Công nhân và con em của mình thưởng thức những tô phở được nấu từ 9 đầu bếp đoạt giải Hoa hồi vàng (giải “Đi tìm người nấu phở ngon” do báo Tuổi Trẻ tổ chức) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đây được xem như bữa tiệc tất niên đặc biệt của những gia đình công nhân môi trường tại TP.HCM, diễn ra tại trụ sở báo Tuổi Trẻ ở TP.HCM vào chiều qua 23-1.
Bữa ăn tất niên hiếm hoi
Anh Nguyễn Xuân Quang (50 tuổi) - công nhân vệ sinh Công ty Môi trường đô thị TP.HCM - không phải vào ca quét rác như mọi khi.
Từ đầu giờ chiều, anh chở vợ con tới báo Tuổi Trẻ để ăn tất niên cùng với các đồng nghiệp cũng là những gia đình công nhân vệ sinh, thoát nước.
Những người cha, người mẹ trong trang phục xanh lá của công nhân vệ sinh, xanh xám của công nhân thoát nước cùng với những đứa trẻ diện bộ cánh tết đẹp nhất để đến bữa tiệc tất niên đặc biệt này.
Thưởng thức những tô phở từ những đầu bếp Hoa hồi vàng, cả nhà anh Quang ai cũng khen phở ngon. Ăn thêm một miếng nem rán Hà Nội giòn rụm, thơm phức, anh Quang dường như rất thoải mái.
"Cái nghề của mình rất khó ăn. Tới bữa ăn, đâu có vô hàng quán, ngồi bàn, ngồi ghế nghiêm chỉnh như người ta. Xe rác mình hôi, đậu trước quán người ta đâu có được, cũng không dừng đâu để ăn được. Cơm chỉ có thể để trong hộp, tới điểm tập kết bô rác ngồi giữa rác rến ăn chồm hổm vậy. Nhiều khi đi giữa đường đói mà đâu dừng ăn được, phải chờ chạy tới điểm tập kết rác" - anh Quang kể về chuyện ăn của nghề quét rác nghe thật thương.
Một bữa ăn thảnh thơi, ngồi bàn ngồi ghế cũng là xa xỉ. Là công nhân quét rác, họ cũng hiếm hoi ăn cơm tối cùng nhau, "chứ đừng nói ăn tất niên". "Ngành nào nghỉ tết chứ anh em ngành này đâu có nghỉ bao giờ.
Từ 20 tết, người ta bắt đầu tính chuyện nghỉ tết còn tụi tui thì bắt đầu vào cao điểm, làm căng hơn ngày thường để đường phố sạch đẹp. Làm xuyên tết đến chừng mùng 6, mọi người bắt đầu đi làm lại thì công ty bắt đầu sắp xếp cho nghỉ bù luân phiên" - anh Quang chia sẻ.
Làm nghề đã 30 năm, cũng chừng đó năm "ăn tất niên" ngoài đường. Thế nên có một ngày thảnh thơi, ngồi ăn phở ngon, nghe hát nhạc xuân với vợ con như trong bữa tất niên chiều nay "đâu dễ có được".
Ngồi ở dưới, bé Võ Đăng Khoa (12 tuổi), con trai anh Võ Thanh Nhân (38 tuổi) - công nhân vệ sinh, cũng liên tục vỗ tay khi chú hề chọc cười các bạn.
Vì ba làm công nhân quét rác nên cái tết đoàn viên được về quê gặp ông bà tưởng như bình thường với vô vàn em bé khác lại là niềm mơ ước của bé Khoa. Quê nhà ở Bến Tre nhưng nhiều cái tết vợ chồng, con cái anh Nhân đều chưa về quê.
"Tôi làm công nhân vệ sinh, ban đêm đi quét rác rồi ban ngày đi làm công nhân may. Ở thành phố, nuôi hai đứa con phải vậy mới đủ. Đêm giao thừa thì phải quét đường, dọn dẹp tới 2h-3h sáng nên đâu về quê được" - anh Nhân kể.
Đôi mắt anh Nhân hoe hoe khi nghe con nói về mong ước ngày tết: "Tết con thích về quê. Bà ngoại gọi nói con nhớ về quê ăn tết với bà, bà nhớ con lắm. Con cũng nói với bà là để ba con sắp xếp thời gian rồi chở con về".
Bé Khoa nói quê ngoại ở Vĩnh Long, quê nội ở Bến Tre. "Hồi lúc ba con còn chưa làm ở đây, con có được về quê một lần. Về quê tối đi bắt cua, ra đồng chơi, tối nấu bánh tét" - Khoa kể giọng buồn buồn.
Sau chương trình, các gia đình công nhân mang về những phần quà để có một cái tết đủ đầy và ấm cúng hơn - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bữa tiệc của những tấm lòng
Khi các gia đình công nhân còn đang xem múa hát, hào hứng với những trò chơi thì ở bên ngoài hội trường, các Hoa hồi vàng tất bật chuẩn bị 300 tô phở nóng sốt để sẵn sàng phục vụ gia đình các công nhân.
Những nồi nước dùng bốc khói nghi ngút. Mùi phở, mùi hành ngò thơm nức cả một khu ngoài trời dành để bố trí bàn ăn.
8 Hoa hồi vàng từ Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn đã cất công mang hẳn những "quán phở mini" của họ tới trụ sở báo Tuổi Trẻ để phục vụ buổi tất niên của gia đình các công nhân vệ sinh. Họ tận tay lựa chọn từ miếng thịt bò đến mớ rau thơm để "phở chuẩn vị nhất".
