Tại tọa đàm "Nhận diện, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng nay 20-1, nhiều ý kiến cho rằng tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy.
Đại diện cơ quan Công an TP.HCM cho biết: trong 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn thành phố án trực tiếp phát sinh liên quan hoạt động tín dụng "đen" xảy ra 9 vụ. Đáng chú ý có tới 210 vụ việc do người dân trình báo bị các đối tượng lạ mặt ném chất bẩn vào nhà, gọi điện đe dọa nguyên nhân do chính họ hoặc người thân của họ có vay tiền nhưng chưa trả.
Là một nạn nhân của tín dụng đen, chị T.L trú tại quận Bình Thạnh cho biết: Trong năm 2019, 1 số người và nhóm người quen biết chị trong lĩnh vực kinh doanh spa và nhiều lĩnh vực khác nhau. Các đối tượng đã chủ động cho chị vay mượn với lãi suất 1,5% - 1,75%/1/ngày. Việc thực hiện trả gốc, lãi đều thông qua hình thức bằng chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng.
Khi công việc có rủi ro và trục trặc, chị xin họ thời gian xử lí, ngưng đóng tiền lời thì họ lập tức đến nhà gây sức ép, ép chị ghi giấy mượn nợ với những số tiền rất lớn (33 tỷ, 6 tỷ, 7 tỷ...).
Thậm chí, chị còn bị các đối tượng cho vay nặng lãi làm hợp đồng giả cách mua bán nhà, chuyển khoản chỉ 600 triệu đồng nhưng trong hợp đồng mua bán nhà phô tô để tới 3 tỉ đồng.
"Các đối tượng còn quay phim, chụp ảnh tôi và con gái tôi (bé mới 7 tuổi) đưa lên mạng xã hội, rồi dùng thông tin, hình ảnh của tôi để tố cáo ngược lại cơ quan công an, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cá nhân tôi. Cả một năm qua tôi phải sống trong những ngày tháng sợ hãi, mệt mỏi như vậy. Chính vì vậy, tôi rất mong sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan công an” – chị T.L chia sẻ.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú thừa nhận, trong thời gian qua, tín dụng đen là vấn đề rất lớn trong xã hội. Không khó để nhận diện về những hình thức cho vay núp bóng tín dụng đen.
Chẳng hạn như thủ tục cho vay mượn mang tính chất chộp giật, lừa đảo; lãi suất cho vay cao trên trời; hình thức đòi nợ vi phạm pháp luật....Điều này khiến có những trường hợp phải tự tử, nhiều gia đình tan nát, tạo ra sự bất ổn trong đời sống.
Không phải đến bây giờ mới có tín dụng đen mà là từ xa xưa đã có, chỉ khác là qui mô nhỏ lẻ hơn, không tinh vi như bây giờ. Khi mà khách hàng có nhu cầu vay nhưng tín dụng chính thống không thể đáp ứng nổi thì tín dụng đen vẫn đáp ứng. "Chỉ khi nào xã hội dẹp bỏ hết tệ nạn khác trong đời sống như cờ bạc, lô đề… thì tín dụng đen mới không còn đất sống", ông Tú nói.
Phó Thống đốc NHNN cũng thừa nhận rằng kênh tín dụng chính thống chưa thể phủ hết toàn bộ đối tượng có nhu cầu vay nền kinh tế. Đây cũng là một trong kẽ hở khiến tín dụng đen chưa thể bị triệt tiêu.
Quan điểm của ngành ngân hàng là kiên quyết đẩy lùi và tiến tới xoá bỏ tín dụng đen. NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại cần phải phục vụ tốt hơn cho những nhu cầu vốn chính đáng.
"Để thực hiện được điều đó thì chúng ta cần phải đưa mọi hoạt động xã hội tuân thủ theo qui định của pháp luật. Đồng thời cũng cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông về tín dụng đến các khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa… Có thể nói truyền thông có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đẩy lùi tín dụng đen, cần phải cho người dân hiểu thế nào là tín dụng đen", ông Tú nhìn nhận.