Ninh Thuận đang xúc tiến các bước để thực hiện đấu thầu tìm nhà đầu tư cho dự án điện khí Cà Ná - Ảnh: HÀ XUYẾN
Thông tin trên được ông Đạo Văn Rớt - phó giám đốc Sở Công thương Ninh Thuận - cho hay.
Theo đó, hiện đã có một số nhà đầu tư quan tâm nên UBND tỉnh Ninh Thuận đang chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh thủ tục mời gọi, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực về tài chính, kinh nghiệm tham gia đấu thầu thực hiện dự án giai đoạn 1 theo đúng quy định.
Sau khi đấu thầu thành công sẽ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo, phấn đấu đến quý 3-2021 khởi công, đưa vào vận hành vào quý 2-2024, về đích sớm hơn chỉ đạo là đưa dự án vào hoạt động năm 2025-2026.
Việc thực hiện dự án trên là nhằm cụ thể hóa chủ trương đưa Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng của cả nước trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 115 của Chính phủ và Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với Trung tâm điện lực Cà Ná với quy mô công suất 6.000 MW, Ninh Thuận cũng xây dựng hệ thống hạ tầng, logistics đồng bộ như kho - cảng khí LNG từ 5-8 triệu tấn/năm, cảng nhập khí LNG đến 267.000m3 và hệ thống đường dây, trạm biến áp 500kV…
Chia sẻ về quá trình triển khai dự án, ông Trương Xuân Vỹ - chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết, khi dự án được triển khai sẽ mang lại lợi ích lớn về kinh tế, xã hội và môi trường cho địa phương cũng như cả nước, nhất là trong bối cảnh đất nước vẫn có nguy cơ thiếu điện.
Cụ thể, về kinh tế, dự án sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, đóng góp nguồn thu ngân sách lớn cho huyện và tỉnh.
Về xã hội, dự án sẽ tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương từ khi triển khai đến quá trình vận hành nhà máy sau này.
Bên cạnh đó, điện khí là nguồn điện sạch, thân thiện với môi trường phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Thuận và cả nước.
Với sự phối hợp của người dân, địa phương hiện đã chuẩn bị sẵn sàng vị trí cho dự án giai đoạn 1 và sẽ tiến hành các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận khẳng định chủ trương phát triển điện sạch, trong đó có điện khí đã được tỉnh đề xuất từ sớm trên cơ sở những tiềm năng lợi thế của tỉnh và khu vực và không làm theo phong trào.
Theo nhiều chuyên gia, việc quy hoạch phát triển trung tâm điện khí quy mô lớn, hiện đại sẽ góp phần giảm chi phí đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, giám sát; vận chuyển khí; thuận tiện cho truyền tải, điều độ, an toàn hệ thống điện, ổn định, cân bằng nguồn điện cho các dự án điện gió, điện mặt trời… Từ đó giảm giá thành sản phẩm, giảm áp lực về tài chính cho ngành điện cũng như áp lực tăng giá điện về lâu dài so với các dự án đơn lẻ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tạo động lực cho địa phương và cả khu vực phát triển kinh tế.
TTO - Ông Phạm Văn Hậu, phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, đã kiến nghị Chính phủ cho phép chuyển quy hoạch 4.600MW điện hạt nhân trong quy hoạch điện VII sang xây dựng điện khí ở Cà Ná (Ninh Thuận).