Phiên xử phúc thẩm
Hãng thông tấn nhà nước Algeria (APS) cho hay, phiên xử phúc thẩm được tiến hành sau khi Tòa án Tối cao Algeria bác bỏ bản án trước đó đối với hai nhân vật này. Cả ông Ahmed Ouyahia và Abdelmalek Sellal đều bị cáo buộc dính líu tới vụ bê bối tham nhũng trong khuôn khổ chiến dịch tái tranh cử cuối cùng của cựu Tổng thống Abdelaziz Bouteflika. Cụ thể, họ bị cáo buộc tài trợ bí mật và có những khoản tiền không hợp lý cho ông Abdelaziz Bouteflika. Các thủ tục tố tụng đã được tiếp tục tiến hành ở thủ đô Algiers sau khi Tòa án Tối cao chấp nhận đơn kháng cáo vào tháng 11-2020.
Cựu Thủ tướng Algeria Ahmed Ouyahia bị dẫn giải tại phiên xử phúc thẩm hôm 6-1. Ảnh: Getty |
Trong khi đó, theo Reuters, các thẩm phán trong tòa phúc thẩm cuối cùng vẫn giữ nguyên bản án tù nhằm vào hai cựu thủ tướng gồm mức án 15 năm tù đối với ông Ahmed Ouyahia và 12 năm tù dành cho ông Abdelmalek Sellal.
“Phiên xử kéo dài trong nhiều tiếng vào ngày 6-1 với nhiều tranh cãi song cuối cùng vẫn đưa ra được kết luận chính xác dựa trên các tài liệu điều tra thu thập được. Các thẩm phán đã giữ nguyên bản án tù kéo dài đối với hai nhân vật đều đã từng đảm nhiệm nhiều nhiệm kỳ Thủ tướng dưới thời Tổng thống Abdelaziz Bouteflika hiện đang bị lật đổ”, theo Reuters. Cũng theo hãng thông tấn này, Ahmed Ouyahia và Abdelmalek Sellal là những thủ tướng đầu tiên phải hầu tòa kể từ khi Algeria giành độc lập từ Pháp năm 1962.
Cựu Thủ tướng Algeria Ahmed Ouyahia bị tuyên phạt 15 năm tù giam. |
Một điểm đáng chú ý là khi tòa phúc thẩm xác nhận lại án tù dành cho Ahmed Ouyahia và Abdelmalek Sellal thì các thẩm phán lại tuyên bố giảm án tù của hai cựu Bộ trưởng Tư pháp từ 10 năm xuống còn 5 năm. Doanh nhân nổi tiếng Ali Haddad, người được coi là nhà tài chính chủ chốt đứng sau chiến dịch bầu cử cuối cùng nhưng thất bại của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika cũng được giảm mức án 7 năm tù xuống còn 4 năm.
Trước đó, vào tháng 11-2020, ông Ali Haddad cũng được giảm án một lần tại phiên xử sơ thẩm với mức án từ 18 năm tù giam xuống còn 7 năm. Doanh nhân Ali Haddad là người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty xây dựng tư nhân lớn nhất Algeria ETRHB và là Chủ tịch của Diễn đàn lãnh đạo doanh nghiệp (FCE) từ năm 2014 - chuyên đóng vai trò đại diện của khu vực kinh doanh tư nhân Algeria được chính phủ công nhận. Thống kê của tạp chí Forbes khẳng định, Ali Haddad là một trong những người đàn ông giàu nhất Algeria và là người thận cận của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika.
Ali Haddad bị bắt năm 2019 khi đang cố gắng vượt biên sang nước láng giềng Tunisia. Khi đó, ông bị cáo buộc gian lận và nhiều tội danh khác bao gồm hối lộ, chuyển vốn bất hợp pháp ra nước ngoài và sử dụng ảnh hưởng của các thành viên cấp cao trong chính quyền Tổng thống Abdelaziz Bouteflika.
