Người thừa kế tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc đã bị bắt ngay tại tòa sau khi tuyên án. Theo Tòa án cấp cao Seoul, Lee phải ngồi tù 30 tháng vì sử dụng quỹ của công ty để trả 8,7 tỷ won (7,8 triệu USD) để hối lộ cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và bạn của bà Choi Soon-sil năm 2015 thông qua một quỹ phi lợi nhuận. Mục đích của khoản hối lộ này là để Chính phủ ủng hộ thương vụ sáp nhập gây tranh cãi giữa Cheil Industries và Samsung C&T.
Phó chủ tịch 52 tuổi của Samsung từng phải ngồi tù 1 năm vì những tội danh này. Ông được thả tự do năm 2018 sau khi tòa phúc thẩm đình chỉ án tù hai năm rưỡi của Lee. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao xác định mức án này là quá khoan hồng, vì nó không xét đến toàn bộ quá trình vi phạm và các quà hối lộ của Lee.
Phán quyết này được đưa ra vài ngày sau khi Tòa án Tối cao giữ nguyên mức án 22 năm tù với bà Park vì nhận hối lộ từ Samsung và các doanh nghiệp khác cùng người bạn Choi.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày hôm nay cũng phản đối việc ân xá cựu Tổng thống Park và cựu Thủ tướng Lee Myung-bak – người đang chịu mức án tù 17 năm vì các cáo buộc tham nhũng. Ông cho rằng còn quá sớm để bàn về việc ân xá khi hành động của họ gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của quốc gia và làm tổn thương cảm xúc của người dân.
Nhóm luật sư bảo vệ Lee cho biết thất vọng với phán quyết của tòa. "Bản chất của vụ án là một sự lạm dụng của cựu Tổng thống làm tổn hại đến quyền tự do và tài sản của một tập đoàn. Phán quyết này thật đáng tiếc", Lee In-je, luật sư của Phó chủ tịch Samsung cho hay và nói sẽ cân nhắc kháng cáo lên tòa án tối cao.
"Đây là tin sốc với Samsung nhưng Samsung nên chấm dứt cuộc tranh cãi pháp lý này và hướng về tương lai. Lee đã ngồi tù một năm, nên ghế lãnh đạo Samsung sẽ chỉ còn phải trống 1,5 năm nữa", cựu nghị sĩ Chae Yi-bai, từng làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận nhận định.
Sau phán quyết trên, cổ phiếu Samsung đã giảm hơn 4%. Tập đoàn Hàn Quốc từ chối bình luận về thông tin này. Vị trí lãnh đạo cao nhất của nhà sản xuất chip nhớ, smartphone và hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới được để lại trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang làm trầm trọng thêm sự bất ổn xoay quanh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng.
Công việc kinh doanh hàng ngày của Samsung được điều hành bởi một đội ngũ lãnh đạo, sự vắng mặt của Lee có thể làm đình trệ hoặc gây khó khăn cho một số khoản đầu tư lớn hoặc chiến lược dài hạn. Lee đã đóng vài trò tích cực tại Samsung, thường xuyên tham gia các sự kiện có liên quan đến Chính phủ sau khi ông được ra tù. Shin Se-don, giáo sư danh dự về kinh tế tại Đại học Sookmyung Women cho rằng phán quyết của tòa "quá đáng" và cảnh báo nó có thể gây ra phản ứng dữ dội với Chính phủ vì tầm quan trọng của Samsung với Hàn Quốc. "Lee có thể điều hành từ nhà tù nhưng sẽ có một số trở ngại. Việc bắt giam Lee gây ra một cú sốc tinh thần lớn cho người dân. Samsung là trụ cột của nền kinh tế Hàn Quốc và người dân sẽ buồn vì phán quyết này", Shin nói.
Lee Jae-yong đã được chuẩn bị trong vài thập kỷ để tiếp quản Samsung – chaebol do ông nội sáng lập và cha mình gây dựng thành một đế chế công nghệ. Tuy nhiên, sau khi cha của Lee qua đời hồi tháng 10 năm ngoái, Samsung vẫn chưa thể bổ nhiệm ông làm Chủ tịch ngay bởi Lee bị kẹt giữa hai vụ xét xử với cáo buộc hối lộ và gian lận kế toán để dọn đường cho việc kế nghiệp.
Tú Anh (Theo Nikkei)