TPHCM không tham vọng hút vốn cao vào khu công nghiệp
Lê Hoàng
(TBKTSG Online) - Trong bối cảnh khó khăn do Covid-19, lượng vốn đầu tư đổ vào các khu công nghiệp của TPHCM vẫn tăng trưởng 50%. Tuy nhiên, lo ngại những thách thức do thiếu quỹ "đất sạch" và diễn tiến dịch bệnh, Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza) đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư trong năm 2021 thấp hơn 200 triệu đô la Mỹ so với kết quả đạt được của năm 2020.
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất TPHCM (đứng) chia sẻ thông tin tại cuộc họp báo. Ảnh: Lê Hoàng |
Thông tin về tình hình hoạt động các khu chế xuất, khu công nghiệp năm 2020 và kế hoạch trong năm 2021, đại diện Hepza cho biết tổng vốn đầu tư, bao gồm vốn theo giấy phép đầu tư cấp mới và giấy phép điều chỉnh, đổ vào các khu công nghiệp - khu chế xuất của TPHCM trong năm 2020 đạt hơn 760 triệu đô la Mỹ, tăng 52% kế hoạch đề ra, và tăng 17% so với năm 2019.
Bước sang năm 2021, Việt Nam được giới phân tích nhận định có nhiều thuận lợi hơn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tuy nhiên Hepza vẫn thận trọng khi đưa ra mục tiêu 550 triệu đô la, tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu và công nghiệp hỗ trợ.
Lý giải về mục tiêu nói trên, theo người đại diện của Hepza, là do hiện nay quỹ "đất sạch" để cho nhà đầu tư thuê không còn nhiều. Hiện nay, các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố chỉ còn có khoảng 120 ha đất để sẵn sàng cho thuê nhưng lại phân tán ở nhiều khu vực khác nhau.
Trong khi đó, để thu hút được các dự án có quy mô vốn lớn thì yêu cầu quỹ đất sẵn sàng cho thuê tại một khu công nghiệp phải lớn. "Để thu hút vốn đầu tư lớn thường cần diện tích đất lớn, trong khi quỹ đất lớn nhất có sẵn tại các khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM hiện nay không thể quá 5 ha", ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Phòng Đầu tư của Hepza, giải thích.
Bên cạnh đó, qua ghi nhận thực tế, Hepza nhận thấy nhiều nhà đầu tư còn thận trọng với dịch bệnh Covid-19 và không đi đến quyết định rót vốn. Mặt khác, những doanh nghiệp thuê nhà xưởng xây sẵn tại các khu công nghiệp đều có quy mô vốn đầu tư nhỏ, nên các khu nhà xưởng xây sẵn, nhà xưởng cao tầng dành cho nhà đầu tư lớn thuê vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Hepza, cho biết nhiều doanh nghiệp quốc tế và các cơ quan đại diện ngoại giao đoàn tại TPHCM khi đến tìm hiểu thông tin đều đánh giá cao công tác phòng chống dịch cũng như môi trường đầu tư của TPHCM và của Việt Nam. Chính điều này đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng.
"Do đó, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thành phố trong năm 2021. Điểm hạn chế của địa phương là quỹ đất công nghiệp sạch hiện càng ngày càng ít dần, cho nên, việc chắt lọc các dự án là điều cần thiết và mức độ càng ngày càng cao", ông Hưng nói thêm.
Một khu chế xuất tại TPHCM. Ảnh: Lê Hoàng |
Một khó khăn khác là việc triển khai các khu công nghiệp mới còn chậm do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chậm trễ trong bàn giao đất triển khai dự án. Điều này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình thu hút đầu tư của Hepza trong thời gian tới.
Do đó, theo người đứng đầu Hepza, đơn vị này sẽ tham mưu UBND TPHCM các thủ tục pháp lý theo thẩm quyền tiến tới thành lập và từng bước đưa vào khai thác Khu công nghiệp Phạm Văn Hai theo định hướng kỹ thuật cao và Khu công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 3) chuyên ngành dịch vụ cảng và logistics.
Ngoài ra, Hepza sẽ triển khai xây dựng 20.000 m2 nhà xưởng cao tầng; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính; trong đó, phấn đấu thực hiện cấp giấy phép lao động qua mạng điện tử cấp độ 3 đạt 20%; 100% số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết (của HEPZA) đủ điều kiện được thực hiện dịch vụ công cấp độ 3, cấp độ 4.
Ông Hứa Quốc Hưng cho biết, năm 2021, Hepza cũng đặt trọng tâm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu đầu tư trong khu công nghiệp, tập trung vào những ngành, lĩnh vực kinh tế có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số. Đơn cử, ngành cơ khí theo hướng tự động hóa, các ngành có ứng dụng trí tuệ nhân tạo; ngành công nghệ như thiết bị điện tử, phần mềm, vi mạch, robot... Khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp; trong đó, chú trọng vào việc xây dựng nhà xưởng tiêu chuẩn và nhà xưởng cao tầng nhằm đáp ứng việc thu hút đầu tư trong bối cảnh quỹ đất cho công nghiệp ngày càng hạn hẹp.
“Đặc biệt, Hepza tăng cường phối hợp với các sở ban ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, giảm thâm dụng lao động; chuyển từ hoạt động gia công lắp ráp sang hoạt động thiết kế, sản xuất, xuất khẩu; từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng trong và ngoài nước để bảo vệ môi trường bền vững, phù hợp với sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật ngày càng cao, ...”, ông Hưng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Hepza cũng tăng cường công tác tạo quỹ đất để sẵn sàng thu hút đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; bảo vệ môi trường bền vững, xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp sạch, xanh, thân thiện với môi trường; tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng...
Doanh nghiệp nội địa là đòn bẩy hút vốn vào khu công nghiệp Năm 2020, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh tại các khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM đạt hơn 760 triệu đô la Mỹ, đạt 152 % kế hoạch, tăng 17% so với năm 2019. Trong đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 370 triệu đô la, giảm 7,26% so với năm 2019. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, làm hạn chế đi lại của nhà đầu tư và suy giảm kinh tế toàn cầu. Có 20 dự án đầu tư vốn nước ngoài được cấp mới, tập trung vào các dự án xây dựng nhà xưởng, kho cho thuê. Các dự án điều chỉnh tăng vốn của một số dự án lớn đã khảo sát, nghiên cứu khả thi, xây dựng phương án đầu tư và đàm phán thuê đất trong thời gian dài trước đó. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư trong nước thu hút đạt trên 9.000 tỉ đồng, tăng 57%. Cấp mới 67 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 7.300 tỉ đồng; tập trung vào lĩnh vực xây dựng nhà xưởng, kho cho thuê của một số công ty phát triển hạ tầng và các dự án nhận chuyển nhượng quyền thuê đất, nhà xưởng từ các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất. |
Xem thêm: lmth.peihgn-gnoc-uhk-oav-oac-nov-tuh-gnov-maht-gnohk-mchpt/629213/nv.semitnogiaseht.www