Mấy ngày qua, nhiều khách hàng của ứng dụng gọi xe Be khá bất ngờ khi trên giao diện xuất hiện Cake - ngân hàng (NH) số của NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Sau vài bước đăng ký qua định danh trực tuyến (eKYC) bằng CMND/CCCD, chụp hình khuôn mặt, người dùng có tài khoản NH của VPBank và bắt đầu giao dịch trên ứng dụng Be.
Cuộc đua mới
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một ứng dụng NH số hiển thị trực tiếp trên một ứng dụng gọi xe công nghệ. Việc này được kỳ vọng mang đến nhiều lợi ích kép cho hơn 10 triệu khách hàng và tài xế của Be về mặt trải nghiệm tài chính. Người dùng Be sẽ sử dụng tài khoản Cake để chi trả hóa đơn (điện, nước, internet, truyền hình cáp), chuyển khoản, gửi tiết kiệm, mở thẻ tín dụng; hóa đơn mua sắm… Việc chuyển khoản giữa 2 tài khoản Cake được thực hiện bằng số điện thoại, với độ an toàn và bảo mật thông tin cao.
Cuộc đua chuyển đổi số của các doanh nghiệp và ngân hàng đang rất sôi động với hàng loạt dịch vụ, ứng dụng được tung ra để tiếp cận và phục vụ khách hàng
Bà Nguyễn Hoàng Phương, Tổng Giám đốc Be Group (đơn vị sở hữu ứng dụng gọi xe Be), kỳ vọng Cake sẽ tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ cho Be trước các đối thủ đa quốc gia cùng ngành. Sau 2 năm gia nhập thị trường, Be Group đang có hơn 10 triệu khách hàng, chiếm gần 1/3 thị phần gọi xe trên toàn quốc. "NH số sẽ không chỉ dừng lại ở phương thức thanh toán mới mà còn là công nghệ có thể tích hợp vào các thiết bị thiết yếu, gần gũi với đời sống, từ đó đưa ra giải pháp tài chính phù hợp nhằm phục vụ cuộc sống con người tốt hơn. Cake được phát triển và hoàn thiện bởi đội ngũ kỹ sư công nghệ người Việt của beFinancial và là bước đi tiếp theo trong việc nâng cấp hệ sinh thái của ứng dụng Be trên con đường phấn đấu trở thành nền tảng số mở hàng đầu Việt Nam" - bà Nguyễn Hoàng Phương nói.
Ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch HĐQT VPBank, cho biết trong định hướng xây dựng chiến lược NH số mới hoàn toàn của VPBank, ứng dụng gọi xe Be được đánh giá là phù hợp khi sở hữu hệ sinh thái đủ mạnh về số lượng người dùng và cả mức độ truy cập hằng ngày.
Không riêng gì Be Group, thời gian qua, cuộc đua chuyển đổi số của các doanh nghiệp (DN), NH ngày càng sôi động khi các nền tảng sở hữu hệ sinh thái đa dịch vụ đang dần bước chân vào lĩnh vực NH.
MoMo vừa công bố loạt 6 quỹ đầu tư đến từ Mỹ cùng rót vốn vào siêu ứng dụng có 23 triệu người dùng này, ở vòng gọi vốn thứ 4. Nguồn vốn mới huy động sẽ được MoMo sử dụng để xây dựng nền tảng siêu ứng dụng (Super App) mới, nâng cấp hệ sinh thái của MoMo nhằm phục vụ hàng chục triệu người dùng và đối tác kinh doanh tại Việt Nam. "Quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo MoMo" cũng được thành lập để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp sáng tạo phát triển và tìm được thị trường thông qua việc kết nối với hệ sinh thái của MoMo.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch điều hành - Tổng Giám đốc ví MoMo, cho hay vốn và nguồn lực của các nhà đầu tư sẽ giúp ứng dụng này đẩy nhanh tốc độ phát triển trong tầm nhìn cung cấp cho khách hàng khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán di động dễ nhất với chi phí thấp.
Những sản phẩm, dịch vụ mới của MoMo sẽ tập trung giải quyết vấn đề cốt lõi phục vụ mục tiêu phát triển nền kinh tế số. Như nền tảng mở của MoMo cho phép hàng chục triệu người dùng và DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận, tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Hiện MoMo có 120.000 điểm chấp nhận thanh toán và 30.000 đối tác kinh doanh; đang kết nối trực tiếp với 28 NH trong nước và quốc tế cung cấp dịch vụ cho hơn 90% người dân có tài khoản NH trên cả nước… "Chúng tôi cung cấp dịch vụ hỗ trợ DN vừa và nhỏ phân tích số, dữ liệu thông tin nhằm hiểu hơn về khách hàng, từ đó điều chỉnh lại cách tiếp cận và đưa ra sản phẩm mới. Đồng thời, MoMo cũng tiếp tục đưa thêm dịch vụ tài chính, bảo hiểm và nhiều dịch vụ khác… lên nền tảng số thông qua việc hợp tác chặt chẽ với công ty bảo hiểm, NH, DN tài chính nhằm tạo ra thay đổi về cách tiếp cận các dịch vụ tài chính của khách hàng và thị trường" - ông Nguyễn Mạnh Tường kỳ vọng.
Ngân hàng đổ tiền vào công nghệ
Không chỉ DN mà nhiều NH thương mại cũng có sự bứt phá mạnh mẽ trong lĩnh vực số hóa hoạt động kinh doanh năm qua.
NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết trong năm 2020 NH đã tiếp tục đầu tư, phát triển công nghệ, ứng dụng số hóa mạnh mẽ trong phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại như Blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), tiếp tục cải tiến mạnh mẽ quy trình, hồ sơ, thủ tục... nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN và người dân tiếp cận dịch vụ NH. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, VietinBank không ngừng nâng cấp và hoàn thiện, gia tăng tiện ích và tăng cường các giải pháp NH trên kênh điện tử, cung cấp các giải pháp thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
"Ứng dụng VietinBank iPay tăng trưởng 50% về số lượng khách hàng, lên tới 3 triệu người, số lượng giao dịch tăng 100% so với 2019. NH cũng thí điểm thành công hệ thống Smart Digital Branch - chi nhánh số hóa thông minh ứng dụng sinh trắc học, giúp nhận diện, phân luồng, nâng cao trải nghiệm khách hàng và chất lượng dịch vụ, góp phần tăng năng suất lao động" - đại diện VietinBank nói.
Nhiều NH cho biết sẽ tăng chi phí đầu tư cho chuyển đổi số trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), tỉ lệ đầu tư vào công nghệ được NH điều chỉnh tăng khoảng 70-100 tỉ đồng/năm trong 3 năm qua, lên mức 100-200 tỉ đồng/năm trong thời gian tới. "OCB đang làm việc với 2 đối tác Fintech để phát triển sản phẩm từ nền tảng OpenAPI - được xây dựng và kỳ vọng cho phép các bên thứ ba tiếp cận vào Sandbox (cơ chế thử nghiệm) của NH. Từ đó, phát triển những sản phẩm tài chính trên cơ sở chia sẻ tài nguyên với NH. OCB đóng vai trò trung gian tạo hệ sinh thái trên thị trường, tạo điều kiện cho hoạt động giữa khách hàng, nhà sản xuất và kênh phân phối…" - tổng giám đốc NH này chia sẻ.
Tiềm năng lớn cho ngân hàng số
Báo cáo thị trường quảng cáo số Việt Nam của Adsota cho thấy hiện có 43,7 triệu người đang sử dụng các thiết bị smartphone trên gần 100 triệu dân. Dù vậy, khoảng 30% người dân trưởng thành vẫn chưa có tài khoản NH. Theo nhiều chuyên gia, những chỉ số mới với nền kinh tế phát triển sẽ không chỉ là tăng trưởng GDP, chỉ số lạm phát... mà còn khả năng tận dụng công nghệ kỹ thuật mới, tự động hóa, khả năng thích ứng để nền kinh tế trở nên thông minh hơn, năng động hơn.
Xem thêm: mth.73620050202101202-os-gnah-nagn-gnas-nas-nal-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.moc.dln