Viện KSND tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 28 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty Bình Dương).
Cựu Bí thư Trần Văn Nam và 27 đồng phạm sẽ hầu toà tại Hà Nội Ngọc Thắng |
Đây là đại án kinh tế, tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực theo dõi, chỉ đạo bởi số tiền nhà nước thất thoát là "đặc biệt lớn”, có 13/28 bị cáo là quan chức Tỉnh uỷ, UBND và các sở, ngành tỉnh Bình Dương, trong đó có 3 người từng giữ các chức vụ cao nhất, gồm: ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Phạm Văn Cành, cựu Phó Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương.
Phạm tội một nơi xử một nơi
Đáng chú ý, Viện KSND tối cao đã truy tố các bị cáo tại TAND TP.Hà Nội, đồng thời ủy quyền cho Viện KSND TP.Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm; TAND TP.Hà Nội quyết định về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng.
Điều khiến dư luận băn khoăn, đặt nhiều câu hỏi là vì sao hành vi phạm tội của các bị cáo xảy ra tại Bình Dương nhưng lại xét xử tại TAND TP.Hà Nội; phải chăng do nhiều bị cáo là quan chức cao nhất của tỉnh Bình Dương nên việc xét xử tại đây không đảm bảo khách quan?; việc chuyển nơi xét xử là căn cứ vào quy định nào?
Những băn khoăn này đã được Thanh Niên đặt vấn đề với lãnh đạo TAND TP.Hà Nội nhưng vị này cho biết do chưa có lịch xét xử chính thức nên chưa nói được điều gì. Trong khi đó, một lãnh đạo cấp vụ có trách nhiệm của Viện KSND tối cao đã lập tức từ chối khi phóng viên vừa đặt vấn đề mà không nêu rõ lý do.
Phù hợp quy định pháp luật
Từ góc độ phân tích, dẫn chiếu các quy định pháp luật hiện hành, luật sư Phan Trung Hoài, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - người từng tham gia nhiều đại án kinh tế tham nhũng, cho biết thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ là việc phân định quyền xử lý vụ án giữa các tòa án với nhau dựa vào dấu hiệu về địa điểm thực hiện tội phạm hoặc địa điểm thực hiện hành vi tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, nơi cư trú của người phạm tội hoặc địa điểm khác do pháp luật quy định.
Theo quy định tại điều 269 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là tòa án nơi tội phạm được thực hiện vì tại nơi đó có lưu lại những dấu vết, vật chứng, có người làm chứng và người dân cung cấp thông tin về tội phạm nên việc xét xử sẽ diễn ra thuận lợi, có tác dụng răn đe, phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm ở chính địa phương đó.
Đối với các tội phạm kéo dài hoặc tội phạm liên tục, khi hành vi phạm tội được thực hiện trong những khoảng thời gian khác nhau và tại những địa điểm khác nhau thì nơi thực hiện tội phạm được xác định là nơi kết thúc hành vi phạm tội. Trong trường hợp không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì tòa án có thẩm quyền xét vụ án là tòa án nơi kết thúc việc điều tra đối với tội phạm đó.
Nếu các vụ án về từng lần phạm tội hoặc về từng tội phạm không được nhập thành một vụ án thì sẽ xảy ra trường hợp nhiều tòa án có thẩm quyền xét xử. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, có nhiều vụ án do Cơ quan điều tra Bộ Công an thụ lý, Viện KSND tối cao ra cáo trạng, nơi xảy ra hành vi phạm tội tại một địa phương, nhưng có liên đới đến nhiều bị cáo, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương khác. Trong trường hợp này, Viện KSND tối cao có thể ủy quyền cho Viện KSND địa phương cụ thể thực hành quyền công tố và do đó, TAND địa phương cùng cấp thụ lý xét xử sơ thẩm.
Ngoài ra, trong hoạt động tố tụng hình sự có những trường hợp rất khó để xác định thẩm quyền giải quyết một vụ án hình sự dẫn đến tranh chấp thẩm quyền xét xử hoặc sự đùn đẩy trách nhiệm xét xử giữa các tòa án. Nếu có tranh chấp về thẩm quyền xét xử, theo quy định tại điều 275 bộ luật Tố tụng hình sự 2015, việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử sẽ do Chánh án TAND tối cao quyết định. Việc chuyển vụ án để xét xử theo thẩm quyền được thực hiện theo quy định tại điều 274 của bộ luật này.
“Đối chiếu với các quy định nêu trên, việc Viện KSND tối cao ủy quyền cho Viện KSND TP.Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TP.Hà Nội là phù hợp với quy định của pháp luật. Thực tiễn xét xử thời gian qua đã cho thấy vụ án Phan Văn Anh Vũ xảy ra tại TP.Đà Nẵng, hoặc vụ án liên quan Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho các cơ quan tố tụng T.Ư thụ lý, cũng được xét xử sơ thẩm tại Hà Nội”, luật sư Phan Trung Hoài nói.
Cũng theo cáo trạng vụ án, hầu hết các bị cáo trong vụ án này đều đang bị tạm giam tại khu vực Hà Nội và nhiều tỉnh phía bắc. Nếu xét xử tại TAND tỉnh Bình Dương, phải đưa các bị cáo đi lại với chi phí rất lớn, chưa kể các phương án đảm bảo về an ninh.
Luật sư Phan Trung Hoài cũng cho rằng, việc xét xử các bị cáo tại TAND TP.Hà Nội chỉ phát sinh một số vướng mắc khi triệu tập các nhân chứng, người và các cơ quan liên quan, thân nhân của bị cáo được tòa án triệu tập đang cư ngụ, tọa lạc trụ sở tại tỉnh Bình Dương…, cũng như phát sinh chi phí đi lại, ăn ở tốn kém của các chủ thể tham gia tố tụng nếu phiên tòa kéo dài nhiều ngày.
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương - doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước do Tỉnh ủy Bình Dương làm chủ sở hữu, có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Bị cáo này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thao túng hoạt động của HĐTV Tổng công ty Bình Dương theo mục đích cá nhân, với động cơ vụ lợi. Hành vi của bị cáo Minh nhận được sự tiếp tay của nhiều quan chức tỉnh Bình Dương trong đó có việc hợp thức hoá các sai phạm, gây thất thoát số tiền gần 6.600 tỉ đồng. Các khoản thất thoát bao gồm: áp dụng đơn giá thu tiền sử dụng đất trái quy định tại khu đất 43 ha và 145 ha tại TP.Thủ Dầu Một gây thất thoát 761 tỉ đồng; việc chuyển nhượng trái quy định khu đất 43 ha sang các doanh nghiệp sân sau của ông Nguyễn Văn Minh rồi chuyển nhượng cho tư nhân gây thất thoát số tiền 984 tỉ đồng; việc không xác định giá trị quyền sử dụng đất tại khu đất 145 ha khi cổ phần hoá Tổng công ty Bình Dương gây thất thoát số tiền 4.030 tỉ đồng; hành vi tham ô tài sản của ông Nguyễn Văn Minh và đồng phạm chiếm đoạt hơn 800 tỉ đồng. |