vĐồng tin tức tài chính 365

Ký hợp đồng trong nước, phải ra nước ngoài kiện

2021-01-20 06:52

TAND TP.HCM đang thụ lý kháng cáo của ông Nguyễn Hoàng Trang liên quan đến việc TAND quận 1 không thụ lý giải quyết vụ ông kiện Công ty Resorts International Vietnam (viết tắt là RI VN, có trụ sở tại tòa nhà Saigon Center quận 1) tranh chấp hợp đồng dịch vụ du lịch. Trước đó, ông Trang nộp đơn khởi kiện tại TAND quận 1 nhưng bị tòa này đình chỉ giải quyết, trả lại hồ sơ.

Ký hợp đồng trong nước, phải ra nước ngoài kiện - ảnh 1
 

Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ

Ông Trang trình bày ngày 9-8-2019, vợ chồng ông ký hợp đồng với Công ty RI VN để mua dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ tại buổi hội thảo do công ty này tổ chức. Người đại diện công ty giới thiệu đây là công ty con của Công ty Resorts International Mỹ, thành lập từ năm 1960, có trụ sở tại Atlanta và Tổng thống Mỹ Donald Trump từng làm tổng giám đốc của tập đoàn.

“Sau đó chúng tôi có tìm hiểu thì được biết điều này không đúng sự thật. Chúng tôi đã ký hợp đồng trong điều kiện không được đọc kỹ những điều khoản liên quan đến quyền lợi của khách hàng vì hợp đồng được in sẵn và khách hàng thường ký ngay” - ông Trang viết trong đơn kiện.

Theo ông Trang, ông có đề nghị để đem hợp đồng về xem, sau đó sẽ ký nhưng nhân viên công ty không đồng ý và cho rằng hợp đồng chỉ mang tính hình thức, nội dung thì đã trình bày rõ tại hội thảo và phải ký ngay trong ngày.

Theo hợp đồng, công ty cung cấp dịch vụ khách sạn du lịch cho kỳ nghỉ hằng năm của gia đình ông Trang hạng Platinum gồm 2-6 người trong thời gian tám ngày bảy đêm tại khách sạn hoặc resort hạng 4-5 sao trong nước hoặc nước ngoài với chi phí 20% trên giá trị thực tế trong thời gian 20 năm. Tổng giá trị hợp đồng là hơn 251 triệu đồng, gia đình ông Trang đã đặt cọc hơn 125,6 triệu đồng.

Ngày 27-8-2019, gia đình ông liên hệ đặt chuyến nghỉ dưỡng từ ngày 8 đến 11-11-2019 tại khách sạn Alana - Nha Trang nằm trong danh sách công ty cung cấp theo hợp đồng nhưng bị từ chối. Lý do do là ông chỉ có thể bắt đầu thực hiện hợp đồng sau khi đã sử dụng voucher tặng đi Phan Thiết. Ông Trang cho rằng đây là điều bất hợp lý vì chuyến đi Phan Thiết mang tính khuyến mãi, tặng cho những ai tham dự hội nghị chứ không phải là điều khoản ràng buộc trong hợp đồng.

Sau chuyến đi Phan Thiết, ngày 8-10-2019, ông Trang tiếp tục yêu cầu đặt chuyến đi Nha Trang như trước. Hai ngày sau, phía công ty đặt khách sạn cho gia đình ông từ ngày 6 đến 9-12-2019. Công ty còn đặt danh sách ba khách sạn khác không có Alana như yêu cầu của ông Trang mà không hề có thông báo hay thỏa thuận lại với ông.

Sau đó ông Trang muốn hủy hợp đồng nhưng không được nên khởi kiện. Ông yêu cầu tòa tuyên hủy hợp đồng và công ty phải trả lại tiền cọc.

Phải sang Singapore kiện?

Sau thời gian thụ lý, TAND quận 1 ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ kiện. Lý do tại điều 11 của hợp đồng quy định: “Khi có bất kỳ tranh chấp nào phát sinh, các bên cam kết như sau: Bước 1 thiện chí giải quyết trên tinh thần thương lượng hòa giải. Bước 2 trong vòng 60 ngày kể từ ngày các bên thương lượng hòa giải không thành thì một trong các bên có thể đưa vụ việc ra Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) để giải quyết”.

Theo TAND quận 1, khi ký kết hợp đồng hai bên đã thỏa thuận khi có tranh chấp xảy ra sẽ được giải quyết bằng trọng tài. Do đó, tòa đình chỉ giải quyết vụ án do không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Ông Trang kháng cáo quyết định đình chỉ vì tòa chưa xem xét quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Cụ thể, khoản 1 Điều 38 (về hiệu lực của điều khoản trọng tài) quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải thông báo về điều khoản trọng tài trước khi giao kết hợp đồng và được người tiêu dùng chấp nhận. Trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng là cá nhân có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác.

Ông Trang cho rằng cần áp dụng quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để ông có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bởi điều khoản trọng tài được công ty đưa vào hợp đồng mẫu. Do đó, việc khởi kiện ông tại tòa án là có cơ sở, ông kháng cáo yêu cầu TAND TP.HCM hủy bỏ quyết định đình chỉ của TAND quận 1.

Ngoài ra, ông Trang cho rằng rất phi lý khi hợp đồng và dịch vụ đều diễn ra tại Việt Nam nhưng khi xảy ra tranh chấp lại phải sang tận Singapore khởi kiện, mất nhiều thời gian, tiền bạc…

Chúng tôi sẽ thông tin kết quả giải quyết phúc thẩm của TAND TP.HCM.

Hai bên nói gì?

Ông Trang cho biết khi hai bên có bất đồng, ông đã nhiều lần gọi điện thoại cho nhân viên công ty đề nghị sắp xếp gặp gỡ người có thẩm quyền để giải quyết nhưng không ai bắt máy. Ngày 11-10-2019, ông đến văn phòng công ty thì được thông báo toàn bộ những người có thẩm quyền đều không có mặt nên không gặp được. Theo ông Trang, công ty đã cố tình né tránh thể hiện trách nhiệm đối với người tiêu dùng nên ông đã đến văn phòng khiếu nại Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM nhờ can thiệp. Sau đó, việc hòa giải không thành khi đại diện công ty cương quyết không chấp nhận yêu cầu của ông.

Ngày 21-10-2019, Công ty RI VN có thư phúc đáp về các yêu cầu của ông Trang. Liên quan đến việc yêu cầu hủy hợp đồng, công ty này cho rằng trong hợp đồng khách hàng có cam kết không hủy ngang. Ngoài ra, hợp đồng cũng có điều khoản quy định khách hàng có quyền chuyển nhượng, chuyển giao, cho, tặng, cho sử dụng, cho thuê lại quyền nghỉ dưỡng cho bên thứ ba. Trường hợp nếu không còn nhu cầu sử dụng dịch vụ, khách hàng có thể thực hiện điều khoản này… 

Xem thêm: lmth.435269-neik-iaogn-coun-ar-iahp-coun-gnort-gnod-poh-yk/taul-pahp/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ký hợp đồng trong nước, phải ra nước ngoài kiện”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools