Như Thanh Niên từng đề cập, cô giáo L.T.T.T dạy môn công nghệ lớp 8 ở H.Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã được nhà trường phân công phụ trách phòng thiết bị thực hành. Môn công nghệ khối lớp 8 cũng được nhà trường phân công một giáo viên khác phụ trách. Nhà trường đã họp kiểm điểm cô T. về việc không báo cho lãnh đạo khi bài kiểm tra có nhiều điểm 0.
Trước đó, trong học kỳ 1 năm học 2022 - 2023, cô T. cho học sinh lớp 8A6 làm bài kiểm tra môn công nghệ 15 phút. Kết quả 21/34 em bị điểm 0; 5 em bị điểm 1; còn lại là điểm 2, 3 và 4; chỉ 1 em đạt điểm 10. Bảng điểm kiểm tra của lớp 8A6, cùng 2 lớp khác cũng có nhiều học sinh bị điểm 0 môn công nghệ, được cô T. đưa lên hệ thống mạng giáo dục Việt Nam VNEDU, sau đó lan truyền, gây xôn xao trên mạng xã hội.
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT H.Châu Đức khẳng định: "Lỗi của cô T. là đã đưa bảng điểm lên hệ thống VNEDU nhưng không thông qua trường. Việc một lớp có nhiều học sinh bị điểm dưới trung bình thì giáo viên phải báo nhà trường để có hướng khắc phục, giáo viên phải thay đổi cách dạy cho phù hợp".
Có phải lỗi chuyên môn?
Tranh luận lập tức nổ ra khi một luồng ý kiến mạnh mẽ cho rằng cách xử lý câu chuyện "bài kiểm tra có nhiều điểm 0" như vậy là vô lý, vì lỗi chính thức khiến cô T. bị kiểm điểm "là đưa bảng điểm lên hệ thống VNEDU nhưng không thông qua trường" chứ không phải vì yếu tố chuyên môn.
Bạn đọc (BĐ) Nga Le thắc mắc: "Tại sao học sinh điểm kém phải báo trường mới được đăng lên hệ thống? Có phải đây là quy định ngành? Học kém bị điểm kém là đương nhiên và phải cố gắng để được điểm cao. Điều chuyển công việc vì lý do đăng bảng điểm không báo trường thì hơi kỳ". Tán thành ý kiến trên, BĐ TuanHai Chu nêu: "Thoạt nhìn câu chuyện thì giáo viên bị điều chuyển sau khi học sinh không chịu ôn bài bị nhiều điểm 0. Như thế thì ai dám cho điểm 0 con em chúng ta nữa. Liệu như vậy có làm sai lệch mục tiêu giáo dục?".
Tuy nhiên, nhiều BĐ cũng lưu ý chi tiết nhà trường cho biết đã họp với phụ huynh và "phụ huynh học sinh đồng tình với cách xử lý của nhà trường". Đây cũng là luồng ý kiến tranh luận thứ hai khi "bênh vực" cách xử lý của ngành giáo dục H.Châu Đức. BĐ My Honey thẳng thắn: "Tôi cho rằng cô giáo cũng cần xem lại phương pháp dạy học. Nếu cô đã cho đề cương trước 1 tuần mà gần như cả lớp (trừ 1 em được 10 điểm) bị điểm kém là điều chưa hợp lý. Tình trạng này cũng xảy ra ở các lớp khác do cô dạy thì có đáng đặt câu hỏi hay không?". Nhận xét thêm, BĐ Minh Nghĩa nêu ý kiến: "Chúng ta cũng chỉ đọc và biết được các thông tin bề nổi. Tôi tin lãnh đạo nhà trường và cả các phụ huynh đã cân nhắc và có lý do cho phương án xử lý này".
Cần bản lĩnh
Những tình huống giáo dục nhạy cảm luôn nảy sinh trong thực tế, và việc tách bạch đúng - sai nhiều lúc không thể rõ ràng như việc ra một đáp án môn toán. Mặc dù đã có rất nhiều thay đổi trong cách dạy và học, nhưng yêu cầu "nhạy cảm, tinh tế" khi xử lý mối quan hệ học sinh và giáo viên luôn không đổi. Chính vì vậy, BĐ Vuthithuhien "bỗng thấy lo lo về quyền và trách nhiệm của cả giáo viên và học sinh".
Từ góc độ "cũng là một giáo viên, sau này làm hiệu trưởng", BĐ Khoi Nguyen cho biết mình nhiều lần sử dụng cách "cho bài khó, điểm thấp trong giai đoạn đầu năm học để kích thích nỗ lực học sinh". "Nhưng đến khi đảm nhận công tác quản lý, đúng là để dung hòa, đáp ứng nhiều mặt mục tiêu giáo dục lại không dễ dàng gì", BĐ Khoi Nguyên chia sẻ, đồng thời nhận xét "áp lực bản lĩnh trong môi trường giáo dục không hề nhỏ".
* Nên cho các cháu học sinh học theo phương án thi trắc nghiệm, kể cả các môn như công nghệ, như vậy sẽ thể hiện thực chất về kiến thức của học sinh, tránh được tình trạng học vẹt.
phuongdiengio
* Không vì các con bị điểm thấp mà đổ lỗi cho cô giáo được. Nếu không có học sinh điểm cao thì mới trách, vẫn có bạn điểm 10 chứng tỏ những bé kia lơ là. Môn công nghệ không khó, chỉ cần chăm chỉ là được, tôi cũng có con tầm tuổi này nên hiểu.
Minh Kieu