Nhà đầu tư F0 sẽ thiệt hại nhiều nhất khi thị trường 'xì hơi'
Đông Hà
(TBKTSG) - Trong tuần qua, một lần nữa chỉ số VN-Index lại vượt qua mốc siêu kháng cự tâm lý 1.200 điểm, trước khi đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần ngày 15-1 ở mức 1.194 điểm. Đây là mốc rất quan trọng, bởi thị trường đã hai lần quay đầu giảm điểm mạnh trong quá khứ vào các năm 2007 và 2018 sau khi chạm mốc kháng cự này.
Thị trường đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu của sự tăng trưởng nóng. Ảnh: THÀNH HOA |
Giá cổ phiếu liệu đã bong bóng?
Có lẽ chưa khi nào thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) lại vững tin như hiện nay. Trong quá khứ đã có nhiều đợt tăng giá nhanh và mạnh nhưng kèm theo giá trị giao dịch lớn như hiện nay thì đây là lần đầu tiên. Vấn đề mà có lẽ rất nhiều nhà đầu tư đang rất băn khoăn hiện nay là liệu thị trường đã bong bóng hay chưa? Bởi nếu chưa thì các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng đổ thêm tiền vào thị trường trong thời gian tới.
Đây thực sự là câu hỏi rất khó để có thể trả lời bởi vì chưa có bất kỳ một khái niệm chuẩn nào hay một chỉ số cụ thể nào để khẳng định về sự bong bóng của giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Do đó, công bằng nhất có lẽ là so sánh các chỉ số hiện nay của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Một trong các chỉ số mà rất nhiều nhà phân tích sử dụng để định giá cổ phiếu là P/E (giá trên thu nhập của một cổ phiếu). Số liệu của Bloomberg cho thấy P/E hiện nay của Việt Nam vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Philippines và thấp hơn nhiều so với thị trường chứng khoán của Mỹ. Nếu so sánh P/E chỉ ở mức gần 20 lần hiện nay thì vẫn còn cách rất xa so với con số khoảng 41 lần của năm 2007, thời điểm được coi là bong bóng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của sự tăng trưởng nóng
Nếu chứng khoán xì hơi thì hậu quả sẽ là rất nặng nề, trước mắt và trực tiếp nhất là các nhà đầu tư F0, những người đã phải tiết kiệm trong nhiều năm liền và hoàn toàn có thể bị thị trường cuốn phăng đi bất cứ lúc nào. |
Nếu so sánh một cách tương quan chỉ số P/E hiện tại với năm 2007, rõ ràng thị trường chứng khoán Việt Nam chưa có dấu hiệu của bong bóng. Tuy nhiên, theo quan điểm của riêng cá nhân tác giả bài viết thì thị trường đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu của sự tăng trưởng nóng. Điều đó có nghĩa là thị trường có thể tăng nhanh nhưng cũng có thể giảm mạnh trở lại về điểm cân bằng.
Sự tăng trưởng nóng thể hiện ở cả giá trị giao dịch và số lượng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường. Sẽ là rất vui nếu dòng tiền được chuyển dịch một cách bền vững từ các kênh đầu tư khác sang thị trường chứng khoán. Bởi nó sẽ giúp cho các doanh nghiệp bớt phụ thuộc hơn vào nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng.
Trong bối cảnh lãi suất thấp như hiện nay rất nhiều người dân đã chuyển các khoản tiền gửi tiết kiệm sang đầu tư cổ phiếu. Thị trường sẽ phát triển bền vững hơn nếu dòng tiền đó được dịch chuyển thông qua các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đó là các công ty đầu tư, công ty quản lý quỹ...
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay lại không phải như vậy khi số lượng tài khoản chứng khoán của các cá nhân được mở mới tăng lên rất nhanh trong thời gian gần đây. Điều đó cho thấy chủ yếu là người dân đã tự đầu tư chứng khoán. Trong đó, có lẽ không thể không nhắc tới vai trò của các nhà đầu tư F0 - những người lần đầu biết tới chứng khoán.
Chúng ta cũng quan ngại khi quan sát về tốc độ tăng trưởng tín dụng trong tháng 12 vừa qua. Chỉ trong 10 ngày cuối cùng của năm 2020 tín dụng đã tăng thêm được 2 điểm phần trăm để kết thúc cả năm ở mức 12,13%. Một con số không thấp hơn bao nhiêu so với năm 2019 (khoảng 13,5%).
Nhiều ý kiến cho rằng rất có thể một phần trong số nguồn vốn tín dụng tăng thêm đã được đổ vào thị trường chứng khoán. Có nhiều sản phẩm để cả cá nhân và doanh nghiệp có thể vay được vốn từ ngân hàng rồi chuyển sang đầu tư cổ phiếu. Đó là nghiệp vụ cho vay thấu chi bằng tiền mặt, cho vay vốn lưu động để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh...
Cùng với đó là tỷ lệ sử dụng đòn bẩy của các nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán hiện cũng ở mức rất cao. Mặt bằng lãi suất thấp đã khiến cho các công ty chứng khoán dễ dàng huy động thêm vốn để cho các nhà đầu tư vay vốn hay còn được biết đến là nghiệp vụ cấp margin.
Mặc dù Ủy ban Chứng khoán nhà nước quản lý tỷ lệ margin cho từng mã cổ phiếu nhưng trên thực tế hiện nay có rất nhiều nhóm cá nhân đứng ra làm trung gian cho vay (thường được biết đến với cái tên kho, quỹ...) khiến cho tỷ lệ ký quỹ thực tế của các nhà đầu tư chỉ vào khoảng trên dưới 10% giá trị giao dịch.
Bài học năm 2008 cho các nhà đầu tư F0
Có lẽ nhiều nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư không phải là F0, cũng chưa được trải qua cảm giác thị trường mất thanh khoản trong quá khứ: các lệnh bán cổ phiếu ồ ạt được đặt vào hệ thống ngay khi thị trường mở cửa (phiên ATO), trong khi bên mua gần như không có lệnh đối ứng. Và một chuỗi dài liên tục các phiên giao dịch như vậy đã diễn ra vào năm 2008.
Để tránh cho giá cổ phiếu bị giảm quá sốc trong một thời gian ngắn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phải điều chỉnh giảm biên độ giao dịch nhiều lần từ 7% xuống 5% rồi xuống chỉ còn 3%. Chỉ những ai trải qua cảm giác đó thì mới thấy lo lắng trước những diễn biến hiện nay của thị trường. Đã có rất nhiều cổ phiếu tăng tới vài lần chỉ trong một thời gian ngắn, trong khi kết quả kinh doanh thì gần như không thay đổi.
Thị trường sẽ chỉ phát bền vững khi dòng tiền tăng lên cùng với sự tăng lên về chất lượng của các nhà đầu tư. Theo đó, các nhà đầu tư chuyên nghiệp phải chiếm tỷ trọng đa số như tại các nước phát triển thay vì thiểu số như tại Việt Nam hiện nay. Do vậy, nếu chứng khoán “xì hơi” thì hậu quả sẽ là rất nặng nề, trước mắt và trực tiếp nhất là các nhà đầu tư F0, những người đã phải tiết kiệm trong nhiều năm liền và hoàn toàn có thể bị thị trường cuốn phăng đi bất cứ lúc nào.
Xem thêm: lmth.ioh-ix-gnourt-iht-ihk-tahn-ueihn-iah-teiht-es-0f-ut-uad-ahn/198213/nv.semitnogiaseht.www