Sau nhiều năm, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên vẫn ở trong tình trạng làm ăn bết bát, doanh thu và lợi nhuận luôn ở mức thấp, trong khi lãi vay ở mức cao.
CTCP Gang thép Thái Nguyên vừa công bố báo cáo tài chính quý IV.2020 và báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020.
Trong quý IV.2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần là 3.962 tỉ đồng, không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, giá vốn bán hàng cao, cộng thêm các chi phí quản lý doanh nghiệp, lãi vay lớn nên doanh nghiệp đạt mức lợi nhuận sau thuế chỉ 2,4 tỉ đồng cho cả quý IV.2020. Dù thấp, song đây cũng là mức lợi nhuận dương, trong khi cùng kỳ năm 2019, doanh nghiệp này ghi nhận khoản lỗ hơn nửa tỉ đồng.
Cả năm 2020, Gang thép Thái Nguyên ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.566 tỉ đồng, giảm 8,3% so với doanh thu đạt được năm 2019. Trong năm 2020, chi phí tài chính của doanh nghiệp ghi nhận hơn 155 tỉ đồng, giảm khoảng 1,4 lần so với cùng kỳ. Chi phí bán hàng cũng giảm gần 5 tỉ đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng gần 15 tỉ đồng.
Dù đã tiết giảm được 1 số chi phí, song với doanh thu giảm cùng nhiều khoản phí tăng, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Gang thép Thái Nguyên vẫn giảm hơn một nữa so với năm 2019. Cụ thể, năm 2020, doanh nghiệp đạt lợi nhuận sau thuế 18,8 tỉ đồng, trong khi năm 2019, con số này là hơn 40,7 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ đạt hơn 17 tỉ đồng.
Như vậy năm 2020, Gang thép Thái Nguyên lại không thể hoàn thành kế hoạch đặt ra trong Nghị quyết đại hội cổ đông thường niên năm 2020. Theo đó, Tisco đặt mục tiêu đạt doanh thu 13.478 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 75,2 tỉ đồng. Doanh nghiệp chỉ đạt được gần 71% kế hoạch doanh thu và 25% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Tại ngày 31.12.2020, tổng tài sản của Tisco đạt hơn 9.357 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tài sản ngắn hạn là các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho chiếm tới 1.248 tỉ đồng trong tổng tài sản, trong khi đó, tiền và các khoản tương đương chỉ có 126 tỉ đồng.
Các tài sản dài hạn hầu hết là các dự án đang dang dở lên tới 5.697 tỉ đồng, trong đó có các dự án được đầu tư hàng nghìn tỉ nhưng vẫn đắp chiếu. Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên có tổng mức đầu tư 8.100 tỉ đồng được xây dựng từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn "đắp chiếu" đã khiến nhiều cán bộ vướng lao lý trong thời gian qua.
Ngoài ra, trong khi vốn chỉ sở hữu chỉ đạt hơn 1.800 tỉ đồng thì doanh nghiệp lại có mức vay nợ khủng, chiếm hơn 4.567 tỉ đồng. Tổng số nợ phải trả là 7.460 tỉ đồng.
Trong khi đó, năm 2020 được coi làm ăn tốt của các ông lớn ngành thép. Tập đoàn Hòa Phát, Thép Nam Kim, Hoa Sen... có các khoản lãi tăng đột biến, giá trị vốn hóa tăng cao khi cổ phiếu ngành thép tăng mạnh, dẫn dắt thị trường.
Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát tính đến ngày 30.9.2020 đã thu về 17.526 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng so với đầu năm. Cổ phiếu HPG của Hoà Phát cũng liên tục ghi nhận mức tăng trong thời gian qua. Trong phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu HPG tăng 950 điểm lên 42.650 đồng/ cổ phiếu. Trong khi đó, tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ cũng đạt mức lợi nhuận tốt 766 tỉ đồng đến 30.9.2020.