Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành ngay sau chủ trương Đổi mới được đề ra tại Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986 đánh dấu một bước chuyển mình căn bản về thể chế kinh tế thị trường, khơi thông các nguồn lực cũng như thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và đóng góp quan trọng vào thành tựu nâng quy mô nền kinh tế Việt Nam lên gấp 13 lần so với năm 1986.
“Mở cửa” tạo chuyển biến về thể chế kinh tế thị trường
Bất chấp bối cảnh khủng hoảng do COVID-19 tác động mạnh đến chuỗi cung ứng toàn cầu, tính đến cuối năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn đạt con số 28,53 tỉ USD. Trong xu hướng đầu tư toàn cầu có nhiều dịch chuyển, vốn đầu tư FDI tiếp tục duy trì kết quả khả quan trong năm 2020 cho thấy, Việt Nam tiếp tục được lựa chọn là điểm đến hấp dẫn và an toàn với các nhà đầu tư nước ngoài. Cộng với số vốn đăng ký mới, lũy kế đến cuối tháng 12.2020, cả nước có 33.070 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 384 tỉ USD; vốn thực hiện ước đạt 231,86 tỉ USD, bằng 60,4% vốn đăng ký còn hiệu lực.
Với tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư FDI hằng năm ổn định ở mức 10,4% trong giai đoạn từ năm 2013-2019, Việt Nam trong thập kỷ qua được đánh giá là một trung tâm quan trọng thu hút nguồn vốn FDI của thế giới. Những đột phá vượt bậc trong thu hút FDI cũng giúp Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất khu vực và trên thế giới, trở thành địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Tổ chức Thương mại và phát triển Liên Hợp Quốc ngay từ năm 2017 cũng đánh giá Việt Nam là 1 trong 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI.
Trong những yếu tố tạo nên kỳ tích FDI, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) - ông Nguyễn Chí Dũng - nhìn nhận, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành năm 1987, chỉ một năm sau khi chủ trương Đổi mới được đề ra tại Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986, đánh dấu một bước chuyển mình căn bản về thể chế kinh tế thị trường, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế. Đây là một trong những yếu tố có đóng góp quan trọng vào thành tựu tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đưa quy mô nền kinh tế từ mức xấp xỉ 27 tỉ USD vào năm 1986 tăng vọt 13 lần lên 343 tỉ USD với GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD vào cuối năm 2020. Còn theo đánh giá của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), kết thúc năm 2020, nếu tính theo sức mua tương đương, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 1.050 tỉ USD với GDP bình quân đầu người đạt trên 10.000USD.
Động lực thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế
Từ chủ trương đúng đắn về Đổi mới được đề ra Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986, theo đánh giá của Bộ KHĐT, sau hơn 30 năm triển khai Luật Đầu tư nước ngoài ban hành năm 1987, đến nay khu vực FDI ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dữ liệu của Bộ KHĐT cho thấy, FDI hiện đóng góp khoảng 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển với tỉ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 58% tổng vốn đầu tư FDI tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, kim ngạch xuất khẩu của khu vực này cũng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong xuất khẩu cả nước. Đây cũng là khu vực tạo việc làm cho gần 4 triệu việc làm trực tiếp và khoảng 5 triệu việc làm gián tiếp.
Với các dữ liệu trên, FDI đóng góp vai trò là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đồng thời có đóng góp đáng kể vào việc phát triển ngành dịch vụ chất lượng cao ở Việt Nam trong những năm qua, như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, vận tải biển, logistics, giáo dục - đào tạo, y tế, du lịch. Đây cũng là nhân tố góp phần chuyển đổi không gian phát triển, hình thành các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Cũng theo phân tích của Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, sau hơn 30 năm, khu vực FDI còn tạo thuận lợi cho Việt Nam mở rộng thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, từng bước tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Nhờ có định hướng này, xuất khẩu của khu vực FDI tăng nhanh trong thời gian gần đây, góp phần quan trọng làm cân bằng cán cân thương mại, giảm áp lực tỉ giá và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài còn góp phần tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế.
Để nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI, ThS Trần Văn Dũng trong nghiên cứu mới đây đề xuất cần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 50 ngày 20.8.2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đến năm 2030. Tăng cường liên kết giữa ĐTNN và đầu tư trong nước, khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam. Các cơ quan có trách nhiệm xúc tiến đầu tư cần chủ động làm việc với nhà đầu tư đã có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam để trao đổi, định hướng và thống nhất sơ bộ về thủ tục đầu tư, không để các nhà ĐTNN đợi cho đến khi dịch bệnh được xử lý dứt điểm mới tiến hành thủ tục. Về dài hạn, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, sửa đổi chính sách, chiến lược thu hút FDI cho phù hợp. N.Văn
* Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Cần chủ động thu hút FDI có chọn lọc
Nên ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng, đất công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ xuất khẩu hỗ trợ doanh nghiệp FDI còn hạn chế.
Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam trong những ngày đầu năm là rất tích cực. Để khu vực FDI thực sự là đòn bẩy vững chắc cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, Việt Nam cần chủ động thu hút FDI có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá hàng đầu. C.N
* PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính quốc tế, Học viện Tài chính: Chỉ thu nạp những nguồn vốn FDI "sạch"
Chúng ta đang cần nguồn vốn FDI và đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút FDI tốt hơn, nhưng điều quan trọng hơn cả là cần phải có "bộ lọc" để chỉ thu nạp những nguồn vốn FDI "sạch", mang tính chất lâu bền từ doanh nghiệp có tầm chứ không chạy theo FDI bằng mọi giá.
Đã đến lúc cần làm việc một cách nghiêm túc, đầy đủ để gắn vốn FDI với tăng trưởng và phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam, gắn lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài với lợi ích của kinh tế Việt Nam chứ không thể cứ tiếp tục chỉ ưu tiên các nhà đầu tư nước ngoài như trước nữa. Lợi ích của kinh tế Việt Nam phải được đặt ra một cách tương xứng. Thay vì thu hút FDI một cách ồ ạt, chúng ta nên chấp nhận bước chậm lại qua “bộ lọc” để đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Đặc biệt, trước khi cấp phép đầu tư, các cơ quan chức năng cần chú trọng việc chọn lọc, thẩm định tính khả thi của dự án, đánh giá năng lực tài chính, uy tín của nhà đầu tư; đồng thời, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, trì trệ để đấu giá tìm nhà đầu tư tiềm năng, phù hợp hơn…
Định hướng đặt ra rõ ràng, cơ hội đón làn đón dịch chuyển vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là rất lớn cùng với đó là chính sách ưu đãi đặc thù, Việt Nam sẽ nỗ lực tận dụng lợi thế này để đón được dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, đóng góp quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo. C.NGUYÊN
Xem thêm: odl.400378-nal-31-nel-et-hnik-nen-om-yuq-gnan-hcih-uc-idf-hcit-yk/et-hnik/nv.gnodoal