Đến thời điểm hiện tại, vaccine ngừa COVID-19 đã được phân phối 40 triệu liều trên toàn thế giới và nhu cầu ở mỗi quốc gia đối với vaccine cũng rất cao.
Nhiều email chào hàng, hay quảng cáo spam thậm chí còn chào bán vaccine nhái dán nhãn Pfizer hay Moderna, với giá lên tới hơn 1.500 USD. Quy mô của những chiêu trò lừa đảo này không chỉ dừng ở đó. Mới đây, Bộ An ninh nội địa Mỹ đã triệt phá một website giả mạo hãng dược Moderna, vừa quảng cáo vaccine COVID-19 giả, vừa lây lan phần mềm độc hại.
"Bộ An ninh nội địa Mỹ đã điều tra 68.000 website có dấu hiệu khả nghi liên quan tới những chiêu trò lừa đảo về COVID-19", ông Steve Francis, Bộ An ninh nội địa Mỹ, cho biết.
Thị trường vaccine giả mạo mang lại những sự nguy hại khôn lường. (Ảnh minh họa: DW)
Pfizer chưa có bình luận gì, nhưng Moderna khẳng định họ mới chỉ bán vaccine cho các chính phủ, đi kèm với đó là các chỉ dẫn và sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia y tế. Điều đó có nghĩa là vaccine bán trôi nổi trên mạng cho các cá nhân người tiêu dùng riêng lẻ nhiều khả năng là đồ giả.
Hiện 40 triệu liều vaccine được phân phối trên toàn cầu, thế nhưng tới 90% số vaccine đó lại quy tụ ở vỏn vẹn 10 quốc gia. Vì vậy, người dân tại nhiều nước cảm thấy nôn nóng.
Đánh vào tâm lý của người dân, số lượng trang web về vaccine COVID-19 đã tăng vọt kể từ tháng 11/2020. Nhiều người đã nhận được những đường link dẫn tới những trang web chợ đen này trong email hay hòm thư spam hay các ứng dụng.
Tinh vi hơn, khi nhắn tin hỏi các những người bán ẩn danh này về việc mua vaccine, người mua sẽ nhận được câu trả lời: "Chỉ cần trả 0,01 Bitcoin, tức gần 400 USD, là có liều vaccine đủ dùng cho 1 người". Nhiều người cả tin đã trả tiền, nhưng không bao giờ nhận được sản phẩm. Tuy nhiên vẫn có thể coi đó là một sự may mắn, vì nếu thực sự loại vaccine giả mạo đó hạ cánh xuống cửa nhà bạn, thì rủi ro tiếp theo không còn nằm ở túi tiền nữa mà chính là sức khỏe.
Cụ bà Margaret Keenan (90 tuổi) là người Anh đầu tiên được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức). (Ảnh: AP)
"Những người điều chế vaccine giả không hề có kiến thức về dịch tễ, về quá trình điều chế vaccine an toàn và hiệu quả. Họ có thể trộn nước hoặc chất lỏng nào đó nhìn na ná vaccine và dán một cái nhãn của một hãng dược nào đó lên", ông Mansoor Amiji, Giáo sư khoa học dược, trường Đại học North Eastern, nhận định.
Thậm chí, với vaccine của Pfizer, nhiệt độ cần thiết để bảo quản là -70oC, nhưng nhiều người bán để dụ khách mua đã nói rằng chỉ cần bảo quản ở -10oC trong ngăn đá tủ lạnh là được.
Thị trường vaccine giả mạo mang lại những sự nguy hại khôn lường, khi người dân nhiều nước cũng vẫn đang chưa hoàn toàn tự tin với quy trình tiêm phòng, hoặc những ai đã được tiêm lại mang tâm lý chủ quan, khiến họ dễ bị phơi nhiễm hơn trước.
VTV.vn - Mặc dù một số quốc gia có thu nhập trung bình đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine, nhưng phải mất nhiều năm nữa mới có thể tiêm chủng rộng rãi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.85220701002101202-aig-91-divoc-eniccav-nab-aum-oad-aul-oab-hnac/et-hnik/nv.vtv