Sức lan tỏa của chứng khoán đang tìm đến nhiều người trong xã hội khi một xe ôm công nghệ cũng đi mở tài khoản chứng khoán. Nhà đầu tư này không đại diện cho tất cả lượng nhà đầu tư cá nhân F0 mới, nhưng cũng là một lực lượng chiếm tỷ trọng không nhỏ trên thị trường.
Những người chưa biết nhiều về chứng khoán, họ đến với tâm lý "đánh là thắng" được tung hô và lan truyền nhiều tháng nay, sớm có lãi và đang say chiến thắng, nhưng trong phiên "thử lửa" ngày 19/1, nhiều người nếm lần "thua lỗ" đầu tiên và hoảng loạn.
Bảng điểm nhuộm sắc đỏ, thị trường rung lắc mạnh, thế nhưng pha điều chỉnh mạnh của thị trường không cản được hàng trăm nhà đầu tư cá nhân đến đăng ký mở tài khoản tại một công ty chứng khoán, dù có chút e dè.
"Dù thị trường chứng khoán đã tăng nhiều, nhưng mình vẫn tin sẽ phá đỉnh thêm lần nữa và có cơ hội kiếm lời", anh Phạm Gia Huy (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Tại hầu hết các công ty chứng khoán khác, lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản vẫn tăng. Cũng tại một công ty chứng khoán, lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản từ đầu năm tới nay cao hơn lượng mở mới được coi là kỷ lục tháng 12/2020 tới 20% mỗi ngày.
Các công ty chứng khoán cho rằng, bối cảnh lãi suất thấp và dư địa tăng trưởng chứng khoán vẫn còn là yếu tố hút nhà đầu tư.
Sức lan tỏa của chứng khoán đang tìm đến nhiều người trong xã hội. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
"Dư địa và tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam đang còn rất lớn vì trung bình số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường vốn của Việt Nam chỉ mới 3%, trong khi đó các nước trong khu vực như Thái Lan là hơn 30%, Đài Loan (Trung Quốc) là hơn 80%", ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Yuata Việt Nam, cho biết.
Phiên 19/1, dù VN-Index bị mất điểm mạnh, nhưng thanh khoản chung toàn thị trường đã lên tới 1,1 tỷ USD. Lượng cung cổ phiếu ra thị trường được hấp thụ khá tốt.
Theo quan sát của một số thành viên, đã có hiện tượng chốt lời của các nhà đầu tư cá nhân khi Tết đã cận kề, tuy nhiên để thị trường giảm sâu như phiên hôm nay, vai trò dẫn dắt thuộc về các nhà đầu tư lớn. Với một số nhà đầu tư, thị trường chứng khoán rơi, túi tiền cũng vơi đi không ít.
Một trong những rủi ro lớn của thị trường khi chịu áp lực giảm điểm mạnh là margin call (bán giải chấp). Theo cập nhật mới của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dư nợ margin năm 2020 đạt mức kỷ lục 80.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán hiện nay cũng vào khoảng 87.000 tỷ đồng. Theo quy định hiện nay, công ty chứng khoán không được cho vay quá 2 lần vốn chủ, do đó margin tổng trên thị trường chưa đến gần một lần vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán, do đó vẫn chưa bị "căng".
Các chuyên gia cho rằng, trong phiên 19/1, việc nhiều tài khoản từ lãi thành lỗ, cháy tài khoản, bị margin call có lẽ đang nặng về việc phân bổ danh mục của các nhà đầu tư mới tham gia thị trường.
Tâm lý đầu cơ đang tạo rủi ro cho nhiều nhà đầu tư
Theo các chuyên gia, thời gian qua, tư vấn đầu tư cho các nhà đầu tư mới không đơn giản, thậm chí còn bị tư vấn ngược.
Thống kê từ chứng khoán Tân Việt, trong vòng 1 năm qua, cổ phiếu vừa và nhỏ có mức tăng trung bình 40 - 50%, gần gấp đôi của nhóm vốn hóa lớn cũng như VN-Index cho thấy dòng tiền lớn đổ vào cổ phiếu nhỏ, thậm chí là cổ phiếu "rau dưa trà đá" không có giá trị.
Dư địa và tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam đang còn rất lớn. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
"Những cổ phiếu vừa và nhỏ đã tăng quá đà trong giai đoạn vừa qua và sẽ gặp rủi ro hơn trong giai đoạn sắp tới. Dòng tiền ban đầu của các nhà đầu tư cá nhân có thể sẽ dịch dần sang các cổ phiếu vốn hóa lớn, có mức độ an toàn cao hơn", ông Lê Ngọc Nam, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, cho hay.
Theo các chuyên gia, cổ phiếu nhỏ, "lướt sóng" chỉ nên chiếm 10 - 15% danh mục đầu tư, các mã này tuy rất dễ tăng trần trắng bên bán, nhưng cũng rất dễ giảm sàn trắng bên mua, nếu để tỷ lệ quá lớn kèm với margin, khả năng danh mục bị "vỡ trận" là rất cao.
Trả lời câu hỏi thị trường có đang bị tăng quá "nóng" không, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng: "Ở Mỹ, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp mà thị trường chứng khoán còn lập đỉnh mọi thời đại, các quốc gia khác quanh ta cũng vậy. Các nước không có độ phục hồi và chống chịu tốt như Việt Nam, nhưng P/E đang cao hơn Việt Nam".
VTV.vn - VTV.vn - Sáng nay (19/1), chứng khoán trong nước đã có một phiên giảm cực mạnh, nhiều nhóm cổ phiếu chìm sâu trong sắc đỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.87252741002101202-naohk-iat-om-ta-o-nav-ut-uad-ahn-hnam-cal-gnur-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.vtv