Nhờ kiểm soát tốt virus corona, Trung Quốc đã có được sự phục hồi tăng trưởng ấn tượng. Thậm chí, đại dịch Covid-19 mang lại cơ hội bứt phá hiếm thấy cho nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Cuối năm 2019, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên phát hiện chủng mới của virus corona. Loại virus này nhanh chóng lan rộng khắp thế giới và trở thành đại dịch toàn cầu vào đầu năm 2020. Ở Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia khác, các hoạt động kinh tế ở thời điểm đó rơi vào tê liệt, khiến tốc độ tăng trưởng rơi xuống dưới ngưỡng 0. Nền kinh tế toàn cầu hứng chịu cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ thập niên 1930, trong đó kinh tế Trung Quốc sụt 6,8% trong quý 1.
Đến cuối năm, trong lúc phần lớn các nền kinh tế khác còn đang loay hoay ứng phó với một làn sóng Covid-19 mới, kinh tế Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ nhờ bệnh dịch được đưa về tầm kiểm soát cũng như nhu cầu tăng mạnh của thế giới đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này.
NHỮNG THÀNH TÍCH ĐÁNG NỂ
Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố mới đây cho thấy nền kinh tế nước này tăng 6,5% trong quý 4/2020, một mức tăng vượt xa dự báo trước đó của giới phân tích. Cả năm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc tăng 2,3%, đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng trong 2020.
"Con số tăng trưởng quý 4 của Trung Quốc là rất đáng nể. Mức tăng 6,5% thậm chí cao hơn cả tốc độ tăng trước trước đại dịch. Từ đó có thể thấy rằng sự phục hồi tăng trưởng hình chữ V của Trung Quốc đã hoàn tất", chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của JPMorgan Chase, ông Haibin Zhu, nhận định với hãng tin CNBC.
Trái với đà hồi phục nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc, kinh tế Mỹ được dự báo giảm 3,6% và kinh tế khu vực Eurozone giảm 7,4% trong năm 2020, kéo kinh tế toàn cầu giảm 4,3% cả năm - theo báo cáo gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới (WB). Một cột mốc nữa được ghi nhận là GDP của Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 100 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 15,4 nghìn tỷ USD, trong năm 2020, và GDP bình quân đầu người của nước này cũng lần đầu tiên vượt 10.000 USD.
Những kết quả trên tiếp tục củng cố vị thế nền kinh tế số 1 của Trung Quốc ở khu vực châu Á, đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa Trung Quốc với Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,2% trong năm nay, tiếp tục vượt xa mức tăng của các nền kinh tế lớn khác, bao gồm Mỹ.
Trên cơ sở này, ông Homi Kharas, Phó giám đốc phụ trách vấn đề kinh tế toàn cầu thuộc Viện Brookings của Mỹ, dự báo đến năm 2028 Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ đến giành vị trí nền kinh tế số 1 thế giới, sớm hơn 2 năm so với dự báo mà ông đưa ra trước đó. Hồi tháng 12, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) cũng dự báo Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ vào năm 2028 nếu ảnh hưởng kinh tế của Covid-19 kéo dài. Trước đó, JCER không tin cuộc đổi ngôi giữa hai nền kinh tế này sẽ diễn ra trước năm 2036.
Đại dịch Covid-19 và thương chiến Mỹ-Trung dường như không cản được bước tiến của kinh tế Trung Quốc trong tương quan so sánh với thế giới. Theo số liệu của Moody’s Analytics, Trung Quốc chiếm tỷ trọng khoảng 16,8% trong GDP toàn cầu năm 2020 sau khi tính đến yếu tố lạm phát, tăng từ mức 14,2% vào năm 2016 - thời điểm trước khi thương chiến bùng nổ. Trong khi đó, tỷ trọng của kinh tế Mỹ được dự báo đạt 22,2%, giảm nhẹ so với mức 22,3% vào năm 2016.
Ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở khu vực châu Á và trên toàn cầu cũng ngày càng lớn. Dù bị Mỹ áp thuế lên hàng trăm tỷ USD, Trung Quốc vào tháng 11 vừa qua đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, với 14 quốc trong đó có Việt Nam, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Tiếp đó, vào tháng 12, Trung Quốc đạt thỏa thuận đầu tư với Liên minh châu Âu (EU).
