- Bỏ quy định cấm hát nhép, cơ hội cho những ca sĩ giả
- Hát nhép thời 4.0
- Cấm hát nhép, hát trên nền nhạc thu trước trong Liên hoan Âm nhạc toàn quốc
Ca sĩ hát nhép là thực trạng đáng báo động của showbiz Việt trong vài năm gần đây. Ca sĩ hát nhép không chỉ xuất hiện trong các chương trình truyền hình trực tiếp mà còn tạo bẽ bàng cho những show đại nhạc hội tổ chức ở nhiều nơi. Ca sĩ hát nhép càng ngày càng phổ biến, khi nhiều gương mặt không có chất giọng cũng chen lấn bước lên sân khấu ca nhạc.
Trước đây, ca sĩ hát nhép không chỉ bị khán giả phản ứng mà còn bị xử phạt 5-10 triệu đồng. Thế nhưng, Nghị định 144/2020 về hoạt động biểu diễn vừa ban hành đã xóa bỏ quy định chế tài về ca sĩ hát nhép. Nghĩa là từ ngày 1/2/2021, ca sĩ hát nhép tha hồ được “diễn” trên các show lớn nhỏ một cách tự do.
Nói về ca sĩ hát nhép, thì ca sĩ Bích Phương với ca khúc “Đi đu đưa đi” là một ví dụ cười ra nước mắt. Trong một đêm nhạc tại Quảng Ninh, khi ca sĩ Bích Phương đang hát “Đi đu đưa đi” thì một khán giả bất ngờ chạy lên giật micro để thông báo tìm trẻ lạc. Thế nhưng, micro nằm trong tay khán giả mà giọng hát “Đi đu đưa đi” vẫn cứ vang vọng như ca sĩ Bích Phương vẫn đang ngân nga. Sự cố này khiến công chúng một phen chưng hửng về kỹ nghệ biểu diễn!
Ca sĩ Bích Phương từng bị phản ứng vì hát nhép! |
Bây giờ, ca sĩ hát nhép không còn bị chế tài, liệu có tạo nên sự hỗn loạn showbiz Việt không? Ca sĩ Sơn Tùng MTP hồn nhiên hát nhép kiểu Sơn Tùng MTP, mà ca sĩ Chi Pu ung dung hát nhép kiểu Chi Pu, như người hâm mộ từng tố cáo chăng?
Giới nhà nghề cho rằng quy định mới, thực ra rất hay. Hầu như chẳng có nước nào trên thế giới cấm hát nhép cả. Bỏ quy định hát nhép tức là Chính phủ không cần dùng luật và chế tài để xử lý một vấn nạn mà thay vào đó, để tự thị trường quyết định đào thải và để chính lòng tự trọng nghề nghiệp của nghệ sỹ lên tiếng.
Hơn nữa, nếu các nghệ sỹ chân chính đọc đầy đủ từ đầu đến cuối Nghị định mới sẽ thấy có điều khoản quy định rõ ràng là trách nhiệm thực hiện phải đúng theo quảng bá và đăng ký. Thế nên, đơn vị nào tổ chức mà để hai tiếng “live show” rồi hát nhép thì lúc đó ''ăn đòn'' còn nặng hơn cái Nghị định 79. Bởi lẽ Nghị định cũ phạt từ 5-10 triệu thôi, còn nghị định mới này chế tài nặng hơn nhiều. Liệu ca sĩ hát nhép sẽ phát triển theo cấp số nhân, hay sự tự trọng nghề nghiệp sẽ lan tỏa giá trị?
Trên thế giới, nhiều chính quyền địa phương quy định cụ thể phải thông báo công khai nếu trong chương trình có tiết mục hát nhép. Kiểu này, ở Việt Nam cũng sẽ có chương trình sẽ phải để “hướng dẫn sử dụng” đại khái “có các tiết mục 1-3-15 gì đó có hát nhép”. Nhưng chắc cũng không nhiều chương trình như thế đâu. Nghệ sỹ tự trọng chả ai muốn hát nhép bao giờ. Và khi ca sỹ văn minh, tự trọng cao rồi thì cần gì quy định cấm hát nhép nữa”.
Ca khúc “Con đường xưa em đi” một thời gây tranh cãi về cấp phép biểu diễn. |
Tinh thần cởi mở của Nghị định 144/2020 cũng cho phép các cá nhân được tham gia vào hoạt động biểu diễn một cách tự chủ và thoải mái, từ sân chơi ca hát đến sân chơi hoa hậu.
Trước đây, thí sinh muốn tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế phải đạt được tiêu chí Hoa hậu hoặc Á hậu từ sân chơi trong nước và được sự đồng ý của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch. Đây là một quy định khắt khe và phức tạp. Đã có không ít trường hợp đi thi chui, và khi về nước đã bị xử phạt.
Thực tế, mỗi cuộc thi đều có đẳng cấp và giá trị riêng, thí sinh đoạt giải trong nước chưa chắc đã phù hợp với đấu trường quốc tế. Vì vậy, Nghị định 144 chỉ yêu cầu thí sinh có lý lịch tư pháp và thư mời chấp nhận thí sinh từ cuộc thi quốc tế thì có thể lên đường tham gia.
Tuy nhiên, nét đổi mới quan trọng nhất của Nghị định 144/2020 chính là bãi bỏ giấy phép con đối với ca khúc trước năm 1975 và nghệ sĩ hải ngoại. Việc bỏ cấp phép phổ biến cho các ca khúc trước 1975 đã chấm dứt những tranh cãi gay gắt trong giới nghệ thuật cũng như giới quản lý về vấn đề có nên liệt kê đưa ra danh sách các bài hát bị cấm phổ biến hay tiếp tục cấp phép từng bài hát cụ thể.
Còn việc bỏ cấp giấy cho nghệ sĩ Việt kiều về nước biểu diễn, được Cục Nghệ thuật biểu diễn phân tích: “Được căn cứ trên luật xuất nhập cảnh, luật lao động và các quy định pháp luật liên quan. Bởi thực tế biểu diễn, hát… đều là một nghề và sẽ được quy định bằng các luật đó. Bên cạnh đó, một nghệ sĩ nước ngoài về một quán bar, chương trình nào đó biểu diễn thì phải thực hiện đúng thông báo hoạt động biểu diễn, đề nghị tổ chức biểu diễn nghệ thuật… và được địa phương theo phân cấp quản lý chấp thuận”.
Nghị định 144/2020 rất được show biz Việt hào hứng đón nhận. Lý do, bao nhiêu năm nay, muốn tổ chức một chương trình có nghệ sĩ hải ngoại hát lại các ca khúc trước năm 1975 thì phải xin đến hai giấy phép con, một giấy phép con cho người thể hiện và một giấy phép con cho ca khúc được thể hiện. Thủ tục ấy quá nhiêu khê và thường xuyên xảy ra tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược, có chương trình được Cục Nghệ thuật biểu diễn gật đầu nhưng lại bị ngành văn hóa địa phương lắc đầu.
Với việc bãi bỏ giấy phép con cho ca khúc trước năm 1975 và nghệ sĩ hải ngoại, thì ngành văn hóa địa phương có quyền từ chối chương trình nào đó theo những lý do mơ hồ không?
Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn - Trần Hướng Dương cho rằng: “Mỗi địa phương có quyền chấp thuận hoặc không. Bởi có thể bài hát này, ca sĩ này phù hợp với địa phương này nhưng địa phương khác thì không. Đơn cử như có những ca khúc phù hợp biểu diễn ở nhà hát nhưng không phù hợp nơi công cộng hay gần cơ sở tôn giáo. Điều đó phụ thuộc vào việc phù hợp thuần phong mỹ tục, văn hóa bản địa vùng, miền.
Tuy nhiên, việc địa phương thấy phù hợp ca khúc, ca sĩ này hay không… quan trọng nhất chính là phải đưa ra một lý do chính đáng. Các cấp quản lý ở địa phương phải có lý do rõ ràng của việc không chấp thuận chứ không phải không thích là không chấp thuận. Khi nghị định cởi mở hơn cũng với mong muốn mỗi nghệ sĩ, cơ quan quản lý văn hóa địa phương hiểu và làm đúng trách nhiệm của mình hơn. Cơ quan quản lý cấp bộ sẽ là nơi giám sát, thẩm định khi có địa phương không giải quyết được những vấn đề lớn”.
Với hành lang pháp lý thông thoáng của Nghị định 144/2020 thì các hoạt động biểu diễn được chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
Tại điều 3 của Nghị định 144/2020 xác định rõ ràng 4 điều cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, bao gồm: Thứ nhất, cấm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thứ hai, cấm xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Thứ ba, cấm kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại. Thứ tư, cấm sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội. |
Xem thêm: /294726-teiV-zibwohs-ohc-iom-ihk-hnis-ial-gnam-iom-hnid-ihgN/aoh-nav-gnos-iod/nv.moc.dnac.acnv