Một bốt điện thoại công cộng được “độ” lại thành điểm xét nghiệm COVID-19 dã chiến trong đại dịch COVID-19 tại Thái Lan - Ảnh: Bangkok Post
Do sự phổ biến của điện thoại di động, nhiều bốt điện thoại công cộng, biểu tượng một thời ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đang bị bỏ hoang.
Điểm sạc tính phí
Mới đây, một số trạm sạc điện thoại di động có tính phí đã được lắp đặt bên trong các bốt điện thoại công cộng cũ tại thành phố Fukuoka (Nhật Bản), đánh dấu sự việc lần đầu tiên các bốt điện thoại lỗi thời được thay đổi công năng sử dụng theo cách này ở xứ sở mặt trời mọc.
Tại thành phố Fukuoka, theo báo Japan Times, các công ty Nippon Telegraph, Telephone West và nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ sạc điện thoại Inforich đã hợp tác cung cấp dịch vụ tại các điểm sạc di động ở 8 điểm trong thành phố.
Chương trình thí điểm khoảng 6 tháng này đã được khởi động từ cuối tuần qua, biến các bốt điện thoại công cộng cũ thành các điểm sạc có thu phí với mức 165 yen (1,59 USD) cho thời gian sạc tối đa tới 1 giờ và 330 yen (3,18 USD) cho thời gian sạc tối đa tới 48 giờ. Trước khi sử dụng thiết bị, người dùng phải tải một ứng dụng (app) về smartphone.
Các trạm sạc điện thoại di động đã chứng minh tính đặc biệt hữu dụng của nó vào những thời điểm thiên tai, thảm họa ở Nhật. Chẳng hạn như trong trận động đất năm 2018 tại Hokkaido, cư dân và du khách đã phải lũ lượt kéo tới tòa thị chính Sapporo để có thể sạc điện thoại, sau khi toàn thành phố bị mất điện.
Thái Lan tận dụng triệt để
Trong làn sóng đại dịch COVID-19 đầu tiên vào tháng 4 năm ngoái, Bộ Xã hội và kinh tế số Thái Lan đã có sáng kiến biến các bốt điện thoại thành điểm làm xét nghiệm COVID-19 dã chiến nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ phơi nhiễm cho các nhân viên y tế, đồng thời giúp giảm bớt sức ép với tình trạng thiếu trang thiết bị bảo hộ y tế cá nhân (PPE).
Trong đợt đầu tiên, Thái Lan triển khai 50 bốt (trong kế hoạch ban đầu là 200 bốt) như vậy tại một số bệnh viện được lựa chọn.
Mỗi "hộp COVID" (COVIDBox) sẽ được khoan hai lỗ tròn bên sườn bốt, để các nhân viên y tế thò tay qua đó lấy mẫu bệnh phẩm. Trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm, nhân viên y tế đứng trong "hộp COVID" sẽ phải mặc đồ bảo hộ y tế, đeo khẩu trang, găng tay.
Bên trong bốt điện thoại cũng được trang bị quạt áp suất dương với thiết bị lọc, để ngăn khí dạng aerosol lọt vào bên trong. Chi phí "độ" lại mỗi bốt như vậy tốn gần 1.000 baht (33,23 USD). Các bốt đều được làm sạch trước khi thiết kế lại cho nhiệm vụ mới.
Không kể tới sáng kiến biến bốt điện thoại cũ thành điểm xét nghiệm COVID-19 dã chiến vừa qua, ngay từ năm 2016 chính quyền thủ đô Thái Lan cũng đã khởi động chương trình hiện đại hóa các bốt điện thoại cũ trong lộ trình ba năm (tới năm 2019) để biến chúng thành các điểm lắp đặt trạm phát sóng WiFi, các máy nạp tiền online cho người dùng điện thoại trả trước và khai thác không gian quảng cáo công cộng tại đây...
Cho thuê bốt điện thoại ở London
Theo website Frommers.com, tới cuối năm ngoái toàn nước Anh còn lại chưa tới 10.000 bốt điện thoại công cộng, khoảng một nửa trong đó không còn dùng nữa, nhiều bốt bị bỏ hoang, mục nát với thời gian.
Tuy nhiên, dưới sức ép khó khăn của nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, một doanh nghiệp bất động sản ở Anh là RKC Estates đã nảy ra ý tưởng khai thác "mặt bằng" kinh doanh từ những vật dụng bị lỗi thời này.
Họ đã tìm lại những bốt điện thoại cũ, tân trang và cho những người buôn bán kinh doanh nhỏ thuê lại. Không kể các chi phí lắp đặt ban đầu, giá thuê hằng tháng một bốt điện thoại "độ" lại với màu sơn đỏ biểu tượng có giá khoảng 150 bảng Anh (200 USD) tại một điểm bán hàng trên con phố sầm uất.
TTO - Một chiếc buồng điện thoại công cộng màu đỏ truyền thống của Anh vừa được một ngôi làng mua lại, sửa sang và biến nó thành thư viện xinh xắn có quy mô nhỏ nhất xứ sương mù và rất hữu ích cho người địa phương.
Xem thêm: mth.99353659091101202-91-divoc-meihgn-tex-meid-hnaht-iaoht-neid-tob/nv.ertiout