"Các quốc gia sẽ phải ứng xử với một thế giới hai cực, tay vì một thế giới đơn cực", chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của TS Lombard, ông Bo Zhuang, nói khi nhận định với hãng tin Bloomberg về ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc.
TĂNG TỐC NGẮN HẠN, GIẢM TỐC DÀI HẠN
Vai trò "công xưởng của thế giới" mà Trung Quốc nắm giữ bấy lâu càng gia tăng trong năm ngoái, khi nước này là nguồn cung cấp chủ đạo khẩu trang, thiết bị y tế và thiết bị làm việc tại nhà - những mặt hàng được tiêu thụ mạnh trên toàn cầu trong đại dịch. Mặt khác, các công ty đa quốc gia có lý do để duy trì đầu tư, hoặc thậm chí tăng đầu tư vào Trung Quốc: nước này có một thị trường tiêu dùng đang tăng trưởng nhanh chóng, thậm chí đã vượt qua thị trường Mỹ và Tây Âu ở nhiều lĩnh vực.
Theo số liệu của Viện Brookings, Trung Quốc hiện chiếm hơn 1/4 dân số trung lưu trên toàn cầu - được định nghĩa là những người có mức chi tiêu dao động từ 11-110 USD/ngày tính theo đồng giá sức mua (PPP). Đây là cột mốc mà giới chuyên gia cho là phải mất thêm 2 năm mới có thể đạt được nếu không xảy ra đại dịch.
Hai hãng sản xuất ô tô General Motors (GM) của Mỹ và Volkswagen của Đức đều bán được nhiều xe tại thị trường Trung Quốc hơn tại thị trường quê nhà của mỗi hãng trong năm 2020. Chuỗi cửa hiệu cà phê lớn nhất thế giới Starbucks dự kiến mở thêm 600 cửa hiệu mới ở Trung Quốc trong năm 2021, trong khi hãng thời trang thể thao Nike lần đầu tiên đạt doanh thu 2 tỷ USD ở Trung Quốc trong quý kết thúc vào tháng 11/2020.
Tuy nhiên, tiêu dùng hiện đang là một mắt xích yếu trong nền kinh tế Trung Quốc. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy doanh thu bán lẻ ở Trung Quốc trong tháng 12/2020 chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, từ chỗ tăng 5% trong tháng 11. Cả năm 2020, doanh thu bán lẻ ở Trung Quốc giảm 3,9% so với 2019.
Chuyên gia Zhu của JPMorgan Chase cảnh báo rằng dịch bùng phát Covid-19 ở tỉnh Hà Bắc, gần thủ đô Bắc Kinh, có thể cản trở sự phục hồi của tiêu dùng ở Trung Quốc. Số ca nhiễm Covid-19 mới của Trung Quốc liên tục ở trên ngưỡng 100 ca mỗi ngày trong những ngày gần đây, khiến một số địa phương phải tiến hành phong tỏa.
Dù vậy, số ca nhiễm Covid-19 tăng có thể sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn. Một số chuyên gia thậm chí dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng hai con số trong quý 1/2021. Chẳng hạn, chuyên gia Iris Pang phụ trách vấn đề kinh tế Trung Quốc tại ngân hàng Hà Lan ING dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 12% trong quý 1 năm nay so với cùng kỳ 2020.
Nhưng trong dài hạn, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc, và đó là xu hướng đã bắt đầu từ trước đại dịch - theo chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu Simon Baptist của The Economist Intelligence Unit.
Ông Baptist nói với CNBC rằng sự giảm tốc trong dài hạn của kinh tế Trung Quốc một phần là hệ quả của những thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế, khi Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào những nguồn lực tăng trưởng từ bên ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ nhận ít vốn đầu tư từ bên ngoài hơn và đối mặt thách thức lớn hơn về cải thiện năng suất.
"Kinh tế Trung Quốc đang hồi phục mạnh, mạnh nhất trong số các nền kinh tế lớn của thế giới", ông Bapitst nói. "Nhưng cũng cần nhớ rằng câu chuyện mang tính cấu trúc ẩn sâu trong nền kinh tế Trung Quốc vẫn là sự giảm tốc của năng suất"./.
KIỀU OANH
Vneconomy
Xem thêm: nhc.54570854122101202-or-cur-gnac-couq-gnurt-et-hnik-hnart-cub-91-divoc-auq-coub/nv.zibefac