Báo cáo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) công bố ngày 20/1 cho biết, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng chỉ có thể đẩy mạnh trong giai đoạn 5 năm tới (2021-2025), khi dịch bệnh được kiểm soát.
Covid-19 dù tiếp tục đẩy nhanh quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng vốn xuất hiện từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nhưng vẫn có những rào cản nhất định đối với các nước đón nhận.
Theo NCIF, có 4 xu hướng chính định hình dịch chuyển chuỗi cung ứng gồm: rút ngắn chuỗi (reshoring); đa dạng chuỗi (diversification); khu vực hóa chuỗi (regionalization) và nhân rộng chuỗi (replication). Nhóm nghiên cứu cho rằng, tuỳ mỗi nhóm ngành cụ thể cũng như mức độ tự động hóa, số hóa, các diễn biến chuỗi có thể khác nhau. Tuy nhiên, dòng FDI toàn cầu gắn với dịch chuyển chuỗi có thể giảm xuống.
Những ngành có khả năng dịch chuyển lớn nhất theo NCIF là dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, máy móc thiết bị cơ khí và dịch vụ logistics. Trong khi đó, những ngành có động cơ dịch chuyển lớn nhưng không dễ dàng chuyển đi là dược phẩm, điện tử tiêu dùng và hàng công nghệ. Nguyên nhân là khó tìm kiếm nguồn cung thay thế bên ngoài đáp ứng được yêu cầu về công nghệ, hạ tầng và trình độ nhân lực.
Việt Nam được xem là điểm đến thuận lợi cho sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng như kiểm soát dịch bệnh thành công, triển vọng tăng trưởng tốt; chi phí lao động thấp; ký kết các FTA thế hệ mới; vị trí gần Trung Quốc; sự gia tăng của tầng lớp trung lưu thúc đẩy tiêu dùng nội địa; sự sẵn có của các khu công nghiệp...
Tuy nhiên, NCIF cũng lưu ý, trình độ công nghệ và lao động hạn chế, chi phí lao động hiện thấp nhưng có xu hướng tăng nhanh và không tương thích với mức tăng năng suất lao động, cơ sở hạ tầng chưa phát triển... Do đó, đây là những rào cản lớn, khiến Việt Nam khó thu hút những ngành đòi hỏi năng lực sản xuất, công nghệ, hạ tầng và nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, theo NCIF, do công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, các hoạt động sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là gia công, lắp ráp. Một số ít ngành cung cấp đầu vào có năng suất lao động cao và xuất khẩu sang nhiều thị trường nhưng chủ yếu do doanh nghiệp FDI sản xuất.
Đơn cử, ngành dệt may, da giày đang chủ yếu gia công và nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Năng lực cung ứng của các doanh nghiệp thượng nguồn còn hạn chế trừ một số ngành sản xuất plastic và cao su tổng hợp có năng suất cao hơn.
Với ngành điện tử, dù xuất khẩu lớn thứ mười hai trên thế giới và thứ ba trong khối ASEAN, nhưng 95% giá trị thuộc về doanh nghiệp FDI và chủ yếu ở công đoạn gia công, lắp ráp.
Để Việt Nam đón nhận được cơ hội chuỗi cung ứng, NCIF đề xuất sớm hoàn thiện quy hoạch để tăng cung đất cho phát triển khu công nghiệp đang bị hạn chế do giá đất tăng. Ngoài ra, cần định hướng sớm một số cơ sở đào tạo về nhu cầu lao động cấp cao; có chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu thúc đẩy sản xuất trong nước, nhưng không khuyến khích đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ.
Gần đây, Bộ phận phân tích thông tin (EIU) thuộc tạp chí The Economist đã đưa ra nhận định, Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất giá rẻ mới trong chuỗi cung ứng tại châu Á.
Theo EIU, các nhân tố giúp Việt Nam nổi trội hơn so với các quốc gia khác trong khu vực gồm: ưu đãi dành cho doanh nghiệp quốc tế mở nhà máy sản xuất hàng công nghệ cao, nguồn lao động dồi dào giá rẻ cũng như lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do. Theo đó, Việt Nam ghi điểm cao hơn Ấn Độ và Trung Quốc về chính sách FDI cũng như kiểm soát thương mại quốc tế, hối đoái.
Đức Minh