Tận dụng khả năng lan tỏa của các ứng dụng Facebook, Zalo rồi Youtube... nhiều đối tượng đã khai thác triệt để bán pháo lậu cũng như các loại hàng cấm khác, đặc biệt trong dịp Tết sắp về…
Hàng cấm trên “chợ” mạng
Không khó để lên mạng gõ tìm kiếm cho các từ khoá súng, đạn, dao kiếm, pháo… lập tức dẫn người xem tới những trang cá nhân, trang bán hàng, hội nhóm hàng nghìn thành viên trên mạng xã hội. Điển hình như hội “Pháo Tết 2021” sau một tháng thành lập trên Facebook thu hút gần 6 nghìn thành viên. Cận Tết, số lượng thành viên gia nhập mới lên kỷ lục - 4 nghìn thành viên chỉ trong một tuần qua. Trên trang này, lượt bài đăng hỏi mua, ngã giá liên tục diễn ra. Giá pháo rẻ nhất từ 20.000 đồng/quả pháo trứng và lên tới 700.000 đồng/bệ pháo lớn.
Mới đây, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) bóc gỡ đường dây mua bán pháo lậu qua mạng xã hội và thu giữ 2 thùng pháo (31 hộp) do một công an xã cầm đầu. Chủ nhân số pháo, Hà Đức Thương (31 tuổi, quê Ninh Bình) khai mua pháo của một người có tài khoản Facebook tên “Trung Kiên” để bán lại kiếm lời.
Công an quận Nam Từ Liêm đã làm rõ người bán pháo cho Thương là Nguyễn Trung Kiên (29 tuổi, ở xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, Bắc Giang). Kiên thừa nhận hành vi bán pháo cho Thương và nói rằng, cũng mua của một người không quen biết trên mạng xã hội.
Hay vào ngày 13.1.2021, Công an huyện Đông Anh phát hiện Dương Ngọc Trọng (SN 1994, trú tại Thanh Đa, Phúc Thọ, Hà Nội) đang bê một thùng carton giấy để vào cốp sau xe ô tô Hyundai biển kiểm soát 29A-415.61 có biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra cho thấy trong thùng có chứa hơn 9,1 kg pháo hoa nổ.
Trọng khai nhận đã mua số pháo trên của một người không quen biết qua mạng Facebook với giá 750.000 đồng/hộp và đang trên đường vận chuyển về nhà, chờ đến Tết Nguyên đán Tân Sửu để đốt.
Hàng lậu ảo đề lừa tiền cọc?
Vận chuyển thì âm thầm song rao bán lại công khai. Đa số đối tượng sử dụng các tài khoản Facebook ẩn danh hoặc các tài khoản Zalo không có thông tin chính xác để tiện bề hoạt động.
Theo tố cáo của không ít nạn nhân trên các chợ mạng, nhiều đối tượng viện lý do hàng cấm, giao dịch nguy hiểm để đưa ra yêu cầu đặt cọc, chuyển khoản trước chuyển hàng rồi sau đó biệt vô âm tín.
Chủ hàng biến mất, tài khoản mạng xã hội và số điện thoại đều không liên lạc được. Manh mối duy nhất người mua có được là số tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, đây là giao dịch hàng cấm nên ít người dám lên tiếng tố cáo trước cơ quan chức năng.
Trao đổi với Lao Động, ông Vy Công Tường - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, các năm trước đây cũng thường xuyên xảy ra tình trạng vận chuyển trái phép pháo lậu qua biên giới. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh này, do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, cả phía Việt Nam và Trung Quốc đều siết chặt biên giới, kiểm soát chặt hàng hóa xuất nhập khẩu, người và phương tiện xuất nhập cảnh nên hoạt động vận chuyển trái phép pháo rất ít.
Còn ông Hoàng Khánh Hòa - Cục trưởng Cục Hải quan Cao Bằng cho hay: “Từ đầu năm 2021 tới nay, các đơn vị lập chốt chưa phát hiện, bắt được vụ vận chuyển trái phép pháo nào”.
Xem thêm: odl.884378-gnam-nert-mac-gnah-nab-oar-yab-pas-naht-nac-tet-nag/et-hnik/nv.gnodoal