- Nghệ sĩ nhân dân Vi Hoa chào mừng ngày 22/12 với MV “Đời lính tôi yêu”
- Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng sẽ biểu diễn Piano phục vụ công chúng bên Hồ Gươm
- Người nghệ sĩ du ca qua góc nhìn của đạo diễn trẻ 9X
Chuỗi chương trình “Thế giới nước” mà nghệ sĩ Nguyệt Thu khởi xướng diễn ra tại TP Hồ Chí Minh mới đây nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người yêu nghệ thuật. Đó là một thiên hùng ca về sự sống của con người với thiên nhiên: sự gắn bó mật thiết, cái nôi sinh ra loài người và cả những cơn thịnh nộ của đất trời đổ ập xuống trần gian.
Loạt cơn bão và vụ sạt lở khủng khiếp chưa từng có ở miền Trung khiến nghệ sĩ Nguyệt Thu không thôi đau đớn, trăn trở. Là người con xứ Việt tha hương mấy chục năm trên nước người, trở về, chị hiểu nỗi đau mà quê nhà gánh chịu.
Nghệ sĩ Nguyệt Thu |
Dịch bệnh COVID bủa vây khiến làng văn hóa nghệ thuật gần như án binh bất động thì chị lại mạo hiểm tổ chức show “Thế giới nước”, kêu gọi sự chung tay của nhiều đạo diễn, nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế như đạo diễn Tuấn Lê, nhạc sĩ Lê Anh Dũng, đạo diễn Quang Tú…. Tất cả đều gấp gáp nhưng đêm diễn đã không phụ lòng trông đợi của giới mộ điệu.
Mượn hình tượng của nước, show diễn sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật với nhiều hình thức biểu diễn đặc sắc, kết hợp với hiệu ứng công nghệ hình ảnh dưới dạng sân khấu Broadway. Xuyên suốt là tiếng đàn viola trầm bổng của nghệ sĩ Nguyệt Thu. Tiếng đàn như dòng nước, lúc êm đềm, bình yên, lúc dữ dội, mãnh liệt, lúc dâng trào… Đan xen là các tiết mục trình diễn xiếc nghệ thuật, múa đương đại, ballet…
Tất cả tạo thành một thiên anh hùng ca mang yếu tố hư cấu về một tương lai mới, những khoảnh khắc sống động về cuộc sống, tình yêu và cả những nỗi nhớ, khát khao được sống trong sự yên bình. Ngoài gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung, chương trình còn hướng con người ý thức hơn đến việc bảo vệ Trái Đất, bảo vệ môi trường sống.
Kết thúc buổi diễn, khán giả trầm trồ mãi bởi họ không ngờ một chương trình thiện nguyện lại mang đến cho công chúng những tiết mục đậm chất nghệ thuật hàn lâm đỉnh cao như thế. Với nghệ sĩ Nguyệt Thu, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Lấy nghệ thuật để làm những điều có ích cho cộng đồng là kim chỉ nam mà chị luôn theo đuổi. Nghệ thuật không chỉ vị nghệ thuật, mà còn phải đẫm vị nhân sinh, vì nhân sinh. Tất cả bắt nguồn từ những thăng trầm đời chị.
Là con gái của giảng viên âm nhạc Nguyễn Văn Thưởng, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, ngay từ nhỏ, Nguyệt Thu đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật. Chị tiếp nối truyền thống gia đình và trở thành học viên xuất sắc của bộ môn đàn violin. Thế nhưng nhờ sự động viên của bố, chị từ bỏ tất cả để đến với cây đàn viola vốn ít nghệ sĩ theo đuổi thời điểm đó.
Nguyệt Thu bảo rằng chị yêu cây đàn viola bởi thanh âm của nó không quá réo rắt như violin, cũng không quá trầm như cello. Giai âm của nó ở tầm trung, thân đàn to hơn violin nên khó chơi hơn. Thế nhưng ít người biết nó là một trong những cây đàn quan trọng trong dàn nhạc, đóng vai trò giữ nhịp.
Ngoài ra, rất nhiều câu solo hay viết cho viola vì âm thanh của nó gần giống với tần số trái tim. Chị lại thích những gì thử thách mình, nói hộ trái tim mình. Và càng gắn bó với viola, chị càng yêu cây đàn này. Bởi nó giúp chị biết cách thăng bằng trong giai điệu, để rồi vượt ra mà thăng bằng trong cuộc sống lắm chông chênh, bão tố này.
Nghệ sĩ Nguyệt Thu trên sân khấu chương trình “Thế giới nước”. |
Những năm cuối thập niên 90 thế kỷ trước, chị trở thành du học sinh đầu tiên của Việt Nam học chuyên ngành viola tại Nhạc viện Tchaikovsky, Nga. Niềm vinh dự lớn lao ấy khiến cô gái Hà Nội bé nhỏ không ngừng khiến bạn bè và thầy cô xứ sở Bạch Dương kinh ngạc.
Cô là sinh viên người Việt đầu tiên tốt nghiệp thủ khoa. Sau khi ra trường, Nguyệt Thu biểu diễn ở nhiều chương trình hòa nhạc lớn khắp châu Âu. Cuộc sống nay đây mai đó ở trời Tây cùng cây đàn viola cuối cùng cũng dừng lại ở bến đỗ đôi lứa bên người chồng đồng hương. Viola đưa chị lên đỉnh cao nghệ thuật nhưng dường như lại đẩy chị vào đường tình duyên trắc trở.
Khi đứa con ra đời, hạnh phúc lứa đôi bắt đầu rạn nứt. Đã bao lần chị rời nhà hát sau buổi biểu diễn mà lòng đong đầy nỗi chua chát, quạnh quẽ. Ngồi trên chuyến xe buýt muộn, nhìn ra những ô cửa lấp lánh ánh đèn ven đường, chị cay đắng tự hỏi: liệu những ô cửa ấy có ủ ấm hạnh phúc nho nhỏ giản dị mà chị từng ao ước hay không? Còn chị, đường về nhà bao xa mà mình cảm thấy nó cứ xa ngái, xa ngái vì nơi ấy đâu có chỗ dành cho mình.
Nhớ lại ngày nào bơ vơ giữa Hà Lan, chị rùng mình: “Tôi cũng không hiểu sao lúc ấy mình có thể vượt qua được. Ngày tôi quyết định thu dọn tất cả để rời căn nhà không mang lại êm ấm cho mình, trời đổ mưa tuyết. Một mình tôi ẵm đứa con hơn một tuổi lang thang giữa trời đêm lạnh giá. Tôi như con chim cô độc, không biết mình đi đâu về đâu. May thay một người bạn đã cho mẹ con tôi tá túc tạm qua ngày để tôi vừa có thể đi biểu diễn, vừa chăm con”.
Thằng bé lớn lên, đẹp tựa thiên thần. Nhưng ông trời một lần nữa trút bất hạnh lên đầu người thiếu phụ. Con chị mắc bệnh tự kỷ. Bặm môi chịu những trận đòn, vết cào cấu, tiếng la hét inh tai của con, chị ứa nước mắt. Không, mình không thể gục ngã! Nếu mình gục ngã, con mình biết trông cậy vào ai?
Chị quệt nước mắt mà với tay đến cây đàn viola. Kỳ diệu thay, âm nhạc làm nên sức mạnh xoa dịu thằng bé. Hành trình dài với âm nhạc của bà mẹ đã đưa một đứa trẻ tự kỷ dần trở lại cuộc sống đầy sắc màu. Dẫu đến nay con chị đã trở thành chàng thanh niên khôi ngôi âm nhạc vẫn là liều thuốc cứu cậu ra những u uẩn của bệnh tự kỷ.