Cuộc chiến giành quyền lực
Thông tin từ APS cho hay, các khoản tài trợ bí mật mà hai cựu Thủ tướng Algeria bị cáo buộc ủng hộ Tổng thống Abdelaziz Bouteflika đều liên quan đến doanh nhân Ali Haddad và em trai út của tổng thống là Said Bouteflika. Said Bouteflika cũng bị tuyên án 15 năm tù giam hồi cuối năm 2019 vì “âm mưu", cùng với các tướng Mohamed Mediène và Athmane Tartag, cũng như nhà hoạt động Trotskyist Louisa Hanoune thao túng chính quyền nhưng lại được trắng án sau phiên xử kháng cáo hôm 2-1.
Cựu Thủ tướng Abdelmalek Sellal. Ảnh: Getty |
Sau quyết định bất ngờ này, Said Bouteflika bị chuyển đến một nhà tù quân sự khác chờ xét xử trong các vụ án liên quan đến tham nhũng. Tài liệu của cơ quan điều tra trước đó cho thấy, Said Bouteflika đã cố gắng thao túng hệ thống tư pháp quốc gia bằng cách gây ảnh hưởng đến các thẩm phán làm việc trong các vụ án liên quan đến mối quan hệ kinh doanh của ông cũng như của doanh nhân Ali Haddad.
Khi bị tạm giam hồi năm 2019, Said Bouteflika là một phần của cuộc điều tra liên quan đến cựu Bộ trưởng Tư pháp Tayeb Louh, người đã ngồi tù nhiều tháng trước đó với cáo buộc bao che tham nhũng liên quan đến các ông trùm kinh doanh thân cận với Bouteflika, trong đó có Ali Haddad. Tại một phiên xét xử sau đó, cựu Bộ trưởng Tư pháp Tayed Louh cũng đã thú nhận làm theo mệnh lệnh nhận được từ Said Bouteflika.
Phiên xử phúc thẩm hai cựu Thủ tướng Algeria Ahmed Ouyahia và Abdelmalek Sellal diễn ra hôm 6-1. Ảnh: Getty |
Hãng AP mô tả, Said Bouteflika là người có ảnh hưởng lớn ở Algeria với tư cách là người “gác cổng” cho người anh trai ốm yếu là Tổng thống Abdelaziz Bouteflika từng bị đột quỵ vào năm 2013 và bị quân đội buộc từ chức năm 2019 sau nhiều tuần biểu tình phản đối kế hoạch cho phép tại vị nhiệm kỳ thứ năm.
Trở lại với phiên xử phúc thẩm, ngoài hai cựu Thủ tướng Ahmed Ouyahia và Abdelmalek Sellal, một số cựu bộ trưởng và nhân vật nổi tiếng khác ở Algeria cũng đang bị xét xử với các cáo buộc tương tự. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên BBC, khi tòa tuyên mức án giữ nguyên nhằm vào hai cựu thủ tướng, đám đông các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ tụ tập bên ngoài tòa án đã hò reo, cổ vũ.
Trước đó, vào cuối năm 2019, khi phiên xử sơ thẩm lần đầu tiên được tiến hành với việc ông Ahmed Ouyahia bị kết án 15 năm tù và 16.000 USD tiền phạt; ông Abdelmalek Sellal bị kết án 12 năm tù và 8.000 USD tiền phạt vì lạm quyền trong một vụ bê bối tham ô sản xuất ô tô, đám đông này cũng có mặt ở trước cửa tòa án. Thậm chí, họ còn tổ chức biểu tình, căng băng rôn khẩu hiệu “Băng đảng xã hội đen” để bày tỏ sự tức giận với hai cựu thủ tướng.
Giới phân tích nhận định rằng, các bản án tù dành cho hai cựu Thủ tướng Ahmed Ouyahia và Abdelmalek Sellal là “rất khắc nghiệt” vì chưa có cựu Thủ tướng Algeria nào từng bị đưa ra xét xử trước đó. TS Paul Sullivan, một giáo sư tại Đại học Quốc phòng Mỹ nhận định rằng, từ phiên xử sơ thẩm, người dân Algeria đã được tạo ấn tượng về một nhà nước pháp quyền mới tôn trọng các lá phiếu của họ.
Còn nhà phân tích chính trị Algeria Arabi al-Zawak nói với kênh truyền hình al Arabiya thuộc sở hữu của Arab Saudi rằng vụ án tham nhũng chống lại các cựu quan chức chính phủ nhằm cho cử tri thấy rằng, quân đội nước này sẽ "không còn dung thứ cho nạn tham nhũng của thời Tổng thống Abdelaziz Bouteflika. Việc kinh doanh kiếm lời là chính đáng nhưng các quan chức nhà nước phải phục vụ nhân dân”.
Những lời khai đáng xấu hổ
Một điểm đáng chú ý là trong phiên xử phúc thẩm lần này, một loạt các hoạt động phạm pháp của giới chức Algeria đã được hé lộ. Gây sốc nhất là việc cựu Thủ tướng Ahmed Ouyahia thừa nhận rằng ông đã bán 60 thỏi vàng là quà tặng từ các nhà tài trợ Vùng Vịnh trên thị trường chợ đen. 60 thỏi vàng được ước tính trị giá khoảng 2,5 triệu USD.
An ninh được thắt chặt xung quanh nơi xét xử. Ảnh: News.CN |
Tiếp đó, Ahmed Ouyahia còn lý giải về nguồn tài sản trong tài khoản ngân hàng với tổng trị giá hơn 5 triệu USD. Ahmed Ouyahia còn cho biết, trước đây ông giữ im lặng về vấn đề này để “không phá hoại mối quan hệ giữa Algeria và một số quốc gia thân thiện nhất định” và cũng khẳng định không khai báo số tiền này với thanh tra thuế...
Kênh truyền hình quốc gia Algeria EPTV cho biết, các cuộc điều tra dẫn đến bắt bớ hai cựu thủ tướng được tiến hành từ giữa năm 2019. Đến cuối năm 2019, phiên xử đầu tiên được tiến hành. Phiên tòa mang tính bước ngoặt này xem xét các giao dịch liên quan đến các nhà máy lắp ráp xe hơi và nguồn tài chính cho cuộc tranh cử bất thành năm 2019 của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika.
Theo công tố viên, "Vụ bê bối tranh cử khiến ngân khố thiệt hại khoảng 110 tỷ dinar (tương đương hơn 890 triệu USD)". Cuộc tranh cãi trong ngành công nghiệp ô tô cũng gây ra thiệt hại khoảng 950 triệu USD công quỹ. Cựu Thủ tướng Ahmed Ouyahia, từng 4 lần đảm nhiệm chức vụ thủ tướng (từ năm 1995 đến năm 2019) khi đó đã bị các nhà điều tra yêu cầu trả lời những câu hỏi về sự thân mật của ông với doanh nhân Ali Haddad.
Phiên xử phúc thẩm hai cựu Thủ tướng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Algeria. |
Ông Ahmed Ouyahia bị cáo buộc trước khi rời khỏi chức thủ tướng, đã cố gắng đưa ra một số quyết định có lợi cho doanh nhân nổi tiếng này trong nhiều chính sách, dự án. Những quyết định này được cho là làm nguy hại đến lợi ích của người dân và lợi ích chung của Algeria, gây lãng phí của công. Tại phiên xử này, ông Ahmed Ouyahia đã bị tuyên án 15 năm tù giam và tịch thu toàn bộ tài sản.
Còn đối với cựu Thủ tướng Abdelmalek Sellal, người trải qua nhiều lần là thủ tướng trong giai đoạn 1995-2017, ông cũng bị đặt câu hỏi về mối quan hệ với doanh nhân Ali Haddad, có các quyết định tạo thuận lợi cho một số dự án mà các công ty của Ali Haddad có liên quan trực tiếp; gian lận, trốn thuế và biển thủ công quỹ. Mức án của cựu thủ tướng này là 12 năm tù và tịch thu một phần tài sản.
Bên cạnh đó, cả ông Ahmed Ouyahia và Abdelmalek Sellal đều bị kết án thêm một số năm tù liên quan các tội danh khác. Hai cựu Thủ tướng đã nộp đơn kháng cáo hồi tháng 3-2020 và phiên phúc thẩm diễn ra hôm 6-1 vẫn giữ nguyên các bản án đã tuyên.
Khánh ChiXem thêm: /963726-aireglA-o-ut-iogn-ib-neit-uad-gnout-uhT-uuc-gnuhN/gnourt-uah/nv.moc.dnac.gtna