Hình ảnh người phụ nữ không mặc áo ngực, chụp ảnh ở chốn đông người, nơi có nhiều trẻ em, thậm chí là ảnh "thả rông" check-in tại đền Ngọc Sơn - một nơi linh thiêng ngay trung tâm Hà Nội… đang khiến dân mạng phẫn nộ, phản đối gay gắt.
Nhiều ý kiến cho rằng, những hình ảnh phản cảm tương tự cần phải xử lý, để không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục. Tránh tình trạng không thấy ai bị xử lý tạo tiền lệ cho những trường hợp khác cũng ăn mặc phản cảm nơi công cộng.
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm: “Các cụ xưa có câu “đẹp thì phô ra, xấu xa đậy lại”, thế nhưng phô ra cũng phải đúng nơi, đúng chỗ, chứ không phải thích khoe cái gì ở đâu thì khoe, phải phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.
Cũng là ăn mặc nhưng ở thời điểm nào, không gian nào để mang nét văn hóa lại là một chuyện khác. Ví dụ như có thể ăn mặc “thoáng mát” một chút ở những nơi vui chơi, vũ hội, nhưng cũng là bộ quần áo “mát mẻ” như thế mà đi vào khu trường học, khu thờ tự, nhà tang lễ thì không thể chấp nhận được”.
Luật sư Bùi Đình Ứng nhấn mạnh: “Người phụ nữ “thả rông” đang gây sốt trên mạng xã hội cho rằng bản thân có công ăn việc làm đàng hoàng, dư luận không thể đánh giá cô ấy là thiếu văn hóa, thiếu đạo đức… Nhưng vấn đề là việc đánh giá văn hóa của một con người không phải là đánh giá họ làm ở vị trí nào, nghề nào…
Văn hóa không chỉ là ở trình độ học vấn. Văn hóa ở đây là nét đẹp ứng xử ẩn chứa trong một con người. Các cụ thường có câu “9, 10 bằng đại học mà không có văn hóa thì cũng bỏ đi” là ngụ ý như vậy”.
Theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 8, luật An ninh mạng 2018 thì các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng không gian mạng để thực hiện như: Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Luật sư Bùi Đình Ứng phân tích: “Theo quy định trong luật cũng có thể xử lý về trường hợp cố tình lan truyền video, hình ảnh mang tính gợi dục, trái thuần phong, mỹ tục của dân tộc… Chúng ta hoàn toàn có quy định, có luật xử lý, thế nhưng trên thực tế, để xử lý được thì lại phải đánh giá từng trường hợp. Vấn đề này phải trưng cầu giám định, phụ thuộc vào kết quả giám định của cơ quan chuyên môn xem hình ảnh, video đó có mang tính gợi dục, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội hay không?”.