Như Thanh Niên đã thông tin, từ ngày 14.11, Công an TP.Thủ Đức phối hợp các đội CSGT thuộc Phòng CSGT Công an TP.HCM tổng kiểm tra, xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn và các chất kích thích khác trên địa bàn TP.Thủ Đức. Đợt ra quân lần này, lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát 24/24 khắp các tuyến đường trên địa bàn, kéo dài đến hết ngày 31.12.
Việc người uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều vụ tai nạn để lại hậu quả nặng nề. Mới đây, ngày 12.11, một tài xế say xỉn lái ô tô gây ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại TP.Thủ Đức. Theo đó, sau khi dùng rượu bia, Phạm Cao Trí (39 tuổi, ngụ Q.8) lái ô tô chở 4 người bạn đi trên đường Nguyễn Văn Tăng đoạn qua P.Long Thạnh Mỹ, tông liên hoàn vào 2 ô tô chạy chiều ngược lại và 3 xe máy, khiến chị Trần Thị Yến Nh. (18 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) tử vong, 3 người bị thương nặng. Ông Trí được cơ quan chức năng đưa đi xét nghiệm, kết quả nồng độ cồn là 188,8 mg/100 ml máu.
Đã uống rượu bia, xin đừng chạy xe
Bạn đọc (BĐ) hoan nghênh việc lực lượng chức năng thường xuyên thực hiện kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. BĐ Mộ Dung Trần lên tiếng: "Là người dân TP.Thủ Đức, tôi xin cảm ơn các chiến sĩ CSGT đã ra quân kiểm tra nồng độ cồn người lái xe, bảo đảm an toàn cho người dân. Không ai cấm nhậu, nhưng nhậu xong thì làm ơn bắt xe ôm hoặc taxi về, chứ lái xe sau khi uống rượu bia thì nguy to".
Cùng đề nghị "Muốn uống rượu bia thì đi taxi hoặc xe ôm, đâu ai cấm", BĐ Madam Phương Lê bày tỏ: "Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương cấm người uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông. Vì tính mạng con người là trên hết. Không thể vì niềm vui của một người mà gây khổ cho nhiều người khác".
Trong khi đó, BĐ leebinh1989 đưa ra góc nhìn: "Thời buổi khác rồi, không phải cứ ngồi nhậu thì giải quyết công việc được đâu, mà ngồi uống cà phê tỉnh táo, giải quyết công việc càng tốt. Ham ăn nhậu thì đừng chạy xe giùm cái. Xin cứ duy trì việc kiểm tra, xử phạt nồng độ cồn như hiện tại, để bảo đảm an toàn cho mọi người".
Cấm tuyệt đối, tăng mức phạt
BĐ đồng tình với hành động quyết liệt của cơ quan chức năng, đồng thời đề xuất giải pháp với mong muốn kéo giảm thực trạng người say xỉn lái xe. Theo BĐ Trung Quang, cần thay đổi, gia tăng mức xử phạt: "Ai vi phạm nồng độ cồn mà lái xe, dù chưa gây tai nạn cũng phải bị phạt tù một đến ba tháng thì mới đủ sức răn đe. Chứ phạt tiền, giam bằng lái họ vẫn không sợ".
BĐ Nguyễn V Tâm thì cho rằng: "Tôi đề xuất phạt nồng độ cồn theo giá trị xe. Nhiều người kiếm tiền dễ quá, nên bị phạt vài chục triệu đồng chẳng là gì, cũng chỉ bằng bữa nhậu của họ. Nên áp dụng cách thức mà một số nước đã làm, đi xe càng đắt tiền thì khi vi phạm sẽ bị gia tăng số tiền phạt theo tương ứng".
BĐ Quang Trinh gợi ý có thể tham khảo cách vận hành, xử lý tại một số nước trong vấn đề này: "Cảnh sát ở một số nước không đôi co, tranh luận và cũng không giải thích luật pháp với người say. Người say bị bắt đưa về tạm giam, xe thì cẩu về nơi tạm giữ. Thân nhân có thể đóng tiền bảo lãnh tại ngoại nếu muốn hoặc ở trong đó chờ ngày ra tòa xét xử. Sau khi tòa tuyên án thì nộp phạt, trả phí cẩu xe và giữ xe, rồi ra về".
"Nhiều nước cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe, Nhật Bản là một ví dụ. Tôi ủng hộ việc này. Mới nghe qua thì có vẻ hơi nghiêm, nhưng nghĩ lại đã có bao nhiêu người chết thảm dưới tay lái của những ma men, thì nỗ lực để đưa thói quen không lái xe khi đã dùng đồ uống có cồn vào trong nếp sống từ nay về sau là cần thiết", BĐ My Le nêu quan điểm.
Tôi ủng hộ mạnh mẽ việc CSGT kiểm tra nồng độ cồn người lái xe đi trên đường. Cần thực hiện công tác kiểm tra này nghiêm túc và thường xuyên, liên tục.
zBY0
Vâng, nhiều người nghĩ rằng sau khi uống rượu bia mình vẫn đủ tỉnh táo để lái xe. Cho đến khi xảy ra tai nạn...
Hoàng
Hệ lụy từ việc đã uống rượu bia mà vẫn tham gia giao thông là rất lớn. Không ai cấm uống rượu bia, nếu uống thì ở nhà, đừng ra đường tham gia giao thông, gây tai họa cho người khác.
quynhingan