Sau một ngày xét xử, ngày 19/1, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đã nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án đối với 14 bị cáo trong vụ án giả danh thiếu tướng tình báo quân đội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, VKS đề nghị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Hoa Hữu Long tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Cùng tội danh trên, bị cáo Cao Thị Kim Loan (vợ Long) bị đề nghị nhận mức án 20 năm tù, Hoa Bách Tùng (em trai Long) 24-30 tháng tù treo; 11 bị cáo còn lại bị đề nghị từ 30 tháng tù treo đến 20 năm tù giam.
Theo đại diện VKS, vợ chồng Hoa Hữu Long và em trai Hoa Hữu Tùng thành lập 3 công ty nhưng không kinh doanh gì. Năm 2016, Long tự xưng là thiếu tướng, thành lập cái gọi là Tập đoàn Đông Dương (tổ chức S10) thuộc Bộ Quốc phòng trên cơ sở sáp nhập 3 công ty này.
Long phong cho vợ là đại tá, phó chính ủy phụ trách tài chính; các đồng phạm khác làm thiếu tướng, đại tá, chánh văn phòng... cùng nhau phối hợp tuyên truyền, đưa ra các tài liệu không có thật về Tập đoàn Đông Dương.
Các bị cáo hứa hẹn chỉ cần nộp 60-300 triệu đồng vào Tập đoàn Đông Dương, người lao động sẽ được nhận vào làm việc. Tùy theo số tiền nộp và độ tuổi, họ sẽ được phong cấp bậc tương ứng. Từ cuối năm 2016 đến đầu 2018, vợ chồng Long và đồng phạm đã lừa 950 người nộp tiền xin việc, chiếm đoạt 83,5 tỷ đồng.
Bộ Quốc phòng khẳng định, Tập đoàn Đông Dương (S10) không có thật. Các bị cáo trong vụ cũng không phải sĩ quan quân đội. Giám định thể hiện các văn bản liên quan lực lượng quân đội, không do cơ quan thẩm quyền ban hành, được làm giả bằng cách in màu kỹ thuật số.
Ngoài việc thu tiền của các nhân sự, vợ chồng Long còn thu của Mạc Phúc Hải gần 16 tỷ đồng để thực hiện các dự án kinh tế không có thật. Tổng số tiền Long và Loan đã chiếm đoạt là hơn 99 tỷ đồng. Đến nay, vợ chồng Hoa Hữu Long mới khắc phục được 4,2 tỷ đồng, còn lại chiếm đoạt gần 95 tỷ đồng.
Theo VKS, hành vi phạm tội của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của quân đội nhân dân, đưa thông tin không có thật để chiếm đoạt tiền của người dân.
VKS ghi nhận, tại tòa, một số bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi. Tuy nhiên, tại phần thẩm vấn trước đó, bị cáo Long một mực khẳng định là "đặc vụ" từ năm 2000, hoạt động ngoại tuyến nên không có thông tin công khai, chỉ có thẻ chứng nhận nhưng đã làm mất.
Long không thừa nhận tội bị cáo buộc, nói làm theo "mệnh lệnh của cấp trên là Trần Đức, mật danh T1". Đức là người đưa các quyết định phong tướng và bổ nhiệm cho Long, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Tập đoàn Đông Dương.
Long nói hoàn toàn tin tưởng T1. "Toàn bộ 84 tỷ đồng đều được chuyển cho T1, bị cáo không được một đồng nào" - Long khai song không thể chứng minh lai lịch của T1.
Thừa nhận có sai phạm nhưng bị cáo Long lại cho rằng bản thân không lừa đảo.
Viện Kiểm sát xác định, bị cáo Long giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tiến Nguyên