Nhưng trái với những người hàng xóm, Mohammed lại giữ một lối sống vô cùng khép kín. Không một ai có thể biết gì về Mohammed, ngoài việc ông ta làm nghề cung cấp vật liệu y tế.
Kẻ hai mặt
Rạng sáng ngày 30-5-2017, người dân Wellington đã vô cùng ngạc nhiên khi một nhóm nhân viên FBI bất ngờ xuất hiện trước cửa nhà Mohammed. Ông ta vừa mới mở cửa đã ngay lập tức bị còng tay lại và áp giải đi. Chuyện của Mohammed trở thành tiêu đề bàn tán của người dân Wellington trong cả tuần lễ, trước khi tờ báo địa phương đưa ra một lời giải thích như sau: Mohammed Agbareia đã làm nội gián cho FBI được hơn một thập niên. Ông ta cũng là một tên lừa đảo với hàng chục tội danh khác nhau, và từng bị trục xuất khỏi Canada.
Mohammed Agbareia. |
Nhưng mỗi khi Mohammed bị đưa ra toà, FBI lại sử dụng lý do “cá nhân quan trọng với việc gìn giữ an ninh quốc gia” để miễn xét xử ông ta. FBI còn thường xuyên trả tiền mặt cho Mohammed. Cụ thể là, trong vòng hơn 10 năm qua, ông ta đã nhận được 121.962 USD. Việc mà Mohammed làm để đổi lấy tiền và sự bảo vệ từ FBI là làm nội gián cho họ trong cộng đồng người Hồi giáo tại Florida. FBI sẽ chỉ định những người đạo Hồi nghi ngờ có tư tưởng cực đoan cho Mohammed, sau đó ông ta sẽ tiếp cận các cá nhân này, làm bạn với họ, khai thác thông tin từ họ để báo cáo lại cho FBI. Dựa trên thông tin do ông ta cung cấp, FBI đã bắt giữ ba thanh niên da đen cải đạo Hồi do có ý định trốn sang Iraq gia nhập phiến quân IS.
Tại sao FBI lại bắt giữ một “quân cờ” hữu dụng của mình như vậy? Hóa ra trong những lúc khai thác thông tin đối tượng, Mohammed Agbareia đã dành thời gian để dàn dựng, thực hiện lừa đảo qua điện thoại. Ông ta gọi cho những người Hồi giáo giàu có tại Mỹ và châu Âu để “diễn” vở: giả vờ mình là một tín đồ định chuyển đến sống tại cộng đồng địa phương của họ, chỉ có điều bản thân không có đủ tiền để chuyển nhà, mua vé máy bay, v.v… Người đạo Hồi có tinh thần nghĩa hiệp rất lớn nên họ sẵn sàng chuyển tiền cho Mohammed chỉ sau vài cú điện thoại mà không hề cấn cá điều gì hết.
Theo lời khai của Mohammed Agbareia, lừa đảo qua điện thoại là cách duy nhất để ông ta có thể… tiếp tục làm nội gián cho FBI. Ông ta nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ nên không thể đi tìm việc như bình thường. Hàng năm FBI trả Mohammed khoảng 20.000 USD, nhưng số tiền này quá ít để sống tại Wellington. Bởi thế Mohammed mới đi lừa đảo.
Một đoạn tin rao vặt từ năm 2000 cảnh báo về chiêu thức lừa đảo của Mohammed Agbareia. |
Mohammed Agbareia hiện đã trở về quê hương Israel và thường xuyên trả lời phỏng vấn báo chí. Trong các câu chuyện về mình, Mohammed luôn luôn tỏ ra mình bị FBI “lợi dụng” cho đến khi không còn khai thác được gì nữa, giống như kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”.
Theo lời Mohammed, năm 2005, ông ta bị chính quyền Canada trục xuất sang Mỹ để xét xử tội lừa đảo 54 nạn nhân. Mohammed nhận tội và buộc phải trả 90.000 USD, đồng thời bị trục xuất về Israel. Đúng lúc đó người của FBI tiếp cận Mohammed với lời đề nghị làm nội gián. “Sau khi giúp tôi ra khỏi tù, FBI chuyển tôi đến Florida. Vì muốn tôi tỏ ra là người thành công, nên tôi được họ giới thiệu thuê căn nhà ở Wellington”, Mohammed nói. Tiền thuê căn nhà lên tới 2.500/tháng, chưa kể các khoản chi phí khác mà Mohammed phải chu cấp cho vợ và con trai sống với mình. Trong khi đó FBI không phải lúc nào cũng trả tiền đúng theo hẹn. Đối với Mohammed, việc tiếp tục đi lừa đảo là cách duy nhất để ông ta có thể… duy trì cuộc sống.
Những góc khuất
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra một vụ scandal nội gián của FBI gây ra tội và được cơ quan này bảo vệ. Một tên gangster tại thành phố Boston, Whitey Bulger, đã gây ra không dưới 30 vụ án nhưng các vụ án liên quan đến Whitey bị “mắc kẹt” trong hệ thống tư pháp nhiều năm liền vì toà án chịu áp lực từ phía FBI. Phải đến năm 2003 Whitey Bulger mới bị kết án, nhưng khi đấy hắn ta đã nhanh chân đào tẩu. Whitey cuối cùng cũng được tìm thấy và đưa vào tù năm 2013. Sau đó hắn bị bạn tù đâm chết.
