Hastag trên mạng kêu gọi “Công lý cho Trần Tố Nga” do các thành viên của Hội Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam của Việt kiều tại Pháp thực hiện. Người Việt tại Pháp và các bạn người Pháp đã quyên góp tiền để dịch các tài liệu cho phiên xử này - Ảnh: Hội Collectif Vietnam Dioxine
Ngày mai 25-1, tại tòa Ivry tỉnh Esson (phía nam Paris), tòa án Pháp sẽ chính thức xét xử vụ kiện dân sự giữa bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt, với các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, gây ra thương tổn sức khỏe nghiêm trọng suốt đời và nhiều đời cho hàng triệu nạn nhân, trong đó có bà Nga.
Có thể nói đây là một vụ kiện hi hữu trong lịch sử tư pháp của nước Pháp nói riêng và quốc tế nói chung. Bởi người kiện là một cá nhân chống lại các tập đoàn đa quốc gia bằng sản phẩm của mình tham gia phá hoại thiên nhiên và đầu độc con người.
Bởi tác hại của chất da cam/dioxin đối với thiên nhiên và con người đã được khoa học chứng minh, nhưng để thắng kiện các tập đoàn hóa chất các nạn nhân phải trải qua cuộc chiến pháp lý vô cùng khó khăn, phức tạp.
Trước vụ kiện của bà Trần Tố Nga, các nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam 3 lần kiện thì cả 3 lần đều bị các tòa án Mỹ bác bỏ. Ngay cả Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA) trước năm 2009 cũng đã bị Tòa án tối cao của Mỹ bác đơn kiện.
Sự hi hữu của phiên tòa ngày 25-1 chính là nguyên đơn Trần Tố Nga hội đủ các điều kiện nói trên: là công dân Pháp và có đủ bằng chứng y khoa là nạn nhân của chất dioxin để trên cơ sở đó cùng bạn bè trong và ngoài nước chuẩn bị hồ sơ vụ kiện trong gần 10 năm và khởi kiện từ 5 năm qua.
Bà Nga đã phải vượt qua biết bao trở lực để quyết không từ bỏ vụ kiện cuối cùng trong cuộc đời 80 năm của mình chỉ bởi suy nghĩ: Nếu bà không làm thì không còn ai đủ được các điều kiện để kiện và điều đó có nghĩa là nạn nhân chất độc da cam/dioxin nói chung và 4 triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam nói riêng không còn hi vọng đòi được công lý.
Bà Nga và bạn bè của bà trong nước và ngoài nước đều biết họ đã và đang phải đối mặt với trùng trùng khó khăn: làm cho các tập đoàn sừng sỏ của Mỹ thừa nhận sai lầm không hề dễ và vấn đề tài chính để theo đuổi vụ kiện.
Biết nhưng vẫn phải theo đuổi và đi đến cùng, bởi vì tính chính nghĩa của vụ kiện dân sự này đã vượt ra khỏi phạm vi một đất nước và đang ngày càng được công nhận rộng rãi ở nhiều quốc gia, ngay cả khi quốc gia ấy không có một nạn nhân chất độc da cam nào.
Sau 6 năm và 19 phiên làm việc tại tòa, phiên tòa ngày 25-1 không còn là phiên tòa của cá nhân bà Nga mà là phiên tòa của tất cả những người có lương tri ở nhiều nước chứ không chỉ ở Việt Nam.
Nó cho thấy giá trị của mỗi con người sẽ được tìm thấy, được khẳng định như thế nào khi tham gia vào cuộc đấu tranh bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ mạng sống của con người chống lại những kẻ vì lợi nhuận mà coi thường các giá trị thiêng liêng ấy.
Phiên tòa nếu đạt được sự phán xét công bằng cho bà Nga còn là tia hi vọng cho các thế hệ tương lai, cho tất cả các nạn nhân của chiến tranh hóa học.
Phiên tòa mở ra ở nước Pháp xa xôi là phiên tòa xét xử vụ kiện của một người Pháp gốc Việt và còn mang quốc tịch Việt Nam, là câu chuyện Việt Nam không thể bị lãng quên, còn đang tiếp diễn tại Việt Nam sau 46 năm chiến tranh kết thúc.
TT - Ngày 18-6, phiên làm việc thứ hai của vụ kiện da cam do bà Trần Tố Nga đứng nguyên đơn (“Một mình một vụ kiện da cam”, Tuổi Trẻ ngày 24 đến 29-7-2014) đã diễn ra tại Tòa án TP Evry (Pháp).
Xem thêm: mth.88195709042101202-iougn-tom-auc-ihc-gnohk-neik-uv-agn-ot-nart-ohc-yl-gnoc/nv.ertiout