Thời gian sau sinh là khoảng thời gian hạnh phúc nhưng cũng là yếu đuối nhất của phụ nữ. Người phụ nữ cần được hồi phục sức khỏe, làm quen với cuộc sống có thêm thành viên mới. Lúc này, người phụ nữ rất cần sự quan tâm của gia đình, đặc biệt là từ người chồng.
Là một bác sĩ, anh T.N.L.P. (48 tuổi, ngụ ở Q.5, TP.HCM) kể khi vợ anh sinh con, anh là người bên cạnh vợ nhiều nhất và chăm sóc cho vợ một cách chu đáo nhất.
Đêm canh con thay vợ
Anh P. kể những ngày đầu sau sinh, ngoài việc cho con bú, vắt sữa ra, vợ anh không phải làm thêm bất cứ một việc gì. Theo anh P., người phụ nữ sinh con như "con rắn vừa lột xác", yếu ớt về sức lực và tinh thần. Nếu lúc này không được gia đình, đặc biệt là người chồng động viên chăm sóc, người phụ nữ sẽ rất tủi thân, hoang mang, thậm chí không ít trường hợp đã bị trầm cảm sau sinh.
Hiểu được những điều này, trong 5 ngày được nghỉ theo tiêu chuẩn để chăm vợ sinh, anh tận dụng mọi thời gian ở bên vợ con.
Khi vợ anh P. sinh con, cả ngày cả đêm anh ở bệnh viện chăm vợ. Lúc con ngủ anh tranh thủ ngủ. Lúc con thức anh đưa con đến để vợ cho con bú.
Anh thay bỉm cho con, mua cơm cho vợ, động viên vợ, trở thành chỗ dựa tinh thần lớn nhất cho vợ. Khi hai mẹ con được về nhà anh mua thức ăn, nấu ăn, thay tã, phơi đồ cho con...
"Người mẹ cần có một tinh thần tốt, ăn uống tốt, mới có nhiều sữa cho con bú. Cứ chăm sóc vợ một cách tốt nhất, con sẽ tốt theo" - anh P. quan niệm.
Có nhiều đêm thấy vợ cứ phải thức giấc cho con bú, anh P. nói vợ cứ vắt sữa trữ đó. Đến tối vợ anh sang một phòng khác ngủ đến sáng. Còn anh thay vợ ngủ với con. Lúc nào con khóc đòi sữa anh sẽ hâm sữa ấm và cho con uống, thay bỉm cho con...
Nhờ có chồng chăm sóc chu đáo, ăn uống tốt, vợ anh P. hồi phục sức khỏe nhanh, tinh thần vui vẻ, có nhiều sữa cho con bú.
Trước thông tin có đại biểu quốc hội đề xuất người chồng được nghỉ ít nhất 10 ngày khi vợ sinh, là một người từng chăm vợ sau sinh, anh P. rất ủng hộ đề xuất này và mong đề xuất này sớm trở thành quy định.
"Độc quyền" tắm cho con
Còn chị H.T.L. (32 tuổi, ngụ tại Q.10) kể chị cảm thấy thật hạnh phúc khi luôn được chồng chăm sóc sau khi chị sinh con. Sau này, chồng chị cũng luôn đồng hành cùng chị trong hành trình dạy con.
Chị L. kể chị gặp anh nhà lúc chị 31 tuổi do một người mai mối. Dù anh ít nói nhưng chị cảm thấy luôn ấm áp khi bên anh. Anh và chị kết hôn sau một năm tìm hiểu.
Từ lúc chị sinh con, chị tự nhận mình là một người phụ nữ may mắn và hạnh phúc khi có một người chồng như anh. Với chị, anh là một người đàn ông đầy trách nhiệm, yêu vợ thương con.
Chị đau đẻ, anh lo lắng, cứ hôn lên tay chị an ủi. Và khi con gái chào đời, lần đầu tiên bế con anh thật sự xúc động. Bà nội, bà ngoại đều có mặt, nhưng anh vẫn muốn là người trực tiếp chăm sóc vợ con.
Chưa chăm em bé bao giờ, lúc đầu anh rất lóng ngóng, nhưng vì tình yêu thương với vợ và con, anh hỏi bác sĩ, lên Google tìm hiểu, mua những cuốn sách dạy cách chăm trẻ về đọc...
Chỉ khoảng 2 tuần sau khi chị L. sinh con, chồng chị đã là một ông bố thực thụ. Hai bà nội ngoại trầm trồ khen anh vì không thể ngờ anh khéo đến thế. Những ngày đầu ở bệnh viện, nhân viên y tế tắm cho bé nhưng sau khi về nhà, anh là người đầu tiên tắm cho con và sau này anh "độc quyền" giành công việc này.
Buổi sáng anh dậy sớm đi mua đồ ăn nấu ăn cả bữa sáng, bữa trưa cho vợ. Buổi chiều đi làm về anh ghé mua đồ ăn bữa tối, sau đó nấu ăn, tắm cho con, chơi với con, giúp vợ các việc nhà khác. Anh cũng rất giỏi trong công việc, cáng đáng kinh tế cho cả gia đình.
Chị L. kể sinh con xong chị cảm thấy mất đi rất nhiều sức lực và tinh thần. Cả cơ thể chị như vừa trải qua một trận chiến đấu quyết liệt. Nhưng nhìn thấy chồng mình thương con, tận tình chăm sóc vợ, chị cảm thấy ấm áp, hạnh phúc.
Những lúc con ngủ, anh còn nhẹ nhàng mátxa vai, cổ, xoa nắn chân, tay cho chị giúp giảm bớt sự mệt mỏi, nhanh phục hồi sức khỏe. "Chồng tôi đã là chỗ dựa tinh thần lớn nhất của tôi, động viên tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này một cách nhẹ nhàng", chị L. chia sẻ.
Còn chị N.K.B. (28 tuổi, ngụ ở Q.7) kể lúc chị sinh mổ con xong chị cảm thấy cạn kiệt sức lực. Chị không thiết tha bất cứ việc gì. Lúc đó nếu không có chồng chăm sóc, động viên có thể chị sẽ rơi vào trầm cảm.
Chị cũng bị sốc khi lần đầu chăm con. Trước đó, chị không biết chăm một đứa trẻ lại vất vả và tốn nhiều công sức đến như vậy. "Một người phụ nữ sinh con xong chỉ cần cho con bú và thay bỉm cho con cũng đã đủ mệt. Nếu không được người chồng chia sẻ công việc, động viên, người vợ sẽ rất mệt...", chị B. nêu ý kiến.
Đề xuất người chồng sẽ được nghỉ ít nhất 10 ngày khi vợ sinh con
Khi nêu ý kiến góp ý cho dự thảo luật tại hội nghị đại biểu chuyên trách lần thứ 5 về dự Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đã kiến nghị về chế độ thai sản với lao động nam.
Bà Vang kiến nghị nghiên cứu tăng số ngày nghỉ lên tối thiểu 10 ngày đối với trường hợp người vợ sinh thông thường và cao hơn, có thể gấp đôi đối với những trường hợp sinh đôi trở lên, hoặc sinh con phải phẫu thuật, để tạo điều kiện cho người cha hỗ trợ người mẹ trong quá trình chăm con nhỏ...
Không ít người cho rằng phép lịch sự chỉ để giao tiếp với người ngoài, còn vợ chồng thì nói gì và nói như thế nào chả được, thậm chí không nói cũng chẳng sao. Liệu có ổn?