Được thành lập từ năm 2016, BEV bắt đầu tài trợ cho các công ty khởi nghiệp ngay khi làn sóng đầu tư công nghệ sạch thứ hai đang trên đà nở rộ.
Theo một báo cáo của PwC công bố năm ngoái, dòng tiền VC đổ vào các công ty khởi nghiệp có thể giúp cắt giảm khí thải đã tăng lên 16 tỷ USD vào năm 2019, so với 400 triệu USD năm 2013, tức tăng gấp 40 lần.
Sự bùng nổ công nghệ sạch lần đầu tiên mang đến sự thất vọng. Các nhà đầu tư mạo hiểm đã mất hơn một nửa trong số 25 tỷ USD đầu tư từ 2006 đến năm 2011. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm tăng thêm thiệt hại, nhưng các chuyên gia tin rằng có vấn đề lớn hơn với triết lý đầu tư cơ bản.
Đầu tiên, các VC đang tìm cách tái tạo thành công trong các công ty khởi nghiệp internet, mong đợi lợi nhuận từ các khoản đầu tư vào công nghệ trong chưa đầy 5 năm.
Thứ hai, các loại công nghệ mà họ đầu tư vào hầu hết chỉ giới hạn ở điện tái tạo, nhiên liệu sinh học và xe điện – tất cả đều phụ thuộc nhiều vào các quy định của chính phủ để phát triển.
BEV đã rút ra bài học từ thất bại đó.
Công ty đưa ra một quỹ hoạt động trong 20 năm, thay vì mong đợi lợi nhuận chỉ trong 5 năm. Công ty cũng theo đuổi các công nghệ lớn hơn, bao gồm dành cho nông nghiệp, các tòa nhà, giao thông vận tải và sản xuất. Lợi nhuận vẫn là mục tiêu cuối cùng, nhưng BEV đặt ra một tiêu chí khác: các công ty cần phải chỉ ra con đường mở rộng quy mô sẽ cắt giảm ít nhất 500 triệu tấn khí thải CO2 hàng năm – tương đương 1% lượng khí thải toàn cầu.
Các công ty khởi nghiệp phần mềm có thể nhanh chóng thay đổi, chuyển từ ý tưởng này sang ý tưởng khác khi kế hoạch kinh doanh không phù hợp. Kiểu xoay trục đó rất hiếm đối với các công ty công nghệ sạch, bởi thời gian và số tiền cần phải chi ra trước khi thất bại trở nên rõ ràng.
Đó là lý do vì sao BEV dựa vào một nhóm gồm các học giả, doanh nhân, cựu quan chức chính phủ và ngân hàng, cùng các nhà đầu tư VC. Nhiệm vụ của họ không chỉ là đánh giá một ý tưởng và đội ngũ đứng sau nó, mà còn đánh giá một cách chặt chẽ tính khả thi, tiềm năng của các công ty công nghệ mới.
Eric Toone, trưởng nhóm kỹ thuật của BEV cho biết: "Chúng tôi đã xây dựng một đội ngũ kỹ thuật tuyệt vời và khả năng đóng quỹ thứ hai của chúng tôi là một minh chứng cho hoạt động của họ. Vòng đầu tiên bao gồm các khoản đầu tư vào công nghệ phức tạp như lưu trữ năng lượng, khai thác lithium, hàng không điện, dầu cọ tổng hợp, thép không carbon, tuabin thủy điện và thậm chí cả phản ứng tổng hợp hạt nhân.
Mặc dù BEV đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu và không kỳ vọng thu được lợi nhuận nhanh chóng, nhưng sự gia tăng của các công ty năng lượng sạch đại chúng đã giúp cho công ty có khoản thoái vốn đầu tiên.
QuantumScape, công ty sản xuất pin lithium-ion thế hệ tiếp theo được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York vào tháng 9 năm ngoái. Định giá của nó tăng từ 3 tỷ USD lên 20 tỷ USD, dù sản phẩm pin sẽ không được tung ra thị trường trước năm 2025.
Khi danh mục đầu tư của mình bắt đầu hoàn thiện, BEV sẽ bắt đầu tập trung tìm phương án tốt nhất để mang lại những đổi mới cho người tiêu dùng.
Trong số các nhà đầu tư chính quỹ đầu tiên của BEV có Jeff Bezos (Amazon), Mukesh Ambani (Reliance Industries), Richard Branson (Virgin Group), Jack Ma (Alibaba Group) và giám đốc quỹ đầu cơ Chris Hohn. Michael Bloomberg, người sáng lập và chủ sở hữu phần lớn của Bloomberg LP cũng rót tiền vào BEV. Nguồn tin của Bloomberg cho biết, nhiều nhà đầu tư thế hệ đầu tiên sẽ tiếp tục tham gia tại vòng số hai, bên cạnh đó cũng có một số cái tên mới.
1 tỷ USD tiếp theo sẽ được dành cho 40 – 50 công ty khởi nghiệp. Mặc dù vẫn quan tâm đến các công ty công nghệ, nhưng BEV sẽ tập trung đặc biệt vào đối phó thách thức của khí hậu khắc nghiệt hơn, thép và xi măng xanh hơn, vận tải đường dài…
Trong các lĩnh vực mà BEV không tìm thấy các startup có thể đầu tư, công ty này sẽ thành lập các công ty mới dựa trên chuyên môn kỹ thuật của mình. Mô hình này đã được thực hiện thành công một lần, nhưng cái tên vẫn chưa được tiết lộ.
Đông A
Doanh nghiệp và tiếp thị