Viola mang đến thăng bằng cho con chị thì cùng cứu vớt chính cuộc đời người mẹ lắm đa đoan ấy. Đường tơ duyên đứt gánh với hai người chồng sau không khiến nỗi buồn phiền đốn gục chị. Chị vẫn yêu đời, đến với âm nhạc và mọi người với tất cả lòng say mê hồn nhiên. Tình duyên coi như nợ hồng trần đã trả, và đã trả xong. Bôn ba khắp năm châu, chị chợt nhận ra không đâu bình yên bằng quê nhà, nơi có mẹ có cha. Vậy là chị về ở hẳn Việt Nam.
Từ trường hợp của con trai mình, về Việt Nam, nghệ sĩ Nguyệt Thu quyết định mở trung tâm nghệ thuật dành cho trẻ tự kỷ. Thời điểm đó, đây là điều rất mới mẻ ở nước ta. Người ta tò mò không biết Nguyệt Thu sẽ dạy trẻ tự kỷ như thế nào.
Vốn có bằng thạc sĩ về giáo dục nghệ thuật, chị đào tạo giáo viên cách làm việc, giảng dạy cho những học sinh đặc biệt này. Thay vì nói chuyện, đưa ra cử chỉ bình thường thì mọi thứ đều bắt nguồn từ tiếng hát, điệu đàn, nhịp múa. Những thanh âm dìu dặt, đầy sảng khoái dìu dắt các em dần hòa nhập với thế giới, với bạn bè.
Chị vui đến rơi nước mắt khi thấy các học trò tiến bộ từng ngày. Nó đâu khác gì niềm hân hoan muốn vỡ òa lúc chị dìu dắt cho đứa con đầu lòng. Sự thành công của lớp học đặc biệt này đã khuyến khích chị mở rộng thêm nhiều chi nhánh khác nhau tại TP Hồ Chí Minh.
“Tôi tâm niệm người nghệ sĩ ngoài đam mê của bản thân còn phải nhận lãnh trách nhiệm với cộng đồng. Hành trình tôi đi luôn chứa đầy tâm niệm đó như một khát vọng mình hướng tới. Tôi tin hành trình của mình tuy hẹp nhưng không bao giờ đơn độc vì luôn có những trái tim cùng nhịp đập. Mình đi trên đường độc đạo sẽ khó khăn hơn rất nhiều người. Nhưng khi đến được cái đích thì giống như mình là người đem đến thứ giá trị cho cuộc sống” - chị tâm tình.
Đặt chân về Việt Nam cũng là lúc nghệ sĩ Nguyệt Thu hòa mình vào các công tác thiện nguyện. Chị cùng bạn bè, đồng nghiệp lập ra tổ chức thiện nguyện Thiên Sứ để mang đến món quà tinh thần và vật chất cho những mảnh đời khó khăn trên dải đất chữ S. Chuỗi chương trình “Thế giới nước” là một trong những dự án gây quỹ của tổ chức này.
Thú thật rằng mình dốc cạn vốn liếng vào show diễn và gặp muôn vàn khó khăn khi thực hiện chương trình vào thời điểm này, nhưng nghệ sĩ Nguyệt Thu vẫn khẳng định rằng mình sẽ không bao giờ từ bỏ.
Con người chị là vậy, cái gì càng khó khăn, thách thức, chị càng quyết tâm làm bằng được. Vậy nên “Thế giới nước” không chỉ dừng lại ở một, hai buổi diễn mà sẽ kéo dài thành một hoạt động thường kỳ, mang nghệ thuật đỉnh cao mà đầy tính nhân văn, giàu ý nghĩa cộng đồng đến với mọi tầng lớp khán giả.
Mai Quỳnh NgaXem thêm: /394726-gnouht-tev-gnuhn-hnal-auhc-cahn-mA-uhT-teyugN-is-ehgN/aoh-nav-ueil-uT/nv.moc.dnac.acnv