Báo cáo mới đây của các chuyên gia an ninh Mỹ được đăng trên tạp chí đánh giá tên lửa siêu thanh không mang lại lợi thế đáng kể so với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICMB) về tốc độ hoặc khả năng tàng hình, tờ South China Morning Post ngày 19-1 đưa tin.
Báo cáo – do chuyên gia bảo mật Cameron Tracy từ Hiệp hội khoa học Union of Concerned Scientists của Mỹ (UCS) và chuyên gia kiểm soát vũ khí David Wright từ Viện Công nghệ Massachusetts thực hiện – cho biết tốc độ của tên lửa siêu thanh đã được đánh giá quá cao và các hệ thống cảnh báo sớm có khả năng phát hiện các tên lửa này.
Mỹ, Trung Quốc và Nga đều đang khám phá tiềm năng của tên lửa siêu thanh so với ICMB trong việc giảm thời gian di chuyển của tên lửa. Tên lửa siêu thanh có thể thay đổi quỹ đạo bay, cũng như có trần bay thấp hơn so với ICMB.
Tuy nhiên, mô hình tính toán cho thấy tên lửa siêu thanh sử dụng hệ thống tăng-lướt có tốc độ bay nhanh hơn trong phạm vi nhỏ, song lại bay chậm hơn so với ICMB trong phạm vi lớn do lực cản không khí.
Mô hình so sánh khả năng hoạt động của tên lửa siêu thanh so với ICMB. Ảnh: SCIENCE & GLOBAL SECURITY / SCMP
Mặc dù có một số lợi thế về khả năng cơ động, vũ khí siêu thanh vẫn tồn tại những hạn chế cơ bản về vật lý do bay trong khí quyển ở độ cao thấp.
Theo báo cáo, tuy có thể tránh được sự phát hiện của radar, song các tên lửa siêu thanh vẫn có thể bị các cảm biến hồng ngoại phát hiện.
“Việc lướt siêu âm trong bầu khí quyển tạo ra lượng nhiệt lớn lên các tên lửa và không khí xung quanh, tạo ra lượng hồng ngoại mà khi cường độ đủ lớn, các cảm biến có thể phát hiện ra. Các hệ thống cảnh báo sớm trên không gian vẫn có thể phát hiện tên lửa siêu thanh” – tạp chí cho biết.
“Tóm lại, tên lửa siêu thanh chậm hơn tên lửa đạn đạo trên phạm vi liên lục địa. Các tuyên bố rằng sự ra đời của vũ khí siêu thanh sẽ làm giảm thời gian cần thiết để phóng đầu đạn, ví dụ giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc, là sai" – bài báo kết luận, thêm rằng những kết quả trên cho thấy hiệu suất và ý nghĩa chiến lược của vũ khí siêu thanh có thể được so sánh với các công nghệ tên lửa đạn đạo đã có hiện nay.
Các phương tiện lướt siêu vượt thanh, có thể di chuyển với tốc độ gấp năm lần tốc độ âm thanh, được giới phân tích quốc phòng xem là một "yếu tố thay đổi cuộc chơi".
Mỹ, Trung Quốc và Nga đang chạy đua phát triển vũ khí siêu thanh và đều có kế hoạch riêng trong việc triển khai một loạt các hệ thống siêu thanh trong những thập niên tới.
Phương tiện lướt siêu vượt âm Avangard của Nga có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân và lắp trên đỉnh tên lửa đạn đạo liên lục địa UR-100N (SS-19). Trung Quốc cũng đã phát triển các phương tiện lướt siêu âm là tên lửa DF-ZF hoặc DF-17 và đã tiến hành thử nghiệm ít nhất chín lần kể từ năm 2014.
Khác với Nga và Trung Quốc, Mỹ không phát triển các phương tiện lướt siêu thanh để sử dụng với đầu đạn hạt nhân. Đề xuất ngân sách 2021 của Lầu Năm Góc sẽ đầu tư 3,2 tỉ USD cho việc phát triển tên lửa siêu âm, tăng 23% so với năm 2020, bao gồm 206,8 triệu USD cho các chương trình phòng thủ siêu thanh.