Ba thách thức lớn là hội nhập toàn cầu, biến đổi khí hậu và quy mô sản xuất buộc nền nông nghiệp phải tái cơ cấu mạnh mẽ.
3 thách thức lớn phải vượt qua trong năm 2021
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường, trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp liên tục đạt trung bình từ 2,8-3%/năm. Hàng năm, Việt Nam sản xuất được khoảng gần 50 triệu tấn lương thực; 5,8 triệu tấn thịt; 8 triệu tấn thủy sản; gần 20 triệu mét khối (m3) gỗ rừng trồng và giá trị lớn về cây công nghiệp.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ rõ: Trong bối cảnh hiện nay, nông nghiệp, nông dân và nông thôn đang và sẽ phải đối mặt với 3 thách thức rất lớn, trong đó thách thức đầu tiên mang yếu tố chủ quan là nền nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn đang sản xuất ở quy mô hộ nhỏ lẻ.
“Đây là nút thắt, nếu càng hội nhập sâu rộng thì sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ càng khó cạnh tranh” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Cũng theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thách thức thứ hai là tác động của biến đổi khí hậu, khi Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu tổn thương lớn nhất của biến đổi khí hậu, xảy ra trên cả 7 vùng kinh tế xã hội. Thách thức thứ ba là chúng ta đang trong quá hội nhập sâu vào kinh tế thế giới với nền tảng cơ bản là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như đã nói ở trên.
Lối đi nào để vượt qua thách thức?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện nay, Việt Nam đã tham gia 13 FTA với tất cả các thị trường lớn trên thế giới. Chỉ tính riêng năm 2020, đã có nhiều FTA được ký kết hoặc đi vào thực thi.
“Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, giúp nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu vào EU được hưởng ưu đãi lớn về thuế. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết, mở ra cục diện tích cực vì thị trường được mở ra, thuế quan được ưu đãi, hiệu quả kinh tế cao hơn khi chúng ta đứng trước cơ hội mở rộng thị trường; dòng chảy đầu tư, công nghệ, trao đổi hợp tác cũng được nâng lên” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ, đồng thời nhấn mạnh:
Cái gì cũng có hai mặt của nó, tham gia các FTA cũng có nghĩa chúng ta phải cạnh tranh với hàng hóa của nước bạn, chấp nhận cuộc chơi khốc liệt, nếu như hàng rào thuế quan được gỡ bỏ thì sẽ có những hàng rào kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan được dựng lên, thậm chí một số nước tiến tới con đường bảo hộ mậu dịch. Trong khi đó, trình độ phát triển logistics, trình độ quản trị của chúng ta chưa hoàn thiện, đây là những thách thức lớn chúng ta phải đối mặt.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để vượt qua thách thức, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp...
Trong đó, tập trung nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng và phục vụ xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, thông minh, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp theo chuỗi.
"Phải nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ. Phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ.
Theo đó, cần đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu,... Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành, trong đó chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Xem thêm: odl.103278-1202-man-gnort-auq-touv-iahp-peihgn-gnon-hnagn-nol-cuht-hcaht-ab/et-hnik/nv.gnodoal