Chính quyền Biden sẽ củng cố các ràng buộc hạt nhân với Iran bằng con đường ngoại giao - Ảnh: REUTERS
Ông Biden cho rằng nếu Tehran tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt các thỏa thuận hạt nhân 2015, bao gồm hạn chế chương trình hạt nhân của mình để được giảm bớt các lệnh trừng phạt kinh tế - thì Washington cũng sẽ làm như vậy.
Bà Psaki cho biết: "Tổng thống tin rằng thông qua các chính sách ngoại giao tiếp theo, Mỹ sẽ tìm cách kéo dài và củng cố các ràng buộc hạt nhân đối với Iran và giải quyết các vấn đề quan tâm khác. Tuy nhiên, Iran phải tiếp tục tuân thủ các ràng buộc quan trọng theo thỏa thuận hạt nhân để câu chuyện có thể tiếp tục".
Cũng theo bà Psaki, ông Biden đã có "một số cuộc trò chuyện trước đây với các đối tác và các lãnh đạo nước ngoài sẽ trở thành đối tác và đồng minh, nên dự đoán chắc chắn là vấn đề Iran sẽ là một phần của các cuộc thảo luận của họ".
Năm 2018, Tổng thống Donald Trump từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Gần đây nhất, hôm 15-1, chính quyền của ông Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran bằng việc tăng cường sức ép lên Tehran vào những ngày cuối cùng trước khi chuyển giao quyền lực cho ông Joe Biden.
Sau hành động đơn phương của Mỹ năm 2018, Iran đã mở rộng phạm vi các giới hạn chính của mình như xây dựng kho dự trữ uranium làm giàu thấp, làm giàu uranium lên mức độ tinh khiết cao hơn và lắp đặt các máy ly tâm theo các phương thức mà thỏa thuận không cho phép.
Trước lễ nhậm chức của ông Biden, theo nguồn tin từ Reuters, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 20-1 đã kêu gọi chính quyền của ông Joe Biden quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Iran.
Trong cuộc họp nội các được phát trên truyền hình, Tổng thống Rouhani phát biểu: "Quả bóng đang ở trên sân nhà của Mỹ. Nếu Washington quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran, chúng tôi cũng sẽ hoàn toàn tôn trọng các cam kết của mình theo thỏa thuận".
Tuy nhiên, trước mắt, ông Biden có rất nhiều việc phải làm trên cương vị mới, đặc biệt là vấn đề trong nước.
Antony Blinken, người được ông Biden chọn cho vị trí ngoại trưởng, cho rằng Washington không phải quyết định nhanh chóng về việc có tham gia lại thỏa thuận hạt nhân hay không mà sẽ cần xem Iran thực sự đã làm gì để tiếp tục tuân thủ thỏa thuận. Cụ thể, Mỹ còn "một chặng đường dài" để tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân năm 2015, trong đó Iran phải hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Dù sao đi nữa, chính quyền của ông Biden hứa hẹn về một chiến lược chính sách đối ngoại gắn kết hơn với các đồng minh và đối tác của Mỹ, phục hồi nền ngoại giao bị tổn hại và chống lại những thách thức quốc tế.
Ngày 14-7-2015 tại Vienna (Áo), Iran và các nước nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đạt được một thỏa thuận hạt nhân có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran.
Thỏa thuận chấm dứt 12 năm bế tắc về chương trình hạt nhân của Iran. JCPOA về cơ bản buộc Iran phải minh bạch và giảm việc làm giàu uranium - công đoạn quan trọng để chế tạo vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Tehran có thể được tháo gỡ cấm vận.
Tùy theo sự cam kết của Iran, mức độ tháo gỡ cấm vận sẽ song hành dần dần trong thời gian 10 năm từ 2015 tới 2025.
Cựu Tổng thống Donald Trump gọi đây là "một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất lịch sử", vì nó không thể ngăn cản Iran chế tạo vũ khí hạt nhân. Do thời hạn thực hiện thỏa thuận chỉ vỏn vẹn 10 năm nên xem như Iran chỉ "tạm cất" chương trình hạt nhân lại. Ngày 8-5-2018, ông Trump công bố quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran mặc dù các nước đồng minh còn lại phản đối và cố níu kéo thỏa thuận này.
TTO - Iran đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015, làm giàu uranium và lên kế hoạch lắp đặt thiết bị tối tân hơn so với thông báo trước đây, theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế thuộc LHQ.