vĐồng tin tức tài chính 365

5 năm thần tốc của xuất nhập khẩu Việt Nam

2021-01-21 07:13

Hoạt động xuất nhập khẩu là điểm sáng của nền kinh tế giai đoạn 2015-2020. Theo các chuyên gia kinh tế, điều này cho thấy năng lực sản xuất trong nước tăng trưởng cao, môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh được tạo thuận lợi và phản ánh kết quả tích cực của công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

“Điểm sáng” xuất khẩu

Ngày 18.1, lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đón nhận tin vui khi UBND tỉnh Bắc Giang chính thức trao giấy chứng nhận đầu tư nhà máy Fukang Technology do Foxconn Singapore PteLtd đầu tư tại Khu công nghiệp Quang Châu, vốn đăng ký đầu tư 270 triệu USD, tương đương 6.233 tỉ đồng.

Dự án có mục tiêu sản xuất, gia công máy tính bảng, máy tính xách tay, quy mô sản xuất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm cho “ông lớn” công nghệ toàn cầu Apple.

GS-TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài - người có hơn 30 năm làm việc trong lĩnh vực đầu tư cho Lao Động biết, việc đồn đoán “ông lớn” Apple đầu tư vào Việt Nam xuất hiện từ nhiều tháng trước, nhưng phải đến ngày 18.1 mới có thông tin chính thức. Câu chuyện đầu tư này không chỉ dừng lại ở 8 triệu sản phẩm mà sẽ tăng thêm nhiều lần.

Giống như câu chuyện của Samsung khi đầu tư vào Bắc Ninh. Năm 2007, Tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc đầu tư vào Bắc Ninh là 560 triệu USD. Với những điều kiện thuận lợi sẵn có tại Việt Nam, “ông lớn” này nhận thấy cần phải đầu tư cấp tập, cho nên, năm 2012, Samsung đầu tư thêm 2,5 tỉ USD mở rộng dây chuyền sản xuất tại Việt Nam. Đến năm 2015, Samsung mở rộng đầu tư trên cả nước 17,5 tỉ USD.

“Chỉ 8 năm thôi nhưng Samsung tỉ lệ đầu tư của Samsung tại Việt Nam tăng lên hơn 20 lần, sử dụng đến 157.000 lao động. Trong đó, có một dự án rất quan trọng là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới tại Việt Nam (R&D) tại Hà Nội, sử dụng hơn 2.000 kỹ sư phần mềm của Việt Nam” - GS Nguyễn Mại cho hay.

Việc thu hút nhiều “đại bàng” vào Việt Nam, theo GS Nguyễn Mại “là tín hiệu rất tích cực”, không chỉ góp phần gia tăng sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động, mà còn tạo động lực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam - xuất khẩu dự trên nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Bởi, thu hút FDI và thúc đẩy xuất khẩu là hai trụ cột quan trọng của mô hình tăng trưởng định hướng xuất khẩu. Việc kết hợp hai trụ cột này với mục đích khai thác đồng thời lợi thế vốn, công nghệ và thị trường của FDI với lợi thế từ nguồn lao động và đầu vào giá rẻ của doanh nghiệp nội địa.

“Kinh tế Việt Nam hiện đang tăng trưởng nhờ vào “điểm sáng” xuất khẩu. Do đó, để khai thác hiệu quả vấn đề này, chúng ta nên kết hợp nhiều chính sách như thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia (TNC) định hướng xuất khẩu, thành lập đặc khu kinh tế để thu hút hiệu quả FDI, khuyến khích doanh nghiệp FDI kết nối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong nước hướng xuất khẩu, khuyến khích doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế” - GS Nguyễn Mại cho hay.

Nhận định về “điểm sáng” xuất khẩu 5 năm qua (giai đoạn 2016-2020), ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho rằng, 5 năm qua là thời kỳ kinh tế thế giới chứng kiến những biến động nhanh, phức tạp, đa chiều và khó đoán định từ xung đột thương mại Mỹ-Trung, Anh rời Liên minh Châu Âu đến các biến động về quan hệ kinh tế - chính trị giữa các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...

Nhận rõ thách thức trên, Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông cho hoạt động sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường xuất khẩu, quản lý nhập khẩu, tạo thuận lợi thương mại và đạt được nhiều thành tựu.

Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam hai năm liên tiếp (2019, 2020) vượt mốc 500 tỉ USD. Đáng chú ý, cán cân xuất nhập khẩu năm 2020 - theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đạt 545,36 tỉ USD, tăng 5,4% (tương ứng tăng 27,69 tỉ USD) so với năm 2019. Xuất khẩu ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về quy mô, từ 162 tỉ USD năm 2015 lên 282,65 tỉ USD vào năm 2020.

Mục tiêu cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020 nêu tại Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 đã đạt được sớm 4-5 năm.

Từ năm 2012, Việt Nam bắt đầu có xuất siêu. Từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại liên tục thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm từ 1,77 tỉ USD năm 2016, 2,11 tỉ USD năm 2017, 6,83 tỉ USD năm 2018, 10,87 tỉ USD năm 2019 và năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỉ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

Cơ cấu hàng xuất khẩu cũng được đa dạng hóa. Số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD tăng dần, từ 23 mặt hàng năm 2015 lên 32 mặt hàng năm 2019. Trong năm 2019, số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỉ USD là 23, số mặt hàng có kim ngạch trên 5 tỉ USD là 8 và số mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỉ USD là 6.

Theo GS Nguyễn Mại, tính đến thời điểm năm 2020, Việt Nam có 15 FTA đã ký kết, đang triển khai và có hiệu lực, một số FTA khác đang trong quá trình đàm phán.

Tăng cường xuất khẩu, nhưng đừng bỏ qua thị trường nội địa

Theo GS Nguyễn Mại, những năm qua, độ mở của nền kinh tế Việt Nam là rất lớn. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để tăng cường xuất khẩu các mặt hàng, nhất là những mặt hàng tỉ USD. “Việt Nam chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu, xuất siêu đạt mức kỷ lục trong năm 2020 sẽ góp phần giúp cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế dương, làm cho đồng tiền Việt Nam ổn định hơn. Tuy nhiên, Việt Nam vừa phải coi trọng xuất khẩu, nhưng không được bỏ quên thị trường nội địa.

“Thị trường nội địa của Việt Nam cũng xấp xỉ 100 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.521USD. Với thị trường nội địa như vậy cũng là một thị trường rất lớn, trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế. Năm 2021, bên cạnh tăng cường xuất khẩu, chúng ta phải lưu ý thị trường nội địa” - ông nhấn mạnh.

Xem thêm: odl.766278-man-teiv-uahk-pahn-taux-auc-cot-naht-man-5/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“5 năm thần tốc của xuất nhập khẩu Việt Nam”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools