vĐồng tin tức tài chính 365

Thách thức kinh tế chờ đón Joe Biden

2021-01-20 00:40

Hàng triệu người Mỹ đang thất nghiệp, doanh nghiệp nhỏ chật vật tồn tại, nạn thiếu lương thực tràn lan và người dân trên khắp nước Mỹ lo sợ bị đuổi khỏi nhà. Tình cảnh này gần như lặp lại chính xác 12 năm trước, khi Biden là Phó tổng thống đắc cử của Mỹ và chuẩn bị nhậm chức. "Tôi vẫn còn nhớ sự kinh hoàng đó", Cecilia Rouse - cố vấn kinh tế dưới thời Obama cho biết. Bà cũng vừa được Biden chọn là người đứng đầu Hội đồng Cố vấn kinh tế của chính quyền mới.

Tuần trước, Joe Biden đề xuất gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD. Đây là một phần kế hoạch tham vọng mang tính lịch sử của ông để đối phó khủng hoảng kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học và lãnh đạo doanh nghiệp cũng đồng ý rằng không sự hỗ trợ nào của chính phủ với người dân và doanh nghiệp nhỏ có thể khôi phục được nền kinh tế cho đến khi nguyên nhân gốc rễ là Covid-19 được xử lý triệt để. Sự kết hợp của gói 900 tỷ USD đã thông qua tháng trước và gói mới này nhiều nhất cũng chỉ có thể giúp nền kinh tế tiếp tục cầm cự trong thời gian chờ đại dịch được kiểm soát.

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden. Ảnh: New York Times

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden. Ảnh: New York Times

"Đây là gói rất lớn. Nhưng chỉ giúp được nền kinh tế duy trì tình trạng hiện tại cho đến khi Covid-19 biến mất", Mark Zandi - kinh tế trưởng tại Moody's Analytics cho biết.

Zandi và các nhà kinh tế học khác tin rằng GDP sẽ tăng vọt nếu gói kích thích của ông được chấp thuận ngay khi nhậm chức. Tuy nhiên, tăng trưởng việc làm sẽ im ắng hơn nhiều.

Kinh tế Mỹ từng mất 22 triệu việc làm trong tháng 3 và 4, rồi chốt năm với 140.000 công việc biến mất. Kể cả khi 12,5 triệu việc đã được tái sinh trong khoảng thời gian đó, số việc làm tại Mỹ hiện vẫn kém 10 triệu so với tiền đại dịch. Moody’s dự báo số việc làm này sẽ không thể phục hồi hoàn toàn cho đến năm 2022, kể cả khi Biden được chấp thuận toàn bộ gói 1.900 tỷ USD.

"Chúng ta đã kéo tăng trưởng GDP lên khá nhiều rồi, nhưng sẽ phải mất 18 - 24 tháng để đưa toàn bộ việc làm quay lại", Zandi nói, "Rất nhiều người không thể quay lại làm việc cho đến khi đại dịch bị bỏ lại phía sau".

Và thật không may, thông điệp của các chuyên gia y tế rất rõ ràng: Đại dịch sẽ phải tệ hơn nữa rồi mới cải thiện. Số ca nhiễm và tử vong mới tại Mỹ đang ở gần mức kỷ lục. Việc này có thể khiến nhiều địa phương tái áp đặt phong tỏa và các doanh nghiệp đóng cửa trở lại, đặc biệt nếu Mỹ đối mặt với các biến chủng lây lan nhanh hơn. Vaccine giờ đã được phổ cập, nhưng giới chuyên gia không kỳ vọng vaccine tiếp cận đủ số người cần thiết để giúp phần lớn nước Mỹ quay về cuộc sống bình thường cho đến mùa hè.

Điều này cũng đồng nghĩa các hoạt động kinh tế cũng sẽ chậm quay về mức bình thường hơn, như ăn hàng hay du lịch. Nền kinh tế đã mất việc làm trong tháng 12, lần đầu tiên kể từ tháng 4, do lượng lớn người mất việc trong ngành giải trí, khách sạn, nhà hàng, quán bar. Giới chuyên gia cho rằng gói kích thích có thể giúp nhiều doanh nghiệp và cá nhân chống chịu với cơn bão, nhưng sẽ không thể bảo vệ tất cả họ tránh khỏi phá sản.

"Khi đại dịch còn tiếp diễn, bạn sẽ không thể làm được gì nhiều từ góc độ chính sách kinh tế", Andrew Hunter - nhà kinh tế học tại Capital Economics nhận định, "Mọi thứ có vẻ tươi sáng cuối năm nay, nhưng trước mắt, nó còn phụ thuộc vào quá trình tiêm vaccine để mọi thứ quay về bình thường".

Biden đã cam kết tăng tốc nỗ lực tiêm vaccine mà ông gọi là "thất bại thê thảm nhất đến nay". Tuy nhiên, hiện chưa rõ nỗ lực này sẽ thành công đến mức nào, do còn rất nhiều người phản đối việc tiêm vaccine.

"Chúng ta đang triển khai vaccine chậm hơn dự kiến. Và điều này đang thực sự gây sức ép lên dự báo về việc khi nào mọi người sẽ quay về cuộc sống tiền đại dịch", Ed Moya - nhà phân tích thị trường tại OANDA cho biết.

Sự bất ổn này sẽ gây ra vấn đề cho các doanh nghiệp, từ hãng bán lẻ đến hàng không, ngân hàng khi các công ty này lập kế hoạch. Nó cũng sẽ gây khó cho các doanh nghiệp vốn vẫn đang làm ăn tốt.

"Luật chơi thay đổi liên tục. Với người làm kinh doanh, việc này là quá sức chịu đựng", Zandi nói, "Họ không thấy con đường rõ ràng. Sự bất ổn này sẽ kìm hãm khả năng mở rộng kinh doanh và tăng trưởng. Họ sẽ không ra ngoài và tuyển dụng, vì không chắc chắn điều gì đang chờ đợi ở phía trước. Đây là cả một quá trình, chứ không như công tắc đèn - tắt bật chỉ trong một giây đâu".

Một yếu tố khác ngăn nền kinh tế hồi phục nhanh sau gói kích thích là rất nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa vĩnh viễn vì đại dịch. Điều này đồng nghĩa số việc làm bị mất vĩnh viễn cũng tăng. Số tiền Biden đề xuất hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình Mỹ và trợ cấp thất nghiệp mở rộng sẽ giúp nhiều gia đình qua được khủng hoảng. Tuy nhiên, nó sẽ không khắc phục được hết những tổn thương mà khủng hoảng gây ra cho nền kinh tế.

"Xóa sổ việc làm nhanh hơn nhiều so với tạo thêm việc mới", Joel Prakken - kinh tế trưởng tại IHS Markit cho biết, "Tôi đã thấy nhiều dự báo rằng một phần ba số việc làm đã mất sẽ không quay lại dưới dạng cũ nữa".

Số tiền Biden đề xuất chỉ thấp hơn một chút so với CARES Act - gói kích thích đầu tiên được thông qua tháng 3/2020. Tuy nhiên, Biden đã nói rõ ràng tuần trước rằng đây chỉ là bước đầu tiên của kế hoạch chi tiêu mà ông đề xuất lên Quốc hội. CARES Act có quy mô hơn gấp đôi gói 787 tỷ USD được thông qua ngay khi Tổng thống Barack Obama và Joe Biden nhậm chức năm 2009 - đỉnh điểm khủng hoảng tài chính.

CARES Act được thông qua vào thời điểm hơn 22 triệu người Mỹ mất việc và đã có tác động lớn đến nền kinh tế cũng như khả năng chi tiêu của hộ gia đình trong khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, bất chấp biến động kinh tế, số đơn phá sản cá nhân giảm 31% năm ngoái, xuống thấp nhất kể từ năm 1987.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ này dù quan trọng, cũng không thể chấm dứt khủng hoảng kinh tế. Hàng triệu người bị sa thải tạm thời đã quay lại nơi làm việc, nhưng 10,7 triệu người khác vẫn đang tìm việc. 2,2 triệu người đã từ bỏ tìm kiếm và 6,2 triệu người phải làm việc bán thời gian, dù muốn có công việc toàn thời gian. Giúp những người này quay lại công sở là điều cần rất nhiều thời gian.

Hiện chưa rõ bao nhiêu phần trăm trong số 1.900 tỷ USD mà Biden yêu cầu sẽ được Quốc hội chấp thuận. Prakken cho rằng con số cuối cùng có thể chỉ là gần 1.000 tỷ USD. Moody’s thì ước tính là 750 tỷ USD.

Dù sao, chìa khóa để nền kinh tế hồi phục có lẽ không nằm nhiều ở gói kích thích, mà ở diễn biến đại dịch và khi nào cuộc sống sẽ trở lại bình thường đối với doanh nghiệp cùng các khách hàng của họ. "Số ca tử vong có lẽ sẽ đạt đỉnh vào cuối mùa đông hoặc đầu mùa xuân", Prakken cho biết, "Có lẽ phải đến nửa cuối năm, mọi người mới thoải mái ra ngoài được".

Hà Thu (theo CNN, NYT)

Xem thêm: lmth.9223224-nedib-eoj-nod-ohc-et-hnik-cuht-hcaht/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thách thức kinh tế chờ đón Joe Biden”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools