Có khi người ta thấy gia đình anh ở miền Tây, lúc lại thấy ở Đà Lạt, Măng Đen...
Trò chuyện với Tổ ấm, bác sĩ Lê Quốc Tuấn (sinh năm 1987, quê Bến Tre) chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất với ba mẹ mình sau quãng đường khó khăn từng qua:
- Tôi nhớ nhất là những ngày tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia những năm cấp III. Lúc đó, cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng ba mẹ rất thương con, ủng hộ con hết mình trong chuyện học hành. Những ngày chuẩn bị thi, mẹ dậy sớm chuẩn bị nấu đồ ăn sáng, ba đưa tôi đến tận trường thi trên chiếc xe đạp kỷ niệm của gia đình. Lúc hay tin con được giải, ba mẹ mừng vui muốn rơi cả nước mắt.
Cho đến tận những ngày xa quê lên thành phố học đại học, ba mẹ vẫn luôn dõi theo và là nguồn động viên to lớn để giúp tôi vượt qua khó khăn.
Hạnh phước lớn nhất của con
* Ở tuổi ngoài 70 tuổi, ba mẹ được con trai lái xe đưa đi nhiều nơi, ông bà chắc vui lắm?
- Ba mẹ vui và tự hào về tôi, đó là hạnh phước lớn của một người làm con. Công việc của tôi khá bận rộn, vì vừa là một giảng viên trên giảng đường đại học, lại vừa là một bác sĩ tại khoa phòng bệnh viện, một nghề nhưng hai nghiệp. Tuy vậy, dịp cuối tuần, tôi luôn cố gắng dành thời gian cho gia đình và đặc biệt là cho ba mẹ.
Cuộc sống không ai biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra, ba mẹ lại lớn tuổi. Do đó, bất kỳ thời gian nào cho phép, tôi luôn dành tặng cho ba mẹ, để ba mẹ có được những giây phút bình an và thư thái tuổi xế chiều.
* Anh quan niệm thế nào về cách thức báo hiếu - nhất là trong bối cảnh hiện nay?
- Báo hiếu là việc làm cần thiết để đáp lại ân nghĩa vô cùng to lớn của ba mẹ. Tùy điều kiện của mỗi người, chúng ta có thể làm theo những cách khác nhau, quan trọng nhất là tấm lòng chân thành của mình đối với ba mẹ. Những thứ quý giá nhất trong đời này có lẽ không hẳn là bạc tiền, mà là tình yêu thương dành cho đấng sinh thành.
Ở tuổi thất thập cổ lai hy, có lẽ điều ba mẹ cần nhất chính là sự chia sẻ đến từ con cái, cả chia sẻ vật chất lẫn chia sẻ tinh thần. Ba mẹ cần sự thấu hiểu của con cái, bởi tuổi già làm cho người ta dễ có cảm giác lạc lõng và cô đơn giữa thế giới của những người trẻ.
Họ có thể gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống mà bạn cho là hiện đại, và do vậy họ rất cần chúng ta ở gần bên, mang đến cảm giác bình yên và an toàn.
Người lớn cần gì ở ta?
* Người lớn tuổi, vấn đề sức khỏe là quan trọng nhất, là con, cũng là một bác sĩ, anh đã chăm sóc hay hướng dẫn ba mẹ mình sống vui, sống khỏe, hay đối diện với bệnh tật và tuổi già ra sao?
- Ba mẹ tôi cũng trải qua nhiều lần bệnh nặng, phải nằm viện và phẫu thuật. Giống như mọi người, những lúc ấy tôi luôn ở bên ba mẹ để chăm sóc và động viên. Khi đó, mình không còn là giảng viên đại học hay một bác sĩ y khoa nữa, chỉ đơn giản là một người con của ba mẹ mà thôi.
Không phải tất cả bệnh tật đều có thể phòng tránh hay chữa khỏi tuyệt đối, do đó tôi luôn trò chuyện với ba mẹ để họ hiểu rằng mọi thứ đều cần phải được chấp nhận và buông bỏ. Cho dù con có là bác sĩ cũng không thể giúp mọi người chống lại được quy luật tử sanh thường tình của tự nhiên.
Tôi thường đưa ba mẹ đi đây đó, hay đưa ba mẹ về một căn nhà rộng rãi ở ngoại ô sinh sống, ở đó có không gian trong lành và lấy việc chăm cây chơi kiểng làm thú vui tao nhã của tuổi già.
Ngoài ra, thỉnh thoảng tôi cũng đưa ba mẹ đi lễ chùa hoặc nghe các sư thầy trò chuyện về đạo pháp, triết lý sống an vui. Chúng ta sinh ra trên cõi đời này đều là để chuẩn bị cho hành trình đi về với hư vô, do vậy tâm lý nên sẵn sàng cho cuộc giác ngộ và thanh thản khi ra đi.
Có lẽ với tôi, đó là một việc quan trọng và thiết thực mà bất kỳ ai cũng có thể làm được để trợ duyên cho ba mẹ trong tuổi xế chiều.
Sự bình an trong tâm hồn sẽ quyết định sự bình an trong thể xác của chúng ta.
Những mảnh ký ức còn sót lại trong trí nhớ của một bà cụ hơn 90 tuổi, tôi vẫn chỉ là một cô bé lẽo đẽo theo bà đi chợ, đòi mua cái nọ cái kia, mãi mãi không muốn lớn lên.