Báo cáo vừa công bố của IEEFA đánh giá, một số nhà đầu tư đã đặt ra những mục tiêu tham vọng về mốc thời gian hoàn thành các giai đoạn triển khai dự án LNG bất chấp tính phức tạp của những dự án này nói chung.
"Sự thật đây là những dự án gồm nhiều giai đoạn, với nhiều cấu phần luôn biến động, nhiều rủi ro ở khâu thượng nguồn, hạ nguồn, rủi ro đối tác, rủi ro trong quá trình thi công...", IEEFA nhận xét. Các dự án nhiệt điện khí khi triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nhiệt điện than, vốn đã phải đối mặt với tình trạng chậm tiến độ triền miên.
Quy trình cấp phép của các dự án LNG tại Việt Nam cũng được đánh giá là phức tạp. Hiện nay, những thay đổi về luật pháp của Việt Nam đang khiến việc áp dụng các mô hình dự án phổ biến như BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) và nhà máy điện độc lập (IPP) cho lĩnh vực điện khí LNG không còn dễ dàng. Đây là vấn đề ảnh hưởng lớn đến khả năng thu xếp tài chính của các dự án.
IEEFA cho biết, giới đầu tư nước ngoài đã bày tỏ lo ngại khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (Luật PPP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, bắt buộc áp dụng luật Việt Nam để giải thích hợp đồng và không quy định cụ thể về bảo lãnh Chính phủ đối với nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của các doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tương tự, Luật Đầu tư mới có hiệu lực vào ngày 1/1/2021 không quy định rõ về việc cung cấp các cam kết bảo lãnh của Chính phủ hay chuyển đổi ngoại tệ. Các dự án nhiệt điện khí LNG thuộc dạng IPP cũng sẽ phải tuân theo một hợp đồng mua bán điện (PPA) mẫu được điều chỉnh bởi pháp luật Việt Nam. Theo đó, nhà máy điện sẽ phải cạnh tranh trên thị trường bán buôn, và chỉ được bao tiêu với số lượng hạn chế từ EVN.
"Khung pháp lý cập nhật cho các mô hình dự án BOT hay IPP có vẻ không tương thích với các điều khoản hợp đồng mà các chủ đầu tư dự án nhiệt điện khí LNG đang đòi hỏi từ phía EVN và các cơ quan Chính phủ để đảm bảo khả năng vay vốn cho dự án," IEEFA đánh giá.
Ngoài ra, IEEFA cho rằng giá điện khí chắc chắn sẽ không hề rẻ. Điều này đã được các cơ quan chức năng và một số chủ đầu tư dự án thừa nhận một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong một số trường hợp, cảnh báo này được ngầm hiểu dưới lời kêu gọi hình thành cơ chế giá điện vận hành theo thị trường với chi phí nhiên liệu chuyển cho bên tiêu thụ chi trả, hoặc thông qua việc vận động sử dụng điện tiết kiệm bằng cách đề xuất tăng giá bán lẻ điện.
"Trên thế giới, các chuyên gia đều đồng thuận rằng chi phí biên của điện mặt trời, điện gió và các giải pháp pin tích trữ sẽ ngày càng giảm trong dài hạn, trong khi điều này không thể xảy ra với LNG và nhiệt điện khí LNG", báo cáo nêu.
Thời gian qua, Việt Nam đã nhanh chóng nổi lên như là một trong những thị trường nhập khẩu LNG tiềm năng nhất ở châu Á. Theo IEEFA, sự quan tâm của giới đầu tư trở nên mạnh mẽ nhất là sau khi Bộ Chính trị hồi tháng 2/2020 công bố nghị quyết định hướng chiến lược phát triển ngành năng lượng Việt Nam trong thập kỷ tới, với tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí LNG và hạ tầng nhập khẩu và phân phối khí.
Quy mô của các dự án được đề xuất cũng như số lượng và sự đa dạng của các nhà đầu tư được đánh giá là chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành điện Việt Nam. Sự sôi động của lĩnh vực này phần lớn đến từ các dự án gắn với các nhà đầu tư và nhiên liệu nhập khẩu từ Mỹ, cũng như các tập đoàn năng lượng hàng đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc và một số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Chỉ có 9 dự án đã được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện hiện tại. Trong số này, có 5 dự án đã có chủ đầu tư và có thể tiến đến bước đàm phán hợp đồng PPA với EVN trong khi nhiều dự án lớn như LNG Long Sơn, LNG Cà Ná, LNG Long An và LNG Quảng Ninh vẫn chưa công bố chủ đầu tư chính thức.
Đức Minh