Hoạt động giao dịch tại một ngân hàng thương mại ở TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Nền kinh tế vẫn vượt qua khó khăn, theo tiến sĩ Trương Văn Phước - thành viên chuyên trách Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, có dấu ấn của 35 năm trước.
* Ký ức của ông về nền kinh tế cách đây 35 năm như thế nào?
- TS TRƯƠNG VĂN PHƯỚC: Nhớ lại 35 năm trước, trong ký ức của những người ở độ tuổi 50-60, đất nước khó khăn chồng chất, đời sống người dân vô cùng thiếu thốn. Đợt tổng cải cách giá - lương - tiền cuối năm 1985 không đạt kết quả như mong đợi.
Đến tháng 12-1986, lạm phát trong năm này đã tăng hơn 770%. Các mục tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội đều không đạt được. Rồi Việt Nam chịu tác động nặng nề từ quá trình tan rã nội bộ âm ỉ của Liên Xô khởi đi từ những năm đầu của thập niên 1980.
Nhưng cũng cách đây gần 35 năm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 tháng 12-1986 có ý nghĩa hết sức quan trọng, đã mở ra thời kỳ "đổi mới" sâu sắc, toàn diện đối với đất nước ta.
Một mặt, chúng ta kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, mặt khác phải khẩn trương tìm ra cách thức để vực dậy nền kinh tế ở trạng thái "ngàn cân treo sợi tóc". Việc thử nghiệm cơ chế giá - lương - tiền thất bại, việc lựa chọn cơ chế kinh tế mới, thay thế mà ta gọi là "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" không phải là điều đơn giản lúc bấy giờ.
Kế nữa là các chủ trương, chính sách nổi bật giai đoạn đó có thể thấy rất táo bạo, đột phá và vô cùng sáng tạo. Như cơ chế "một giá" thay cho "bao cấp" phân phối bằng tem phiếu. Tiếp đến là chính sách "mở cửa" cho các thành phần kinh tế khác ngoài kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, đó là kinh tế tư nhân. Điều này không có được nếu không có cơ chế "một giá" tiên phong, mở đường.
Rồi chúng ta mạnh dạn mở cửa với bên ngoài. Trước hết là đón nhận các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, sau đó là vốn đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt là khuyến khích người Việt ở nước ngoài gửi ngoại tệ về hỗ trợ người thân.
* Vậy bài học rút ra từ những tình huống ngàn cân treo sợi tóc đó là gì?
- Con đường phát triển 35 năm qua của đất nước không hề trơn tru, bằng phẳng. Những năm cuối 1980 và những năm đầu 1990, hệ thống tổ chức tín dụng rơi vào tình thế rất khó khăn buộc phải hình thành khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động ngân hàng, trong đó tách bạch nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước về cơ bản hoạt động như một ngân hàng trung ương và hệ thống các ngân hàng chuyên doanh, tiền đề cho sự ra đời của các ngân hàng thương mại sau này.
Nhưng khủng hoảng tài chính, tiền tệ ở châu Á khởi đầu từ Thái Lan tháng 7-1997 đã thẩm thấu vào nền kinh tế nước ta. Các chính sách về kết hối ngoại tệ (buộc doanh nghiệp phải bán ngoại tệ cho ngân hàng), chính sách phong tỏa vốn trong vòng 1 năm đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, hậu quả là kinh tế nước ta tăng trưởng GDP từ 8,2% năm 1997 xuống còn 4,8% năm 1999. Và đến 8 năm sau vào năm 2005 mới lấy lại mức tăng trưởng của năm 1997.
Tiếp sau đó là khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 - 2008, bắt đầu từ Hoa Kỳ, với sự đổ vỡ hàng loạt hệ thống ngân hàng, chứng khoán trên thế giới đã tác động đến nền kinh tế nước ta.
Trong bối cảnh đó, chúng ta đã có các chính sách nhằm tái cơ cấu nền kinh tế với các cấu phần là: doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng và đầu tư công. Nhờ đó, nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng quanh mức 6,8% trong những năm đầu của nhiệm kỳ Đại hội Đảng 12 (2016 - 2021). Chỉ khi xảy ra COVID-19, năm 2020, tăng trưởng kinh tế mới chậm lại mức 2,91%.
* Trước đây nhiều người lo giữ vàng, ngoại tệ, còn nay xu hướng giữ VND là chủ đạo cho thấy nỗi lo VND mất giá không còn ám ảnh nữa, bài học rút ra là gì, theo ông?
- Ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp là nhân tố quyết định niềm tin của thị trường. Với việc được neo vào mục tiêu định sẵn 4%, nhưng gần đây lạm phát chỉ quanh mức 2-3%, tỉ giá hối đoái ổn định, niềm tin vào VND của người dân tăng cao rõ rệt, đẩy tiền gửi ngoại tệ vào ngân hàng giảm.
Nhu cầu tín dụng ngoại tệ cũng giảm rất lớn, song hành với mua bán trên thị trường ngoại hối gia tăng. Chênh lệch lãi suất giữa VND và ngoại tệ lớn, tỉ giá ổn định, là con số rất trực quan để người dân dễ dàng lựa chọn nắm giữ VND.
Để đạt được niềm tin này không đơn giản. Quá trình đổi mới 35 năm đã giúp Việt Nam có kinh nghiệm dày dạn ứng phó với biến động từ bên ngoài vào cũng như khó khăn nảy sinh trong quá trình chuyển đổi của nền kinh tế.
Thận trọng và linh hoạt là những đặc trưng trong việc thiết kế các chính sách theo phương châm "dò đá qua sông" đã giúp Việt Nam giảm đến mức tối thiểu những tác hại từ các cú sốc bên ngoài vào nước ta từ khủng hoảng hệ thống xã hội chủ nghĩa cho đến các cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ sau này.
* Nhưng chúng ta lại đứng trước thử thách: COVID-19. Doanh nghiệp mong đợi chi phí vốn rẻ để vượt qua, liệu lãi suất năm 2021 có thể giảm nữa, thưa ông?
- Tôi cho rằng trong năm 2021, lãi suất có thể giảm thêm với nhiều lý do. Trước hết và cũng là cơ bản nhất đó là lạm phát có xu hướng ổn định ở mức thấp. Các nước trên thế giới đang phải chống chọi COVID-19, kể cả biến chủng mới.
Kinh tế thế giới có khả năng phục hồi nhưng rất chậm, làm cho tổng cầu duy trì ở mức thấp, như thế lãi suất khó tăng. Tại Việt Nam, dù kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng do mức hội nhập sâu vào kinh tế thế giới chúng ta vẫn bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, với ý chí kỳ diệu của cả dân tộc, tôi tin rằng năm 2021 GDP của Việt Nam có thể tăng trên 6,5%. Dưới góc độ tiền tệ, chênh lệch lãi suất vẫn còn dư địa thu hẹp và việc kiểm soát tốt nợ xấu sẽ giúp hạ lãi suất kể cả huy động và cho vay.
Nguồn: Tổng cục Thống kê và Nghị quyết Quốc hội - Đồ họa: TUẤN ANH
* Doanh nghiệp chịu thiệt hại do dịch COVID-19 lo lắng tới đây khó vay ngân hàng do chuyển nhóm nợ xấu, theo ông, nên xử lý ra sao để chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp?
- COVID-19 nổ ra, dòng vốn lưu chuyển chậm lại, doanh thu bán hàng giảm mạnh dẫn đến nợ xấu.
Ngay tháng 3-2020, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư 01 cho phép ngân hàng cơ cấu lại nợ vay của khách hàng bị ảnh hưởng của COVID-19 đã giúp người vay tiếp tục được vay những khoản tín dụng mới.
Tuy nhiên, ngân hàng cũng có khó khăn như không hạch toán được tiền lãi vay vào nguồn thu; chưa kể khách hàng do quá khó khăn không trả được nợ gốc và lãi, xem như ngân hàng mất vốn.
Sắp tới các khoản nợ cơ cấu có bị chuyển nhóm hay không, theo tôi, chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ có chính sách tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Trước hết vẫn áp dụng thông tư 01 một thời gian, phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch cho người vay "dễ thở".
Mặt khác, với các ngân hàng, cũng nên có chính sách để họ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng dần dần, phòng khi khách hàng gặp phải khó khăn không trả nợ được, ngân hàng có nguồn tài chính dự phòng để bù đắp.
* Theo ông, Việt Nam có cần thêm gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng COVID-19?
- Để vượt qua COVID-19, các nước đều sử dụng mạnh chính sách tài khóa. Theo tôi, các chỉ số về tài chính công của Việt Nam khá tốt, dù chịu tác động của dịch bệnh.
Đặc biệt bội chi ngân sách năm 2020 vẫn ở mức khá thấp. Do đó, có rất nhiều điều kiện cho phép chúng ta sử dụng các gói hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để giúp doanh nghiệp, người lao động ứng phó với thiệt hại nặng nề của đại dịch.
Kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, tạo an sinh xã hội tốt hơn cho người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục mở cửa chọn lọc các dòng vốn từ bên ngoài vào, tận dụng chuyển đổi kinh tế số, cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là có một đội ngũ công chức thanh liêm, mẫn cán, tận tụy, đó là tiền đề để năm 2021 - năm đầu tiên của Đại hội Đảng 13 - chúng ta gặt hái nhiều thành công to lớn hơn nữa.
TTO - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 25-1 đến 2-2, là một trong những sự kiện quan trọng nhất của đất nước.
Xem thêm: mth.76952240291101202-dnv-aum-cus-hnid-no-hnirt-hnah-gnouc-gnuh-man-teiv-gnov-tahk/nv.ertiout