Xét theo một số khía cạnh, ngay trong đại dịch Covid-19 người Mỹ lại trở nên giàu có hơn bao giờ hết. Điều này nghe có vẻ khó hiểu trong bối cảnh nền kinh tế suy sụp và các chỉ số như tỷ lệ thất nghiệp, số lượng người vô gia cư và bị đói tăng chóng mặt. Tuy nhiên, có 1 tầng lớp – ít nhất là top 20% giàu nhất – không bị ảnh hưởng bởi những rắc rối này.
Đối với họ, thật dễ dàng để tiếp tục công việc khi mà tính chất nghề nghiệp cho phép họ hoàn toàn có thể làm việc từ xa. Không chỉ có vậy, các biện pháp khẩn cấp chưa từng có tiền lệ mà Cục dự trữ liên bang Mỹ tung ra để giải cứu nền kinh tế - trong đó có hạ lãi suất xuống mức gần 0 – cũng làm cho ví của họ dày thêm. Những người này có thể tái tài trợ cho khoản thế chấp của mình ở mức lãi suất thấp kỷ lục, mua ngôi nhà thứ hai để tránh xa thành phố đông đúc và sau đó chứng kiến các cổ phiếu và trái phiếu trong danh mục đầu tư tăng giá phi mã.
Những tác động tiêu cực do Covid-19 gây ra phần lớn đổ lên đầu những người không thể tiếp cận dễ dàng với thị trường tài chính hoặc thị trường tín dụng. Trong khi tài sản của các hộ gia đình Mỹ lập kỷ lục mới, hàng trăm nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa vĩnh viễn. Hơn 10 triệu người vẫn còn thất nghiệp và gần 30 triệu người không đủ ăn mỗi ngày.
Kể cả khi nội các mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden có kế hoạch chi thêm hàng nghìn tỷ USD để tiếp thêm sức mạnh cho gói "giảm đau kinh tế", các chuyên gia kinh tế vẫn cảnh báo về những hệ lụy chính trị và xã hội từ việc chênh lệch giàu nghèo ngày càng mở rộng ở Mỹ. Với mức chênh lệch thu nhập hiện đang cao nhất trong 50 năm trở lại đây, phản ứng của nước Mỹ với những tác động của Covid-19 làm dấy lên những câu hỏi rằng các biện pháp khẩn cấp đã được thiết kế để giúp đỡ ai và ai đang bị bỏ lại phía sau.
"Có lẽ hiện tại là thời điểm tốt nhất đối với nhà giàu Mỹ", Peter Atwater, giáo sư kiêm nhiệm tại William & Mary và cũng là "cha đẻ" của cụm từ "đà phục hồi hình chữ K" nhận xét. "Điều mà các nhà hoạch định chính sách đã làm là giúp cho nhóm người giàu nhất hồi phục nhanh nhất sau đại dịch", ông nói.
Trong 10 tháng gần nhất, nhóm người có thu nhập cao đã sống khá tốt. Tỷ lệ có việc làm của nhóm người lao động kiếm được 60.000 USD/năm trở lên đã hồi phục và hiện còn cao hơn cả so với 1 năm trước, theo dữ liệu của tổ chức nghiên cứu Opportunity Insights.
Và trong khi gần như tất cả các quốc gia đều áp dụng lệnh phong tỏa, hàng triệu người, đặc biệt là những người xếp phía trên trong bậc thang kinh tế xã hội của Mỹ, đã chuyển số tiền đáng lẽ sẽ được chi cho giải trí, ăn uống ở nhà hàng và du lịch sang tiết kiệm hoặc đầu tư. Đối với nhiều người, điều này mang lại rất nhiều lợi ích. Chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh trong khi trái phiếu cũng tăng mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ.
Ngược lại, lãi suất thế chấp rơi xuống mức thấp kỷ lục. Những người sở hữu nhà, đặc biệt là nhóm có điểm tín dụng tốt, nhanh chóng tận dụng cơ hội tái tài trợ khoản vay. Hàng triệu người đi vay đã có thể giảm bớt số tiền họ phải trả hàng tháng.
Nhưng đối với những người ở phía bên kia, câu chuyện rất khác
Tỷ lệ việc làm trong nhóm những người kiếm được dưới 27.000 USD/năm hiện vẫn thấp hơn 20% so với thời điểm tháng 1/2020. Tháng trước, gần 30 triệu người thưởng thành sống trong các hộ gia đình không đủ ăn, tăng 28% so với trước dịch. Ở Louisiana, bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, 20% người dân thiếu ăn. Tỷ lệ trong nhóm da màu còn cao hơn.
Hàng triệu người đang chật vật tìm cách để có thể giữ lại ngôi nhà của mình. Hơn 1/3 người Mỹ trưởng thành sống trong những ngôi nhà có nguy cơ bị tịch biên trong 2 tháng tới.
Tình trạng chênh lệch giàu nghèo ngày càng tệ hơn thể hiện rõ nét những hạn chế của gói kích thích chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ. Nới lỏng điều kiện tín dụng thông qua Fed, các nhà làm luật có thể nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp lớn và những cá nhân giàu có nhưng thách thức đối với các doanh nghiệp nhỏ và người lao động có thu nhập thấp lớn hơn rất nhiều.
Gần 40 năm qua, chính phủ Mỹ vẫn giao trọng trách điều hành các chu kỳ kinh tế cho một Fed độc lập. Chính sách tài khóa thích hợp hơn cho việc chia đều "miếng bánh" cho mọi thành phần trong nền kinh tế nhưng đã bị cho là lỗi thời. Nhưng giờ thì đại dịch cho thấy "cơ sở hạ tầng" mà chính phủ Mỹ sử dụng để hỗ trợ cho mọi người dân đã vỡ vụn và cần phải được cải cách ngay lập tức.
Hàng triệu người sẽ cạn kiệt tiền trợ cấp thất nghiệp vào giữa tháng 3 nếu như các biện pháp mà Quốc hội Mỹ thông qua từ tháng 12 không được gia hạn. Trong khi đó các chính quyền địa phương sẽ buộc phải cắt giảm ngân sách (vốn đã cạn kiệt) để bù đắp cho số thuế bị thâm hụt.
Ngày càng có nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo về những hệ lụy lâu dài của tình trạng chênh lệch giàu nghèo. Đó là tăng trưởng kinh tế thấp hơn, tỷ lệ tội phạm cũng như bất ổn xã hội gia tăng.
Bạn không thể có 1 nền kinh tế và hệ thống chính trị bền vững nếu như có 1 nhóm dân số (dù nhỏ) tin rằng họ đang bị bỏ lại phía sau và ngày càng có nhiều người dân cảm thấy bản thân thất bại.
Tham khảo Bloomberg