Hoa hồi vàng 2020 Nguyễn Thị Thanh Hà - người đã biết đến nghề nấu phở từ 20 năm trước - tỉ mỉ "xách tay" từng bó húng quế đến hành, ngò từ Hà Nội vào TP.HCM từ chiều tối hôm trước để chuẩn bị nấu phở.
Các gia đình 3h chiều mới có mặt thì chị đã đến tòa soạn Tuổi Trẻ ngay từ đầu giờ trưa để chuẩn bị bếp núc.
"Tôi mang tất cả các loại gia vị từ hồi, quế, tiêu... để mang vị Hà Nội đến chia sẻ với các gia đình", chị Hà vừa thoăn thoắt cắt hành, nêm nếm nồi nước dùng vừa nói.
Anh em Hoa hồi vàng Nguyễn Tiến Hải (27 tuổi), Nguyễn Tự Tin (29 tuổi) từ Bình Dương cũng có mặt từ sớm để chuẩn bị 100 suất phở.
"Chúng tôi đã đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ trong rất nhiều chương trình cộng đồng. Được cùng góp phần mang đến những niềm vui, sẻ chia khó khăn với các gia đình công nhân môi trường là điều chúng tôi luôn mong muốn được làm" - Tiến Hải chia sẻ.
Bữa tiệc tất niên năm nay còn có 1.000 chiếc nem rán được chính Nghệ nhân ẩm thực dân gian Ánh Tuyết mang từ Hà Nội vào. Bà cũng chính là người đã lên thực đơn và nấu tiệc thết đãi các nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị APEC 2017.
"Biết đến báo Tuổi Trẻ là cái duyên của tôi. Tôi cũng muốn góp một chút công sức bé nhỏ gửi gắm đến anh chị em công nhân môi trường. Họ đã làm một công việc thầm lặng, giữ đường phố sạch đẹp để mọi người đón xuân trong tươi mới" - bà Ánh Tuyết chia sẻ.
Nhà báo Cao Huy Thọ - phó giám đốc Trung tâm dịch vụ truyền thông báo Tuổi Trẻ - cho biết đây là năm thứ ba chương trình tất niên dành cho gia đình công nhân môi trường được tổ chức. "Năm nào chúng tôi cũng tìm một điều khác biệt dành cho các bạn nhỏ.
Năm ngoái các bạn nhỏ được ăn phở của Người nấu phở ngon nhất 2019 Cao Văn Luận và ăn tết bằng gạo ST25 ngon nhất thế giới. Năm nay các em được 8 Hoa hồi vàng phục vụ phở và được thưởng thức món nem rán đặc biệt của nghệ nhân Ánh Tuyết" - ông Thọ nói.
Các công nhân thưởng thức món chả giò (nem) do Nghệ nhân dân gian Ánh Tuyết mang đến - Ảnh: NGUYỄN Á
Gà trống một nách ba con
Buổi tất niên của 100 gia đình công nhân môi trường có một gia đình đặc biệt. Đó là gia đình của người cha trẻ Nguyễn Duy Khánh (33 tuổi) và ba con: 12 tuổi, 9 tuổi, đứa mới 5 tuổi.
Gặp ba cha con ở bữa tiệc tất niên, đồng nghiệp vây lấy hỏi han. Anh Khánh ngồi dưới, dõi mắt theo các con. "Nay tôi xin nghỉ dắt 3 đứa đi tất niên rồi lát tranh thủ về thăm bà ngoại ở quận Tân Bình. Từ hồi vợ tôi mất tới giờ chưa tới thăm bà ngoại" - anh Khánh nói nhỏ.
Ba con của anh Khánh mất mẹ cách đây 10 tháng. Nhà ở Đức Hòa (Long An) nhưng ngày nào anh cũng chạy xe lên quận Bình Tân (TP.HCM) làm công nhân vệ sinh.
"Giờ chỉ còn trông chờ vào ông bà nội ở kế bên coi sóc. Xưa bà xã còn khỏe, hai vợ chồng đi làm đã chật vật rồi. Bà xã mắc bệnh ung thư rồi mất, giờ chỉ còn tôi là chỗ dựa cho các con nên cũng ráng bám" - anh Khánh chia sẻ.
Chương trình "Vui xuân cùng gia đình công nhân môi trường đô thị" do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty Môi trường đô thị TP.HCM, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT, Công ty cổ phần bột giặt LIX, Công ty Acecook Việt Nam, Công ty Bình Hiệp Phú tổ chức.
Các nhà tài trợ đã tận tay trao những suất quà ý nghĩa đến gia đình, con em công nhân môi trường đô thị. Nhiều sản phẩm như balô, điện thoại, sữa, võng xếp Duy Lợi… cùng tiền mặt đã được trao gửi đến gia đình các công nhân như những món quà tết nho nhỏ.
Các em nhỏ cũng chia thành hai đội, hào hứng tham gia một game ô chữ nho nhỏ để giành phần thưởng lớn nhất là một chiếc laptop do FPT tài trợ.
Chương trình cũng có sự góp mặt của nhiều anh chị nghệ sĩ như nhạc sĩ Hoàng Luân, ca sĩ Lê Thu Hiền, á hậu Phương Anh. Họ cùng góp phần vào những trò chơi, mang đến những bài hát đầy không khí tết để chia sẻ với các gia đình công nhân môi trường.
TTO - Tiệc liên hoan chào Tết Tân Sửu được tổ chức chiều 23-1 với 100 gia đình công nhân vệ sinh cùng công nhân thoát nước có hoàn cảnh khó khăn. Đã có rất nhiều tấm lòng thơm thảo, đồng cảm với chương trình.
Xem thêm: mth.54472228042101202-gnourt-iom-nahn-gnoc-hnid-aig-auc-pa-ma-nein-tat-ceit/nv.ertiout