Trong văn bản vừa ban hành, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các ngành chức năng xử lý tình trạng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay cho việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Theo đó, ngày 16.1.2021, Văn phòng Chính phủ đã băn hành văn bản số 378/VPCP-KHTH nêu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình như sau:
Gần đây báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tình trạng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay cho việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam, vi phạm gian lận về số lượng nhập khẩu, gian lận xuất xứ... tạo ra sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường cá tầm, tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 và trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28.1.2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Chỉ thị số 05).
Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Bộ Công an, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu phản ánh của báo chí nêu trên để xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc vượt thẩm quyền.
Trước đó, Báo Lao Động có nhiều bài viết phản ánh về tình trạng khó khăn đầu ra cho con cá tầm Việt.
Cụ thể ngay trên sân nhà, do giá thành rẻ hơn (đi kèm chất lượng kém hơn) nhưng lại mập mờ trong khâu bán hàng và tiếp thị, nên cá tầm Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra chiếm ưu thế trên thị trường. Nhiều người bán khi được hỏi, thậm chí còn không phân biệt nổi đâu là cá tầm Trung Quốc, đâu là cá tầm trong nước.
Thống kê của Hiệp hội Cá nước lạnh cho thấy, sản lượng cá tầm Việt Nam năm 2020 ước đạt trên 3.000 tấn với giá trị hơn 500 tỉ đồng. Việc phát triển nuôi cá tầm ở Việt Nam đã tạo được nhiều công ăn việc làm và tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động, đặc biệt là lao động ở miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhiều doanh nghiệp, hộ nuôi cá tầm khá lên từ nghề này.
Kể từ năm 2018 đến nay, trước sự đe dọa từ cá tầm Trung Quốc giá rẻ, chất lượng thấp, hàng loạt doanh nghiệp nuôi cá tầm trên cả nước có nguy cơ phá sản. Nhiều trang trại buộc phải để hoang phế, nước đọng cạn đáy...
Tại tỉnh Yên Bái, với tiềm năng về diện tích mặt nước và điều kiện tự nhiên phù hợp, việc phát triển nuôi cá nước lạnh đã đạt được những kết quả nhất định, đến năm 2020 diện tích đưa vào nuôi đạt trên 32.000 m3; sản lượng đạt gần 100 tấn/năm.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh này, do có tình trạng cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc vào rất rẻ giá trong nước không cạnh tranh được, hơn nữa con giống vẫn chủ yếu là nhập từ Trung Quốc nên phần nào bị hạn chế.
Tương tự là các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lào Cai... gần như tất cả các tỉnh nuôi cá tầm ở khu vực miền núi phía Bắc đều "cầu cứu" trước thực trạng cá tầm Trung Quốc ồ ạt đổ bộ.
Còn tại Sơn La, nơi có hồ thuỷ điện với dòng nước lạnh phù hợp để nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là gây dựng thương hiệu cá tầm Việt cũng đang rơi vào tình cảnh điêu đứng.
Trước thực trạng trên, trong tháng 12.2020, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng và Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai lần lượt có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan cùng các ngành chức năng đề nghị tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm...
Lợi dụng chính sách để thẩm lậu
Ngày 27.10.2020, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đã phát hiện và bắt giữ lô hàng cá tầm Trung Quốc do Công ty TNHH Đầu tư và xuất nhập khẩu An Hưng (địa chỉ đăng ký: Số 4C, ngõ 230 Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) nhập về Việt Nam.
Qua kiểm tra, trị giá khai báo trên tờ hải quan nhập khẩu không đúng với số lượng cá tầm Trung Quốc nhập về. Tang vật vi phạm được định giá lên đến 4.000 kg cá tầm Trung Quốc trị giá 413.947.200 đồng.
Xem thêm: odl.220278-or-mal-oad-ihc-gnout-uht-ohp-teiv-mat-ac-nart-ov-oc-yugn/et-hnik/nv.gnodoal