Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 dưới tác động của dịch Covid-19 ở mức 2,91%, trong khi VN-Index từ cuối tháng 3-2020 đến hết năm 2020 đã tăng 70% và HNX-Index tăng tới 120%. Chốt tuần giao dịch, VN-Index ở mức 1.194 điểm; HNX-Index ở mức 225,47 điểm và được dự báo tiếp tục đi lên sau khi đã thăng hoa trong năm 2020. Vàng, chứng khoán, tiền điện tử, bất động sản… đều có mức tăng mạnh nhưng theo các chuyên gia, thị trường cũng tiềm ẩn rủi ro bong bóng tài sản.
Rủi ro khi thị trường đảo chiều
Anh Hoàng Anh - nhân viên văn phòng một công ty truyền thông ở quận 3, TP HCM - nắm giữ vài mã cổ phiếu (CP) để nhận cổ tức hằng năm nhưng những ngày này cũng "sốt ruột" khi thấy bạn bè, đồng nghiệp lần lượt trở thành nhà đầu tư F0 (những người lần đầu chơi chứng khoán). Sự hưng phấn của các nhà đầu tư trên thị trường, đặc biệt là sự góp mặt của những nhà đầu tư F0, khiến giá trị trung bình mỗi phiên trên sàn chứng khoán đạt gần 15.000 tỉ đồng/phiên, có những phiên đột biến trên 20.000 tỉ đồng. Rất nhiều nhà đầu tư F0 chưa am hiểu về chứng khoán, CP, các ngành, lĩnh vực… cũng bị hấp dẫn bởi mức sinh lời của CP.
Nhiều nhà đầu tư F0 chưa am hiểu về chứng khoán, cổ phiếu, các ngành, lĩnh vực… cũng bị hấp dẫn bởi mức sinh lời của cổ phiếu.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, sự tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán thời gian qua lại chưa phản ánh đúng "sức khỏe" của doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế. "Điều này cho thấy dòng tiền đang chảy vào chưa đúng địa điểm, đổ vào những tài sản đầu cơ quá nhiều. Bởi lẽ, nếu muốn khôi phục nền kinh tế hậu Covid-19 phải đầu tư trung và dài hạn vào sản xuất - kinh doanh chứ không phải nhìn vào thị trường chứng khoán trước mắt. Khi thị trường tăng mạnh, nhà đầu tư mua CP nào cũng thắng nhưng cần lưu ý mức lợi nhuận đạt được có cao hơn mức trung bình chung của thị trường hay không? Nếu lợi nhuận thấp hơn mức tăng của VN-Index, nhà đầu tư sẽ rất rủi ro khi thị trường đảo chiều, đặc biệt là các nhà đầu tư F0 mới tham gia thị trường trong giai đoạn tăng mạnh nhưng chưa trải nghiệm chu kỳ đi xuống" - ông Khánh nhận định.
Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 1-2021, Công ty Chứng khoán SSI cũng đưa ra quan điểm thận trọng sau thời gian duy trì quan điểm rất tích cực về thị trường chứng khoán. Thực tế, thị trường đã có sự phục hồi rất ngoạn mục từ mức đáy của năm 2020 và không loại trừ kịch bản điều chỉnh ngắn hạn của VN-Index với 2 vùng hỗ trợ gần nhất lần lượt là 1.094 và 1.067 điểm.
Theo một chuyên gia tài chính, không chỉ chứng khoán, các kênh đầu tư khác như tiền ảo (Bitcoin), bất động sản, vàng… cũng có dấu hiệu bong bóng. Ông kể người quen của ông ở huyện Nhà Bè, TP HCM có căn nhà phố năm 2018 rao bán khoảng 7 tỉ đồng nhưng không có người mua. Nay, thấy giá bất động sản tăng, người này đẩy giá lên 12 tỉ đồng. "Bong bóng tài sản đang gia tăng ở một số kênh đầu tư là có thật và cũng tiềm ẩn rủi ro" - chuyên gia này nhận xét.
Vàng tăng giá, nhiều người vẫn lỗ nặng
Với thị trường vàng, cuối tuần, giá vàng SJC mua vào là 55,95 triệu đồng/lượng, bán ra 56,25 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 250.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá vàng trong nước tiếp tục tăng trên 1,2 triệu đồng/lượng sau khi đã tăng khoảng 27% trong năm 2020. Trên thị trường thế giới, kim loại quý đóng cửa tuần giao dịch ở 1.828 USD/ounce, tương đương 51 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC trên 5,2 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch kỷ lục của giá vàng trong nước so với thế giới, đang tiềm ẩn không ít rủi ro cho người tham gia thị trường.
Chuyên gia vàng Nguyễn Ngọc Trọng phân tích nhiều nhà đầu tư và cả DN vàng đã mua vào SJC ở vùng giá cao trước đây, giờ không vội bán ra khiến giá vàng trong nước không giảm tương xứng với thế giới. Dù giá thế giới giảm sâu chỉ còn tương đương 51 triệu đồng/lượng nhưng trong nước không có làn sóng bán tháo, thậm chí nhiều nhà đầu tư còn kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay… Những yếu tố này khiến giá vàng trong nước cao hơn mức kỷ lục so với thế giới.
Ông Nguyễn Thế Hùng, thành viên Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, cho rằng giá vàng SJC cách biệt lớn so với thế giới là do các DN đang vào mùa sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ dịp Tết nguyên đán và ngày Thần Tài, trong lúc nguồn cung hạn chế. Hiện rất ít người bán vàng ra vì kỳ vọng sau Tết sẽ tăng, trong bối cảnh lãi suất gửi tiết kiệm vẫn ở mức thấp.
Nhìn ở góc độ đầu tư, trên thực tế, bất chấp đà tăng mạnh của giá vàng trong nước năm 2020 do biến động theo giá thế giới, nhiều người vẫn lỗ nặng. Theo chuyên gia vàng Trần Thanh Hải, giá vàng hồi tháng 8-2020 xác lập kỷ lục 2.063 USD/ounce nhưng trước đó, tháng 3-2020 chỉ ở mức 1.451 USD/ounce. Biên độ dao động của giá vàng lên tới 600 USD/ounce, giá vàng SJC cũng từ mức 42,8 triệu đồng/lượng đầu năm 2020 lên tới 62 triệu đồng/lượng vào tháng 8-2020, tương ứng mức tăng tới 44%.
"Khi vàng lên đỉnh lịch sử, nhiều dự báo giá sẽ tiếp tục tăng và không ít người mua vào ở vùng giá 60 triệu đồng/lượng. Đến nay, vàng SJC chỉ dao động quanh 56 triệu đồng/lượng khiến họ lỗ nặng. Còn những người mua vàng ở vùng 42 triệu đồng/lượng thì có lời. Năm 2021, giá vàng được dự báo sẽ có những biến động bất thường. Với nhà đầu tư dùng vàng làm đòn bẩy tài chính để lướt sóng vàng, giá biến động mạnh rất dễ thua lỗ" - ông Trần Thanh Hải nhận định.
Kiểm soát vốn tín dụng vào chứng khoán
Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực nhận định trong bối cảnh lãi suất trên thế giới và ở Việt Nam đã giảm rất mạnh khiến dòng tiền đổ vào các lĩnh vực khác tương đối nhanh nhưng phải thận trọng với xu hướng này. Dòng tiền tư nhân chuyển dịch sang chứng khoán rất mạnh, với gần 400.000 tài khoản F0 mới trong năm vừa qua, tăng 15% so với năm trước.
Ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NH Nhà nước - cho biết hoạt động của các tổ chức tín dụng có rất nhiều quy định, trong đó có việc kiểm soát danh mục đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản... Nhiều năm qua, NH Nhà nước luôn cảnh báo cũng như có công cụ kiểm soát dòng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro này.
Giải thích lý do khiến sàn chứng khoán "nghẽn lệnh"
Về việc một số lệnh giao dịch của nhà đầu tư (NĐT) qua các công ty chứng khoán (CTCK) thời gian gần đây không gửi được vào hệ thống giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), chiều 17-1, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC), cho biết nguyên nhân chính là do năng lực thiết kế của hệ thống giao dịch tại HoSE có giới hạn về số lượng lệnh trong một ngày giao dịch, không đáp ứng nhu cầu giao dịch tăng đột biến ngoài dự đoán của thị trường chứng khoán (TTCK) trong thời gian vừa qua.
Để bảo đảm cho hoạt động thông suốt của thị trường, khắc phục tình trạng quá tải hệ thống giao dịch, SSC đã báo cáo Bộ Tài chính và chỉ đạo HoSE triển khai đồng thời và đồng bộ các giải pháp ngắn, trung và dài hạn. Về ngắn hạn, thực hiện ngay các giải pháp tối ưu hóa lượng lệnh giao dịch nhập vào hệ thống, nâng đơn vị giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu/lô để hạn chế giao dịch lô lẻ; rà soát, hạn chế lỗi phát sinh từ phía CTCK, hạn chế giao dịch tự động... nhằm tránh tác động xấu đến hệ thống; HoSE thực hiện rà soát nội bộ, kiểm soát rủi ro, hạn chế lỗi có thể xảy ra đối với hệ thống giao dịch, cải tiến các quy trình xử lý sự cố, tăng cường trực ca vào các thời gian giao dịch cao điểm. Về trung hạn, nâng cấp hệ thống dự phòng cho hệ thống giao dịch hiện tại, bảo đảm các giao dịch diễn ra suôn sẻ, thông suốt. Tuy nhiên, theo ông Dũng, các giải pháp này chỉ có hiệu quả trong ngắn hạn và trung hạn, không giải quyết được triệt để vấn đề quá tải hệ thống, nhất là trong xu thế TTCK đang ngày một tăng trưởng mạnh. Do đó, về dài hạn, cần sớm đưa dự án Công nghệ thông tin thị trường chứng khoán (KRX) vào hoạt động sẽ giải quyết triệt để vấn đề quá tải hệ thống giao dịch.
"Chúng tôi lấy làm tiếc về tình trạng nghẽn lệnh trong thời gian qua và cũng mong NĐT thấu hiểu, phối hợp cùng CTCK hạn chế thực hiện sửa, hủy tách lệnh và đưa bước giá phù hợp để tối ưu hóa hệ thống" - người đứng đầu SSC cho biết.
S.Nhung
Xem thêm: mth.48394150271101202-gnon-gnat-ut-uad-hnek-ueihn/et-hnik/nv.moc.dln