệu, ranh giới hữu hình nào.
2. Từ Bình Liêu, vượt gần 1.000km, chúng tôi đến với vùng đất bốn mùa mây Hà Giang để tham dự lễ hội “Roóng poọc” của người Tày và người Giáy ở Tả Van, được tổ chức bên suối Mường Hoa thơ mộng. Nghệ nhân Sần Cháng, dân tộc Giáy khẳng định, từ một trò chơi dân gian cộng đồng, kéo co đã trở thành trò chơi mang tính nghi lễ gắn liền với tín ngưỡng cầu mùa trong lễ hội xuống đồng của người Tày, Giáy, thể hiện ước vọng sinh sôi, phát triển. Khác với miền xuôi, hoạt động kéo co đang có xu hướng thể thao hóa, phổ cập như một trò chơi tập thể thì trong cộng đồng các dân tộc Thái, Tày, Giáy, kéo co là một nghi kễ quan trọng mang tính nghi lễ tâm linh và là biểu tượng gắn kết cộng đồng, bảo vệ bản làng bình yên.
Đặc biệt là với người Tày Bắc Hà thì đó còn là hình thức kéo mừng chiến thắng. Để tưởng nhớ công lao Gia Quốc công Vũ Văn Mật và tướng quân Hoàng Vần Thùng đã nhiều lần tổ chức kháng chiến đánh bại quân xâm lược phương Bắc lấn chiếm biên giới, hằng năm, bà con tổ chức kéo co trong ngày giỗ của họ với sự kính ngưỡng sâu sắc. Vì là hình thức mang ý nghĩa biểu đạt là chính nên mang tính diễn xướng nhiều hơn thi đấu. Đội nam tượng trưng cho đội quân của Vũ Văn Mật, còn đội nữ tượng trưng cho quân giặc. Dân làng đứng xem hô vang: “Thấu du bưởng nọ - Chẩu dứ bưởng cuông” có nghĩa là “Giặc ở bên ngoài - Chủ ở bên trong”. Hai bên kéo một hồi và cuối cùng, quân của ông Vũ Văn Mật đã đánh bại giặc ngoại xâm. Niềm vui thắng trận, bảo vệ vẹn toàn đất đai của tổ tiên để lại từ 500 năm trước hân hoan lan tỏa trên gương mặt con cháu hôm nay trong trò xuân vui.
Điều đáng lưu ý là tại vùng đồng bào các dân tộc biên giới, trò chơi kéo co thường được tổ chức vào lúc đầu giờ sáng khi mặt trời lên, mang quan niệm về sự tươi sáng, sinh sôi. Việc chọn dây kéo cũng được coi trọng hết sức vì nếu dây kéo tốt, kéo không đứt thì năm đó cả bản sẽ làm ăn thuận lợi, may mắn. Dây kéo đồng bào thường dùng là dây song mây hoặc dây má me, tượng trưng cho “pẻng luông” có nghĩa là rồng thiêng, mang sức mạnh dẻo dai. Vào giờ Thìn - giờ được coi là mát mẻ, vượng khí, người có uy tín của bản sẽ lên rừng để chọn được những sợi dây tốt, vững chắc thì khi kéo mới không bị đứt, năm đó cả làng sẽ sản xuất thuận lợi, may mắn.
Đội nữ trong trò kéo co tưởng nhớ chiến công của cha ông đánh thắng quân xâm lược. |
Bước vào cuộc thi, hai đội kéo co trong tâm thế “kéo rồng” hoặc “kéo mây” để cầu mong rồng phun nước, mây kéo mưa về đầy sông suối, đồng bãi cho cả bản. Chính vì lẽ đó mà “kéo co” còn thể hiện ước muốn chinh phục thiên nhiên, thần linh bởi “kéo rồng” chính là kéo thần mưa. Theo quy định, đội nam đứng ở phía Tây hoặc phía trong đền và kéo nửa đầu gốc dây với quan niệm là thân và đầu rồng. Còn đội nữ đứng ở phía Đông ngoài sân đền kéo nửa dây phía đầu ngọn biểu trưng đuôi rồng. Người nam nào đứng cuối cùng phải chú ý không được cầm dây kéo mà phải ôm lưng người phía trước vì đầu cùng của dây kéo được coi là phần miệng và mắt rồng, nếu cầm vào là đã bịt mồm và mắt rồng khiến rồng không phun được nước, dẫn đến hạn hán, mất mùa.
Năm 2015, nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines đã chính thức được Unessco ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là bài học sinh động về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí quyết tâm giành chiến thắng... Sức sống của di sản ở biên cương nằm trong chính bầu nhiệt huyết và quan niệm nhân sinh quan sâu sắc của đồng bào, làm nên bản sắc văn hóa cho cộng đồng dân tộc Tày, Thái, Giáy trên vùng cao biên giới.
