Ai sai bao nhiêu lần cũng phải chịu phạt. Và sau phạt sẽ là những kinh nghiệm tốt và thói quen lái xe cẩn trọng, văn minh hơn. Tuổi Trẻ trích ý kiến bạn đọc xung quanh chuyện này.
* Anh Lê Khả Hùng (hội trưởng Hội container Cát Lái):
Nhắc nhau đi đúng luật
Việc phạt nguội các vi phạm giao thông như chạy quá tốc độ, dừng đỗ sai quy định... bắt đầu phát huy hiệu quả trong chấn chỉnh hành vi, ý thức của người lái xe.
Trước đây, không ít tài xế đường dài rỉ tai nhau cách né chốt cảnh sát giao thông. Giờ đây, hình ảnh vi phạm được ghi hình, lưu trữ; tài xế có sai phải chịu phạt, không chối cãi được.
Với kinh nghiệm lái xe và quản lý đội ngũ tài xế, tôi cho rằng phạt nguội rất cần thiết và thậm chí cần mở rộng mạng lưới camera giám sát, ghi hình phạt nguội ở nhiều khu vực hơn nữa. Không ít tài xế "dính" phạt nguội vì chạy quá tốc độ, có người 2-3 lần vi phạm lỗi này trong một chuyến.
Thông tin vi phạm được gửi về nơi cư trú, chủ xe hoặc doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ mới có thể đăng kiểm xe (cho lần đăng kiểm tiếp theo). Tài xế chạy cho doanh nghiệp còn có thể bị phạt "treo tài" một thời gian.
Một người bị phạt tiền, giam bằng lái mấy tháng, nhiều người nhìn vào đó và chạy xe cẩn thận hơn. Nhờ chế tài mạnh tay như vậy, sự thật là hầu hết tài xế chấp hành luật tốt hơn.
Ở mạng xã hội, cánh tài xế chủ động rủ nhau đi lắp thêm ứng dụng cảnh báo vi phạm giao thông. Khi đã cài thêm ứng dụng này, xe đi đến đoạn cấm vượt, cần giảm tốc thì thiết bị trên xe tự động phát cảnh báo "đã đến đoạn đường cấm vượt", "tốc độ quy định 60km/h, đề nghị giảm tốc độ"...
Các đoạn thông tin cảnh báo phát đi phát lại giúp tài xế chú ý tuân thủ luật lệ hơn, chạy xe an toàn hơn.
Dù vậy, phạt nguội hiện nay còn tồn tại một số điểm hạn chế mà nếu khắc phục được thì hiệu quả đem lại càng cao, an toàn giao thông tốt hơn. Hệ thống camera chưa phủ khắp, chỗ có chỗ không, nên xe quá tải, chạy quá tốc độ vẫn "né" được. Cơ quan chức năng cần bổ sung, nâng cấp hệ thống "mắt thần" sớm phủ kín để giám sát, quản lý giao thông mọi lúc mọi nơi.
Dữ liệu phạt nguội gửi về các địa phương còn chậm dẫn tới bất cập trong quá trình đóng phạt, đăng kiểm. Một số trường hợp xe doanh nghiệp vi phạm mà cả năm sau mới cập nhật thông tin về địa phương. Khi chủ doanh nghiệp nhận được thông tin thì tài xế lúc đó đã nghỉ, xe đã bán...
Theo tôi, chúng ta có thể áp dụng gửi thông tin ngay sau 7-10 ngày vi phạm, kèm theo gửi trực tiếp vào email và số điện thoại người vi phạm, chủ xe để tiện theo dõi, xử lý.
* TS Khương Kim Tạo (nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia):
Camera phạt nguội giúp nâng cao ý thức tài xế
Có ba nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn là hạ tầng, tổ chức giao thông phương tiện và người cầm lái. Trong đó, nguyên nhân do người lái chiếm đại đa số. Có những đoạn đường phân kỳ đầu tư, quy mô chưa hoàn thiện dễ khiến tạo cảm giác "không thoải mái" cho người lái xe. Tuy nhiên, tài xế không thể vì thế mà lấy đây làm lý do biện minh cho vi phạm.
Cần tách bạch rõ giữa bất cập hạ tầng và ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tài xế cũng phải chấp hành các quy định và cảnh báo. Để nâng cao ý thức người lái xe, tất cả tuyến đường cao tốc khi xây dựng cần coi hệ thống camera giám sát là một hợp phần bắt buộc.
Khi vi phạm được xử lý triệt để ngay cả khi không có cảnh sát, ý thức người cầm lái mới được nâng lên. Việc áp dụng phạt nguội nên triển khai thêm trên các tuyến đường, không chỉ riêng đường cao tốc.
* Anh N.T.T. (tài xế ở Bình Thuận):
Lái mới nên không chú ý biển báo
Thời gian đầu chạy xe, tôi cũng thường mắc các lỗi vi phạm giao thông trên quốc lộ 1 và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuyến quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận, nếu tài xế "non tay" rất dễ bị dính phạt nguội với các lỗi quá tốc độ, lấn làn... Đoạn này có nhiều camera phạt nguội. Các tài xế "mới" đi qua đây lạ đường rất dễ bị dính lỗi vì không chú ý quan sát biển báo cảnh báo tốc độ thay đổi liên tục.
Tôi chạy dịch vụ lâu năm vẫn phải tập trung chú ý chạy cho đúng. Tết Giáp Thìn vừa rồi, người quen của tôi lái ô tô mới mua từ TP.HCM về quê Bình Thuận ăn Tết bị phạt vi phạm tốc độ trên quốc lộ 1. Những tay lái mới sẽ chú ý biển báo hơn, có kinh nghiệm hơn, tuân thủ quy định Luật Giao thông đường bộ hơn sau một vài lần dính phạt.
* Anh Nguyễn Văn Trường (người dân TP Thủ Đức, TP.HCM):
Ủng hộ phạt nguội từ A tới Z
Hình thức phạt nguội giao thông đã thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Hiệu quả nâng cao ý thức, giảm vi phạm giao thông cũng rất rõ ràng. Phạt nguội là cách hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn, lái xe văn minh.
Tôi cũng từng bị phạt nguội và sau đó không dám chạy quá tốc độ nữa. Tôi kiến nghị cơ quan chức năng nên tăng cường ứng dụng công nghệ để góp phần giảm thời gian thủ tục. Cần gửi thông báo vi phạm nhanh hơn, người vi phạm có thể đóng phạt online mọi lúc mọi nơi, qua tài khoản ngân hàng...
* Anh Nguyễn Văn Hưng (tài xế tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai):
Có "mắt thần", hành trình an toàn hơn
Gần 6 năm chở khách, tôi luôn ám ảnh về việc xe khác vượt ẩu, lấn hết sang làn đường ngược chiều. Tình trạng này diễn ra phổ biến trên đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai, do đường chỉ có 2 làn xe cho 2 chiều và không có dải phân cách cứng. Tài xế lái xe qua đây rất căng thẳng, đặc biệt là ban đêm. Từ khi có hệ thống 110 camera giám sát (khoảng năm 2021), tình trạng chạy quá tốc độ và lấn sang làn ngược chiều để vượt đã giảm.
Trung bình vài km có một camera, anh em tài xế chẳng may vi phạm bị giữ bằng là coi như thất nghiệp", nam tài xế chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Sau khi đăng bài: Từ TP.HCM ra Bình Thuận đóng phạt nguội, chạy qua chạy lại cuối cùng 'bó tay' , Tuổi Trẻ Online đã nhận được hàng trăm phản hồi từ bạn đọc về những rắc rối mà người dân gặp phải.