vĐồng tin tức tài chính 365

Phân khúc ô tô cỡ A: "Mảnh ruộng lạ" của xe Nhật Bản

2021-01-21 10:14

Thị trường ô tô Việt Nam còn nhỏ bé và chưa được chăm bẵm giống như một mảnh ruộng mới vỡ. Ở phân khúc cỡ A, nếu ví các mẫu xe Hyundai Grand i10, VinFast Fadil như họ khoai dễ sinh sôi, đủ dưỡng chất, có thể ăn trừ bữa lúc khó khăn thì các mẫu xe đến từ Nhật Bản lại truyền thống, phải chăm chút ở nhiều công đoạn như cây lúa.

Bởi vậy, "khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen", dường như phân khúc xe cỡ A chính là mảnh ruộng lạ không phù hợp cho việc canh tác cây lúa.

Phân khúc ô tô cỡ A: "Mảnh ruộng lạ" của xe Nhật Bản - Ảnh 1.

Mẫu xe thương hiệu Việt VinFast Fadil lên "ngôi vương" phân khúc cỡ A chỉ sau 2 năm chính thức ra mắt thị trường.

"NGÔI VƯƠNG" XE THƯƠNG HIỆU VIỆT

Cuối năm 2018, hãng xe nội địa VinFast chính thức giới thiệu bộ 3 sản phẩm đầu tiên của mình ra thị trường gồm Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0. Lúc này, những nghi ngại vẫn còn đó với thương hiệu ô tô non trẻ của một ngành công nghiệp ô tô vẫn đang loay hoay tìm đường.

Nhưng không ít người tiêu dùng khi ấy đã "tạm ứng niềm tin" cho VinFast khi nhìn vào hệ sinh thái các ngành nghề cao cấp mà tập đoàn VinGroup đang vận hành. Cũng cần thừa nhận rằng, những niềm tin được tạm ứng ấy phần nào xuất phát từ tâm lý ủng hộ cho "người nhà". Không phải ngẫu nhiên mà chính VinFast cũng đã đặt ra slogan của mình là "mãnh liệt tinh thần Việt".

Sau hơn một năm ra mắt thị trường, các mẫu xe VinFast bắt đầu khẳng định được vị thế của mình. Các khoản niềm tin tạm ứng trước đây của người tiêu dùng cũng đã chuyển sang hình thái "đặt cọc".

Định vị ở các phân khúc xe cao cấp, Lux A2.0 và Lux SA2.0 đương nhiên gặp nhiều khó khăn hơn trên đường chiếm lĩnh thị trường, ít nhất là xét trên con số. Còn với "em út" Fadil, mẫu xe cỡ A này đã có cú bứt tốc mạnh mẽ thậm chí ngoài dự đoán của nhiều người.

Cộng dồn cả năm 2020, đã có đến 18.016 chiếc xe VinFast Fadil bán ra thị trường. Con số này lập tức giúp mẫu xe thương hiệu Việt chiếm lĩnh "ngôi vương" phân khúc cỡ A, vượt mặt hai hảo thủ xưa nay là Hyundai Grand i10 và Kia Morning.

Theo thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong năm 2020, mẫu xe Hyundai Grand i10 đạt sản lượng bán hàng 17.569 chiếc còn Kia Morning chỉ đạt vẻn vẹn 6.228 chiếc.

Lợi thế của VinFast Fadil, ngoài tinh thần người Việt dùng hàng Việt, thì mẫu xe này còn bứt tốc nhờ chính những điểm mạnh về sản phẩm.

Trong cùng phân khúc, kích thước của Fadil chỉ nhỏ hơn đôi chút so với phiên bản sedan Grand i10. Bù lại, mẫu xe nội địa lại sở hữu danh mục trang bị dày đặc hơn cả. Đáng kể nhất là Fadil là cái tên duy nhất trong phân khúc được trang bị động cơ dung tích 1.4L, mạnh mẽ hơn tất cả phần còn lại. Các mẫu xe khác đều chỉ sử dụng động cơ có dung tích từ 1.0L đến 1.2L.

Bên cạnh đó, cú bứt tốc của VinFast Fadil cũng diễn ra trong một bối cảnh bất thường của thị trường. Cả năm 2020, không chỉ ngành ô tô mà cả nền kinh tế phải gánh chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

"Cái khó ló cái khôn", viễn cảnh khó khăn của thị trường vẽ ra hồi đầu năm đã khiến Chính phủ phải ra quyết sách là ưu đãi 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp trong nước. Ngay sau khi chính sách hỗ trợ có hiệu lực từ cuối tháng 6/2020, VinFast thậm chí bù đắp thêm 50% lệ phí trước bạ còn lại cho khách hàng của mình.

Việc tiết kiệm được toàn bộ lệ phí trước bạ, một khoản tài chính không nhỏ tương đương 10-12% trên giá xe tuỳ từng địa phương, đã kích thích mạnh mẽ sức mua trên thị trường với VinFast Fadil nói riêng và các loại xe lắp ráp trong nước nói chung.

Một lợi thế cực lớn nữa góp phần giúp Fadil soán ngôi của Grand i10 chính là hệ sinh thái các ngành nghề và dịch vụ của tập đoàn mẹ VinGroup. Cùng với 2 đàn anh Lux A2.0 và Lux SA2.0, Fadil cũng được hưởng lợi không nhỏ khi được đưa vào các chương trình ưu đãi, quà tặng đối với những khách hàng mua nhà, sử dụng dịch vụ cao cấp của VinGroup. Có thời điểm, "voucher VinFast" đã trở thành cụm từ hot nhất trên internet. Nhiều người tiêu dùng tìm cách gom các loại voucher của tập đoàn VinGroup để quy đổi giá trị khi mua xe.