3. Miền dã sử vùng biên còn gắn với loài hoa mộc miên (hoa gạo) kiêu hãnh đỏ. Những thân cây cao khỏe khảm lên trời những đường kỉ hà vi diệu và hàng ngàn búp lửa rực rỡ. Không biết có thể dùng lời lẽ gì để có thể tả cho được cái cảm giác hân hoan giữa một trời mộc miên thắp lửa ấy, có thể tả cho được cái vẻ đẹp miên man trăm sắc ngàn hương của cảnh vật nơi đây. Người Hà Nhì ở Bát Xát. Lào Cai được xếp vào nhóm Hà Nhì đen trong bảng thành phần dân tộc, song bà con luôn tự gọi mình là người U Ní bởi một lý do rất đáng tự hào gắn liền với huyền thoại về người anh hùng bảo vệ biên giới và câu chuyện về cây mộc miên hoa đỏ.
Theo các nghiên cứu dân tộc học, tổ tiên người Hà Nhì trước đây sống ở miền Nam Trung Quốc trên cao nguyên Thanh Tạng và là một trong những dân tộc đã thiết lập nên vương quốc Nam Chiếu hùng mạnh ở phía Tây Nam Trung Quốc. Vào thế kỉ 13, khi quân Nguyên Mông của hoàng đế Hốt Tất Liệt xâm chiếm miền Nam Trung Hoa, các sắc tộc tại quốc gia này đã nảy sinh nhiều xung đột, người Hà Nhì và một số dân tộc ít người khác dạt xuống vùng núi phía Bắc Việt Nam. Đó là chính sử, còn dã sử của những người dân hiền lành dưới chân Nhìu Cồ san lại ghi một câu chuyện khác. Rằng, xưa thật là xưa, vùng đất địa đầu của người U Ní thường bị kẻ thù lẻn sang xâm lấn đất đai. Chúng thường lợi dụng lúc nửa đêm để nhổ cột mốc cắm vào sâu trong địa phận của người U Ní.
Đón tôi bằng nụ cười móm mém, cụ Chu Khởi Thềnh ở thôn Chỏn Thẻn kể bằng tiếng Hà Nhì cổ. Người cán bộ vận động quần chúng đồn biên phòng Y Tý dịch tiếng còn tiếng mất, tôi xin được “biên tập” lại cho văn hoa và rõ nghĩa thế này: “Ngày đó, để chống lại bọn giặc cướp đất, những thanh niên người U Ní đã đặt lời nguyền, nếu chiến đấu hy sinh, sẽ biến thành những cột mốc biên giới mà quân thù không thể nhổ đi được. Trời thấu tỏ lòng người, đã cho các vị thần gieo trên đất biên giới của chúng tôi những cây gạo. Từ đó, nắng lửa hay tuyết dày, cứ lập xuân là hoa gạo nở đỏ rực rỡ như máu người U Ní yêu nước dọc đường biên”.
Hoa gạo đỏ trời biên giới. |
Cụ Thềnh còn quả quyết rằng, mỗi khi quân thù có ý định xâm lấn bờ cõi của người U Ní, những bông gạo lại rơi và cháy lóa, khiến quân thù tưởng đó là linh hồn của những người lính U Ní hiển linh nên vội vàng tháo chạy, nhờ đó mà người U Ni thoát khỏi chiến tranh. Chưa cần biết độ xác tín của việc những bông gạo rơi khiến kẻ thù khiếp sợ đến đâu nhưng chỉ nhìn ánh mắt rạng rỡ, đầy tin tưởng của bậc kỳ lão nơi vùng đất sương mù đã thấy ấm lòng và thêm tin vào niềm tin đầy nhân bản của người dân nơi đây.
Đâu chỉ có người U Ní, người Tày, Nùng ở Cao Bằng, người Lô Lô, Clao ở Hà Giang, người Thái, Sila ở Điện Biên, Lai Châu đều có những câu chuyện dân gian của dân tộc mình về loài hoa thắp lửa ấy... Hẳn cũng vì lẽ ấy mà trên những cung đường biên giới tôi đã qua, đều gặp những bông gạo thắm đỏ, đỏ như màu cờ khẳng định chủ quyền, để người phương xa ấm lòng và vững tin hơn khi nhìn màu hoa biên giới.
Phạm Vân AnhXem thêm: /762726-tad-uig-gno-ahc-oah-uT-us-ad-neim-ev-mit-naux-yagN/gtna-ueil-uT/nv.moc.dnac.gtna