Nhiều người vô tội như nha sỹ Fadi Kablawi cũng vì Mohammed Agbareia mà bị FBI đưa vào diện tình nghi. |
Hoạt động điều tra của FBI dựa rất nhiều vào mạng lưới nội gián. Mỗi năm FBI trích 42 triệu USD từ ngân quỹ để trả công cho nội gián. Họ không bao giờ ghi giữ chi tiết thông tin về những hành vi phạm tội của “tay trong” vì không bị ràng buộc việc báo cáo hoạt động sử dụng nội gián của mình. Cuộc điều tra của Văn phòng Tổng Thanh tra của Quốc hội Mỹ năm 2005 cho biết FBI báo cáo trung bình chỉ có 12 đối tượng phạm tội với mỗi 120 nội gián (tương đương 10%), nhưng trên thực tế tỷ lệ này cao hơn rất nhiều.
Cũng giống như nhiều quốc gia khác, hệ thống luật pháp Mỹ rất coi trọng uy tín của nhân chứng. Nếu nhân chứng từng phạm tội, sự trung thực và tính chính xác trong lời khai của người đó hoàn toàn có thể bị đem ra chất vấn hoặc bác đi. Nhưng FBI lại thường xuyên tỏ ra hoàn toàn tin tưởng vào lời khai của các nội gián. Trong trường hợp của Mohammed Agbareia, ông ta nhận nhiệm vụ do thám cộng đồng người Hồi giáo tại miền Nam bang Florida. Các tín đồ ở đây thường tập trung tại Trung tâm Hồi giáo Shamsuddin vốn đã bị FBI đặt vào diện tình nghi do có liên quan đến hai đối tượng khủng bố có liên quan đến Al-Quaeda.
Nhưng đối tượng đầu tiên mà Mohammed được lệnh khai thác thông tin lại là một người vô tội. Foad Farahi là một người giữ các chức vụ quan trọng trong cộng đồng và được mọi người rất tin yêu vì hoạt động từ thiện của mình. FBI từng đưa ra lời đề nghị mời Foad Farahi theo dõi chính các con chiên của mình. Sau khi Foad Farahi từ chối, FBI tìm cách buộc ông ta tội nhập cư bất hợp pháp. Tuy nhiên toà án đã bác lệnh trục xuất đối với Foad vì lý do không đủ bằng chứng.
Khi được hỏi về Mohammed Agbareia, Foad đã trả lời: “Tôi cũng đoán là FBI cho người theo dõi mình, nhưng không thể ngờ rằng người đó là Mohammed. Anh ta luôn đi cùng với vợ con mình đến nhà thờ dự lễ. Ai mà nghĩ rằng anh ta làm nội gián chứ”. Trong khi đó, trước mặt những tín đồ Hồi giáo khác, Mohammed tỏ ra là một người đàn ông thành đạt, yêu gia đình, và rộng rãi. Nhưng trong các báo cáo gửi FBI, ông ta thường xuyên ngụy tạo thông tin giả về họ. Mohammed viết rằng, Foad Farahi là nội gián của tổ chức “Anh em Hồi giáo” ở Ai Cập trong khi không có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh việc này.
Một người khác bị Mohammed đưa tin thất thiệt là Fadi Kablawi. Ban ngày Fadi là một nha sỹ, còn buổi tối ông tham gia giảng dạy các lớp học Kinh Quran. FBI nghi ngờ Fadi có liên hệ với khủng bố chỉ đơn giản vì ông là người rất sùng đạo và có tài giảng kinh. Mohammed trở thành bệnh nhân của Fadi Kablawi để tiếp cận ông này. Sau này hai người có quan hệ rất thân thiết, thậm chí Mohammed còn sắp xếp để Fadi giảng đạo tại các đền thờ, nhưng mục đích chính là nhằm quay video thu thập thông tin cho FBI.
Vài tháng sau khi Mohammed bị bắt, Fadi cũng bị đưa ra toà vì tội lừa đảo chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế. Bằng chứng là có một số khách hàng khám răng đã trả cho vị nha sỹ số tiền phí cao hơn bình thường. Toà án sau đó bác đơn kiện Fadi khi Mohammed đưa ra bằng chứng nói trên, ông ta cố tình không báo cáo chuyện khách hàng hoàn toàn tự nguyện trả thêm tiền cho Fadi để khỏi phải chờ đợi.
Ngay cả trong vụ việc bắt ba thanh niên định sang Iraq gia nhập IS, tư cách nhân chứng của Mohammed cũng có vấn đề. Ông ta là người đã giới thiệu ba thanh niên với nhau. Thậm chí Mohammed còn thường xuyên cùng họ xem và bàn luận những video tuyên truyền của IS. Quá trình tiêm nhiễm những tư tưởng cực đoan vào đầu ba thanh niên này diễn ra ngay… trong nhà của Mohammed. Đáng lẽ ra ông ta đã phải bị đưa ra toà vì tội truyền bá tư tưởng cực đoan, nhưng trong khi ba thanh niên bị bắt vào tù, Mohammed vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Mohammed Agbareia sau đó trở về Israel một mình. Vợ ông đã bị trục xuất sang Canada; con trai lấy một cô gái người Mỹ và tiếp tục sống tại Florida.
Vũ Thái Thịnh (Tổng hợp)Xem thêm: /154726-IBF-naig-ion-mal-oad-aul-eK/gtna-ueil-uT/nv.moc.dnac.gtna