Ngày 15-2, ghi nhận của Báo Người Lao Động cho thấy lãi suất huy động và cho vay có dấu hiệu hạ nhiệt khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng (NH) dồi dào hơn và nhu cầu đẩy vốn tín dụng ra thị trường của nhiều NH thương mại.
Lãi suất tiền gửi bớt "nóng"
Một số NH thương mại đã thay đổi biểu lãi suất theo hướng giảm cả lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy lẫn online. Các mức lãi suất huy động trên 9,5% thậm chí vượt 10%/năm trong 1-2 tháng trước hiện không còn xuất hiện. Nhiều NH thông báo lãi suất cao nhất dưới 9,5%/năm như cam kết với Hiệp hội NH Việt Nam và NH Nhà nước trước đó.
NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa giảm lãi suất tiền gửi online kỳ hạn 12 tháng từ mức cao nhất 8%/năm xuống còn 7,4%/năm, ngang bằng với mức lãi suất tiền gửi tại quầy có cùng kỳ hạn. Tương tự, NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đưa mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trên 9%/năm xuống còn 8,6%/năm, áp dụng từ ngày 14-2.
Tại NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), lãi suất huy động cao nhất áp dụng cho khách hàng thường từ 6 tháng đến 36 tháng còn 8,7%/năm, thay vì mức trên 9%/năm như trước đó.
Ngân hàng TMCP Quân đội đang có chương trình giảm 1 điểm % lãi suất vay cho với khách hàng doanh nghiệp. Ảnh: TẤN THẠNH
Trên thị trường liên NH, thanh khoản dồi dào hơn đã giúp lãi suất giao dịch giữa các NH thương mại với nhau hạ nhiệt. Số liệu mới nhất được NH Nhà nước công bố tính đến ngày 13-2, lãi suất bình quân liên NH qua đêm chỉ còn 4,55%/năm, tiếp tục giảm so với mức 5,3%/năm tuần trước và giảm khá mạnh so với mức trên 6%/năm trong tuần sau Tết. Các kỳ hạn từ 1 tuần tới 1 tháng cũng giảm trên 1 điểm % so với tuần trước, về 5,2%-6,81%/năm.
Không chỉ lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng bắt đầu rục rịch đi xuống khi một số NH triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất. Cụ thể, NH TMCP Quân đội (MB) vừa có chương trình giảm 1 điểm % lãi suất vay cho với khách hàng doanh nghiệp (DN) có doanh thu dưới 100 tỉ đồng áp dụng khi đăng ký vay vốn bằng tính năng Giải ngân online trên nền tảng BIZ MBBank.
NH TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng giảm lãi suất cho vay tối đa 1 điểm % đối với các khoản vay ngắn hạn phục vụ mục đích kinh doanh. Gói ưu đãi lên tới 3.000 tỉ đồng được SeABank chủ động triển khai nhằm hỗ trợ các cá nhân, hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh có nhu cầu vay vốn ngắn hạn tối đa 12 tháng. NH này cũng giảm 0,5 điểm % cho các khoản vay kinh doanh khác.
Phải giảm thêm lãi vay
Theo các NH thương mại, từ đầu tháng 2 đến nay, NH Nhà nước đã bơm thêm thanh khoản cho hệ thống, room tín dụng đã mở ra với định hướng 14%-15% và sẽ có điều chỉnh phù hợp, lãi suất liên NH cũng hạ nhiệt… góp phần hỗ trợ cho lãi suất đi xuống.
Dù vậy, mức giảm ở thời điểm hiện tại vẫn được đánh giá còn ít và chưa như kỳ vọng của thị trường, bao gồm cả khách hàng cá nhân và DN. Khảo sát tại một số NH thương mại cho thấy hiện tại lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 9%-9,9%/năm; trung và dài hạn lãi suất 10,9% cố định trong 2 năm đầu tiên sau đó sẽ áp dụng lãi suất 12%/năm. Một số NH khác mức lãi suất cho vay ngắn hạn cao hơn từ 10,5%-11%/năm; cho vay trung dài hạn (vay mua nhà, tiêu dùng…) lãi suất 14,3%/năm cố định trong 3 tháng đầu tiên hoặc mức lãi suất lên tới 15%-16%/năm áp dụng cho khách hàng cá nhân vay mua nhà.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN vừa và nhỏ (Hiệp hội DN TP HCM), nhận định với các mức lãi suất như hiện tại, người vay không đủ sức chịu đựng vì DN đang đối mặt rất nhiều khó khăn, thu nhập của cá nhân cũng giảm sút. Do đó, các NH cần tính đến việc hạ lãi suất đầu vào để giảm thêm lãi suất cho vay.
Đại diện một NH thương mại cũng thừa nhận lãi suất cho vay hiện nay là quá cao. Nguyên nhân do cuối năm 2022, nhiều NH huy động vốn với lãi suất trên 9%/năm, dẫn đến giá vốn bị đội lên cao nên thời điểm này lãi suất cho vay chưa giảm mạnh.
Theo một lãnh đạo NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), các NH lớn đang có sự đồng thuận hạ thêm lãi suất đầu vào để kéo giảm lãi suất cho vay. Hy vọng sau vài tháng huy động vốn với lãi suất cao nhất 7,4%-8,5%/năm, cộng nguồn vốn dồi dào từ tiền gửi thanh toán sẽ kéo lãi suất huy động bình quân xuống dưới 7%/năm. Khi đó lãi suất cho vay cao nhất có thể ở mức 10%-11%/năm.
Còn dư địa giảm lãi suất
Chia sẻ tại tọa đàm "Điểm sáng đầu tư năm 2023" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 15-2, PGS-TS Phạm Thế Anh, giảng viên tại Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định lãi suất của Việt Nam hiện tại đang chịu tác động từ lạm phát, tỉ giá và yếu tố lãi suất trên thị trường quốc tế. Lạm phát và tỉ giá hiện không quá đáng lo, lãi suất của Mỹ cũng có dấu hiệu đi xuống khi lạm phát của nước này đạt đỉnh nên sẽ có dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam. Trong bối cảnh này, lãi suất còn dư địa giảm để hỗ trợ chung cho nền kinh tế là cần thiết. "Khi lãi suất hạ nhiệt, không chỉ người vay mua nhà dễ thở hơn mà các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản cũng sẽ tích cực" - PGS-TS Phạm Thế Anh nói.
Xem thêm: mth.11895621251203202-maig-hcir-cur-taus-ial/et-hnik/nv.moc.dln