Trong năm ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, VinFast cũng chính là hãng xe mạnh tay nhất trong mục tiêu kích cầu thị trường. Ngoài hỗ trợ toàn bộ lệ phí trước bạ, ưu đãi qua hình thức voucher, khách mua xe VinFast cũng tiết kiệm được rất nhiều chi phí nhờ chính sách miễn lãi suất 2 năm đầu khi mua xe trả góp. Với mẫu xe cỡ A như Fadil, các chính sách này rõ ràng đã giải quyết trọn vẹn những khó khăn của phần lớn người tiêu dùng mua xe lần đầu, nơi mà các phân khúc xe lớn hơn không hề hiện hữu.

XE NHẬT – ĐÔNG NHƯNG KHÔNG TINH

Một thập niên trước đây, phân khúc ô tô cỡ A vốn chỉ là "sân chơi" của bộ 3 xe đến từ Hàn Quốc là Daewoo Matiz (sau này thành Chevrolet Spark), Kia Morning và Hyundai Grand i10.

Thủa sơ khai, Daewoo Matiz độc bá thiên hạ. Khi tập đoàn Thaco nắm quyền sản xuất và phân phối thương hiệu xe Kia, mẫu xe Morning đã lập tức soán ngôi. Khi thương hiệu Hyundai được chuyển từ Hyundai Việt Nam (HMV) sang Thành Công (nay là TC Motor), ngôi vương xe cỡ A lại được chuyển sang tay Grand i10. Và như đã đề cập ở trên, sau năm 2020, ngôi vương xe cỡ A lại một lần nữa được luân chuyển và lần này là mẫu xe thương hiệu Việt VinFast Fadil.

Nhìn vào cục diện chung của phân khúc xe cỡ A có thể thấy một điểm khác lạ. Trong số 7 mẫu xe đang có mặt trên thị trường thì có đến 4 cái tên đến từ xứ sở hoa Anh đào, gồm Mitsubishi Mirage, Suzuki Swift, Toyota Wigo và Honda Brio.

Toyota Wigo từng được kỳ vọng đưa làn gió mới vào phân khúc xe cỡ A.

Toyota Wigo từng được kỳ vọng đưa làn gió mới vào phân khúc xe cỡ A.

Vấn đề nằm ở chỗ xe Nhật đông nhưng không tinh. Báo cáo của VAMA cho biết, trong năm 2020 vừa qua, chỉ có 2.561 chiếc Toyota Wigo được bán ra thị trường, con số với Honda Brio là 2.906 chiếc, còn Suzuki Swift và Mitsubishi Mirage chỉ đạt lần lượt 648 chiếc và 156 chiếc.

Tính ra, chỉ riêng VinFast Fadil và Hyundai Grand i10 đã chiếm đến 75% thị phần của toàn bộ phân khúc xe cỡ A, áp đảo hoàn toàn các mẫu xe còn lại.

Tại sao lại có sự chênh lệch lớn đến như vậy? Tại thị trường ô tô Việt Nam, các hãng xe Nhật Bản thường bị coi là bảo thủ và quá chắc chắn trong các kế hoạch sản phẩm. Chính điều này dẫn đến sự chậm trễ và định vị sai lệch đối tượng khách hàng.

Khi bộ đôi xe Hàn Quốc Kia Morning và Hyundai Grand i10 đã có cả một thời kỳ dài làm mưa làm gió thì phải đến giữa thập niên 2010, các hãng xe Nhật Bản mới rục rịch đưa các mẫu xe cỡ A về Việt Nam.

Với một thị trường ô tô còn nhỏ bé và đa số người tiêu dùng mới chỉ mua xe lần đầu và khả năng tài chính hạn chế thì phân khúc xe cơ A vốn dĩ là chiếc bánh lớn để chia sẻ. Thế nhưng, cùng với sự chậm trễ, có thể thấy các mẫu xe cỡ A đến từ Nhật Bản hầu hết đều có giá bán cao hơn trong khi thiết kế cũ kỹ và trang bị công nghệ nghèo nàn.

Với đặc thù của đa số khách hàng xe cỡ A, giá bán lẻ là yếu tố quan trọng nhất tác động đến quyết định mua sắm. Song cũng còn vài yếu tố rất quan trọng nữa là thiết kế phải trẻ trung, bắt mắt và trang bị công nghệ phải hiện đại trong tâm thế chấp nhận chất lượng thấp hơn. Ở phân khúc xe cỡ A, các yếu tố cần được hội tụ vào một câu châm ngôn của người Việt: Ngon – bổ - rẻ.

Nhưng các hãng xe Nhật Bản thì không đồng ý với quan điểm đó và do vậy, khả năng cạnh tranh trở nên trục trặc cũng hoàn toàn dễ hiểu.

PHÂN KHÚC XE Ô TÔ CỠ A TẠI VIỆT NAM NĂM 2020

Nguồn số liệu: TC Motor, VAMA, VinFast.

Nguồn số liệu: TC Motor, VAMA, VinFast.

GIÁ BÁN LẺ, THÔNG SỐ KỸ THUẬT XE Ô TÔ CỠ A TẠI VIỆT NAM

Phân khúc ô tô cỡ A: "Mảnh ruộng lạ" của xe Nhật Bản - Ảnh 4.

 

Xem thêm: mth.79945956102101202-nab-tahn-ex-auc-al-gnour-hnam-a-oc-ot-o-cuhk-nahp/nv.ymonocenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Phân khúc ô tô cỡ A: "Mảnh ruộng lạ" của xe Nhật Bản”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools